Dự án vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2 nhằm xây dựng tuyến cống bao D3.200 chuyển nước thải từ lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 tới khu vực sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) khởi công giữa năm 2017.
Dự án do Ban quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP HCM làm chủ đầu tư. Tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ. Trong đó, gói thầu xây dựng tuyến cống bao D3.200 do nhà thầu Thái Lan thi công, có kinh phí xây dựng khoảng 2.000 tỷ đồng. Bên dưới cống, mỗi ngày gần 200 công nhân tất bật thi công.
"Với đường kính cống là 3,2 m, chiều dài 8 km thì đây là tuyến cống ngầm lớn nhất TP HCM tính đến hiện tại", ông Phan Thanh Tuấn (Phó giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường thành phố) cho biết.
Hệ thống cống được đặt sâu dưới lòng đất từ 10 đến 19 m. Riêng tại đoạn cống qua đảo Kim Cương (quận 2), tuyến cống sẽ đi dưới lòng sông Sài Gòn với chiều dài 1028 m.
Tại công trường trên đường Mai Chí Thọ, hàng chục đốt cống đang chờ đặt xuống lòng đất.
Những đốt cống với vật liệu xây dựng là xi măng bền sunfat và bêtông mác cao. Mỗi đốt cống dày 36 cm và nặng khoảng 35 tấn.
Từng đốt cống được hệ thống cẩu trục đưa xuống lòng đất thông qua các giếng "khổng lồ". Giếng sâu từ 19 đến 27 m, đường kính dưới đáy 11 m, thành kết cầu bằng xi măng sunfat. Giếng là nơi để thi công kích các đốt cống vào lòng đất và thu thập nước thải.
Miệng giếng có đường kính 11 m, sau khi hoàn thành dự án, các giếng được đậy nắp, trả lai mặt bằng như ban đầu. Toàn bộ dự án bao gồm 21 giếng, hiện có 16 giếng thi công.
Dưới đáy giếng, những đốt cống được đẩy vào lòng đất bằng công nghệ khoan kích ngầm của Đức. "Công nghệ này có ưu điểm là việc thi công chiếm mặt bằng nhỏ, chỉ ở những vị trí làm hố sáp nên không ảnh hưởng tới giao thông, đời sống người dân", ông Tuấn cho biết.
Khi máy khoan kích ngầm hoạt động, đất sẽ đánh thành bùn chuyển ra ngoài đồng thời đẩy các đốt cống vào trong. Mỗi ngày kích được 8 đốt cống.
Trong mỗi cống khi thi công đều có một đường ống dẫn nước vào để trộn đất thành bùn nhão, một ống vận chuyển bùn ra ngoài.
Trước khi khoan, nhóm công nhân lắp hệ thống ống để dẫn nước và bùn. Mỗi giếng có khoảng 40 công nhân thi công làm cống ngầm.
Trong đường cống, công nhân lắp đặt hệ thống ống thông để đẩy không khí từ bên ngoài vào đường cống.
Một đoạn cống ở khu vực đường Mai Chí Thọ đã hoàn thiện, hệ thống ống dẫn khí, bùn, nước... được vận chuyển ra ngoài. Bên trong cống sơn nhựa PE chống thấm màu đen.
Sơ đồ tuyến cống ngầm lớn nhất TP HCM và các giếng.
Hiện, gói thầu xây dựng tuyến cống bao D3.200 đạt khối lượng thực hiện hơn 30% và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.
Trong khi đó, gói thầu nhà máy xử lý nước thải dự kiến khởi công quý 3 năm nay, hoàn thành sau 5 năm. Nhà máy xây dựng trên diện tích 38 ha, gần cầu Phú Mỹ (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) với công suất đạt 480.000 m3/ngày.
"Sau khi dự án hoàn thành, nhà máy sẽ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn A và đổ ra hạ lưu sông Đồng Nai. Công trình có ý nghĩa chỉnh trang đô thị, cải thiện sức khỏe người dân thành phố, khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn", ông Tuấn nói.