Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam phải bắt đầu xác định một lằn ranh đỏ, không để hoạt động cung cấp thông tin “thoải mái” quá như hiện nay. Ảnh: Dũng Minh.

Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam phải bắt đầu xác định một lằn ranh đỏ, không để hoạt động cung cấp thông tin “thoải mái” quá như hiện nay. Ảnh: Dũng Minh.

“Bên trọng, bên khinh” trong công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật pháp nhiều nước từ lâu đã cấm các công ty niêm yết không được cung cấp thông tin có tính chất trọng yếu cho riêng một số chuyên viên phân tích hay một vài nhà đầu tư tổ chức. Ngạc nhiên là điều này vẫn diễn ra ở Việt Nam.

Phổ biến ở ta, phạm luật xứ người

Trong một dịp tình cờ, tôi được một người bạn làm việc cho công ty chứng khoán ở Việt Nam và một người làm ở công ty kiểm toán nước ngoài cho biết là thực tế ở Việt Nam, các nhà phân tích có thể được báo trước về lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố, các hoạt động đầu tư trọng yếu, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công ty, kế hoạch thoái vốn…

Đem chuyện này hỏi một số bạn làm quan hệ đầu tư (IR) ở công ty niêm yết, cũng như phóng viên một số tờ báo, tôi nhận được cái gật đầu xác nhận.

Có ngân hàng cũng đã thông tin đến các chuyên gia phân tích, nhà đầu tư tổ chức những vấn đề quan trọng nhất của một ngân hàng như tăng tưởng tín dụng, thu nhập từ lãi, chi phí dự phòng, những chỉ số trọng yếu như CAR…, các số liệu này có độ chính xác rất cao, lệch rất ít so với báo cáo tài chính mà ngân hàng công bố sau đó.

Thông tin này làm tôi ngạc nhiên quá đỗi, vì đây là một cách hành xử phân biệt đối xử trong cung cấp thông tin mà luật pháp của đa số các nước, bao gồm cả những thị trường mới nổi như Trung Quốc cũng đã cấm.

Năm 2000, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã ban hành quy định thường được gọi là “Reg-FD” (Regulation Fair Disclosure). Theo đó, các công ty niêm yết không được cung cấp thông tin có tính trọng yếu cho riêng một vài chuyên viên phân tích hay một vài nhà đầu tư tổ chức.

Quy định này hướng tới ngăn cản việc phân biệt đối xử trong cung cấp thông tin ra thị trường, làm tổn hại tính hiệu quả và công bằng của thị trường. Yếu tố công bằng và bình đẳng của nhà đầu tư được nhấn mạnh khi đạo luật này được thông qua, vì nó đi chung với khuôn khổ pháp lý đảm bảo nhà đầu tư nhỏ không bị các “cá mập” gây tổn hại.

Mặc dù Reg-FD xuất phát từ Mỹ, các nhà quản lý thị trường của Anh và một số nước châu Âu cũng tuân thủ khuôn khổ tương tự. Khuôn khổ luật EU Market Abuse Directive (MAD) cũng có một phần chế tài các hành vi ưu tiên cung cấp thông tin cho một đối tượng nhất định so với các đối tượng khác.

Điểm nhấn đáng chú ý là cả khuôn khổ Reg-FD và MAD đều xem việc công ty “dự báo” hoặc “cảnh báo” trước với các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư tổ chức các thông tin trọng yếu như lợi nhuận, chi phí, doanh thu, dự án đầu tư chủ chốt… là các hoạt động cung cấp thông tin có tính phân biệt đối xử.

Lấy một ví dụ, năm 2019, SEC đã tiến hành hành động pháp lý đối với TherapeuticsMD vì tìm ra bằng chứng công ty này đã vi phạm luật Reg FD vào năm 2017.

Chuyện là, TherapeuticsMD đang nộp hồ sơ xin chuẩn y một loại thuốc với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và ngay sau khi Công ty nhận được thông tin về việc FDA lạc quan về khả năng thông qua loại thuốc này, trong một cuộc họp vào tháng 6/2017, CEO của Công ty đã viết email cho 6 nhà phân tích, cho biết cuộc họp với FDA là “rất tích cực và hiệu quả” và họ đang “đợi biên bản cuộc họp để quyết định sẽ làm gì tiếp theo”.

Điều này ngầm xác định rằng khả năng thông qua của thuốc rất cao. Một số chuyên gia phân tích sau đó đã đưa thông tin này vào trong báo cáo phân tích của mình và nhận định triển vọng lợi nhuận của TherapeuticsMD là khả quan nếu loại thuốc được thông qua.

Mặc dù đây chỉ là những thông tin có tính phỏng đoán nhưng lại là thông tin có tính trọng yếu. Và SEC sau khi thu thập đủ bằng chứng đã quyết định phạt TherapeuticsMD 200.000 USD vì đã đưa cho các chuyên gia phân tích các thông tin trọng yếu chưa công bố cho công chúng và sau đó đã không kịp thời công bố thông tin này ra đại chúng trong cùng thời điểm như yêu cầu của Reg FD.

