Các đơn vị vận tải hoạt động tại bến xe đã cắt giảm tần suất hoạt động do vắng khách vì dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+).

Các đơn vị vận tải hoạt động tại bến xe đã cắt giảm tần suất hoạt động do vắng khách vì dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+).

Bến xe Hà Nội miễn phí dịch vụ cho nhà xe do ảnh hưởng của COVID-19

Trước thực trạng vắng khách và các đơn vị vận tải cắt giảm tần suất hoạt động để giảm thiểu thiệt hại do dịch COVID-19, bến xe Hà Nội đã có động thái ban đầu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
 

Công ty cổ phần bến xe Hà Nội vừa có thông báo giảm phí dịch vụ cho các nhà xe vắng khách do phải cắt tần suất hoạt động trước dịch bệnh COVID-19.

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cơ cấu lại tổ chức vận tải trên các bến, giảm tần suất hoạt động trong các thời điểm vắng khách, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội cho biết Công ty không thu tiền dịch vụ đối với các chuyến xe khách liên tỉnh giảm tần suất hoạt động.

“Công ty đã báo cáo cơ quan quản lý tuyến xem xét không xử lý các xe có tỷ lệ hoạt động thấp dưới 70% chuyến/lượt đăng ký do ảnh hường của dịch bệnh,” ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, Công ty sẽ đảm bảo an toàn phòng dịch cho mỗi chuyến xe xuất bến, tạo niềm tin an toàn cho hành khách, qua đó thu hút hành khách đến với bến và đi xe khách, tạo thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh.

Trước đó, Công ty cổ phần Bến xe Hà nội đã triển khai nhiều biện pháp chống dịch đồng thời tạo an toàn phòng dịch cho hành khách đến bến đi xe khách với những giải pháp như cấp khẩu trang miễn phí cho những hành khách chưa có khẩu trang, cấp nước sát khuẩn cho hành khách sử dụng miễn phí, thường xuyên phun phòng dịch tại bến, tăng cường thông tin tuyên truyền phòng dịch trên bên, tăng cường vệ sinh môi trường bến xe...

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sản lượng hành khách vận chuyển do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (COVID-19) tính trong tháng Hai vừa qua đã sụt giảm mạnh nghiêm trọng.

Cụ thể, đối với vận tải hành khách liên tỉnh, khách đi xe giảm từ 40-50%; trong đó các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm sản lượng giảm từ 30-40%; bến xe Nước Ngầm sản lượng giảm 65%; bến xe Yên Nghĩa sản lượng giảm 43%.

Riêng vận tải bằng xe taxi giảm từ 50-60%; vận tải xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), du lịch giảm từ 70-80% do không còn xe hợp đồng đưa đón học sinh, nhiều lễ hội Xuân không tổ chức..., chủ yếu vận chuyển công nhân, khách du lịch phương Tây; vận tải hàng hóa giảm 30% so với cùng kỳ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, các đơn vị vận tải đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả (đặc biệt đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách đi xe); tìm đối tác, thị trường mới, qua đó tạo động lực phát triển hoạt động vận tải; xử lý tốt các tin đồn thất thiệt gây hưởng đến tâm lý người dân;

Kết hợp phát triển vận tải theo chuỗi các giải pháp kích cầu đầu tư của các ngành khác; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư trong lĩnh vực vận tải…

Cơ quan quản lý Nhà nước xem xét các giải pháp giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay, giảm chi phí cầu đường; giãn, hoãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội, ... để giảm bớt gáng nặng cho doanh nghiệp vận tải; có kế hoạch, phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phát triển hoạt động giao thông vận tải an toàn và bền vững khi hết dịch.

Các đơn vị vận tải cũng đề nghị cho phép được chủ động cắt giảm bớt số chuyến, không áp dụng việc xử lý vi phạm về sản lượng theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 của Thông tư 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 “thực hiện tối thiểu 70% tổng số chuyến xe trên các tuyến vận tải hành khách cố định của đơn vị theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt”.

Tin bài liên quan