Cần lằn ranh đỏ trong công bố thông tin

Ở nước ngoài, những buổi gặp giữa công ty niêm yết và các nhà phân tích phải được thu hình lại và công bố lên mạng, đồng thời một số dịch vụ tin tức sẽ nhận được bản đối thoại của cuộc họp. Một số ứng dụng như Seeking Alpha và Yahoo Finance lưu trữ các bản đối thoại này, trong khi website của công ty thì công bố toàn bộ ghi âm của cuộc họp.

Ngay cả nếu một sự kiện là do một công ty môi giới tổ chức, chứ không phải công ty niêm yết tổ chức mà có đại diện công ty niêm yết tham dự và phát biểu về tình hình kinh doanh công ty thì website của công ty cũng phải đăng tải toàn bộ nội dung trình bày trong đó.

Bạn cũng có thể dễ dàng tìm ra được các ghi nhận đối thoại của cuộc họp trên các trang tin như Reuters, Yahoo Finance hoặc Seeking Alpha. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách giữa công chúng đầu tư nhỏ lẻ với các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư nhỏ cũng có thể tự làm phân tích của mình dựa trên các thông tin đại chúng này và viết bài trên các trang phân tích tài chính cho nhà đầu tư nhỏ để cân bằng lại với thông tin từ các báo cáo phân tích của công ty chứng khoán, vốn ít có xu hướng “chê” doanh nghiệp.

Nhiều nghiên cứu của thế giới cho thấy, đa phần các báo cáo phân tích thường ít có xu hướng đưa ra đề xuất bán cổ phiếu so với đề xuất mua cổ phiếu, vì sợ làm phật lòng doanh nghiệp, lần sau không được mời dự sự kiện hay cung cấp thông tin riêng nữa.

Ở Trung Quốc, từ tháng 8/2012, Sàn chứng khoán Thâm Quyến (Shenzhen Stock Exchange - SZSE) yêu cầu công ty phải công bố các đợt thăm công ty của các chuyên gia phân tích trong vòng 2 ngày kể từ ngày cuộc viếng thăm diễn ra.

Quy định này nhằm đảm bảo thông tin về các cuộc gặp được ghi nhận lại, để nếu có diễn biến giá bất thường, hoặc một chuyên gia phân tích có vẻ đã nhận được những thông tin riêng lẻ trọng yếu thì cơ quan quản lý có thể có bằng chứng để tiến hành điều tra và xử phạt tương ứng.

Như vậy, không phải chỉ ở những thị trường phát triển, mà ở nhiều thị trường đang phát triển, vấn đề bất cân xứng thông tin, cung cấp thông tin kiểu “bên trọng, bên khinh” được quan tâm rất nhiều, vì mục tiêu công bằng và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ.

Ảnh tác giả

Cách hiểu thông tin chỉ mang tính dự đoán thì không cần phải công bố ra đại chúng, mà chỉ cần chia sẻ với một số người mà thôi chính là sự nhầm lẫn giữa khái niệm công bố thông tin tự nguyện với công bố thông tin kiểu phân biệt đối xử.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Cách hiểu rằng thông tin chỉ mang tính dự đoán, không thuộc nhóm thông tin phải công bố theo luật định thì không cần phải công bố ra đại chúng, mà chỉ cần chia sẻ với một số người mà thôi chính là sự nhầm lẫn giữa khái niệm công bố thông tin tự nguyện với công bố thông tin kiểu phân biệt đối xử.

Khi anh tự nguyện công bố thêm thông tin liên quan đến các vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp, bất kể đó chỉ là quan điểm, dự đoán hay thông tin chắc chắn, thì anh không thể chỉ kể cho một vài “ông bạn” nghe được. Hoặc giả định rằng tôi có mời vài nhà báo đến dự, vậy là đã công bố thông tin đại chúng rồi. Không phải như thế!

Ở thời buổi này, khi đã công bố thông tin liên quan đến chỉ tiêu trọng yếu của công ty, tình hình kinh doanh hay sản phẩm trọng yếu, thì cần công bố rộng rãi trên website và qua nhiều phương tiện đại chúng, bao gồm qua kênh của sở giao dịch chứng khoán.

Đây không phải là công ty niêm yết cung cấp thêm dịch vụ cho đại chúng, mà phải xem đó là trách nhiệm của một công ty đại chúng. Nếu công ty niêm yết lỡ “quên”, thì cơ quan quản lý phải giám sát, nhắc nhở và có biện pháp chế tài.

Nhưng, câu chuyện ở đây là khuôn khổ luật lệ về không được phân biệt đối xử trong công bố thông tin trọng yếu đang vướng vào hai vấn đề: một là, lằn ranh của thông tin trọng yếu ở đâu và hai là, nhu cầu có các “sản phẩm VIP” để nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nhiều tiền có thể tiếp cận được doanh nghiệp đằng sau bức màn. Đây là một lằn ranh mong manh thường xuyên bị đạp qua.

Ở khía cạnh này, Mỹ là nơi đi đầu trong việc chống lại phân biệt đối xử trong cung cấp thông tin cũng đang phải không ngừng đấu tranh với những chiêu thức mới của doanh nghiệp và các công ty môi giới. Vì vậy, không thể đòi hỏi một cái gì hoàn hảo ở Việt Nam.

Quan trọng là khuôn khổ pháp lý của Việt Nam phải bắt đầu xác định một lằn ranh đỏ cho những hoạt động này, không để hoạt động cung cấp thông tin “thoải mái” quá như hiện nay.

Tin bài liên quan