USD vẫn là ngoại tệ được người dân thích nắm giữ nhất.

USD vẫn là ngoại tệ được người dân thích nắm giữ nhất.

Bến động “nóng, lạnh” của thị trường tài chính: Đầu tư vào đâu?

Từ đầu năm đến nay, thị trường tài chính Việt Nam chứng kiến nhiều biến động “nóng, lạnh”, nhất là giá chứng khoán và thị trường vàng. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra băn khoăn trước nhiều sự lựa chọn. Phân tích dưới đây của TS. Nguyễn Đại Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (NHNN), sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn.

Hiện tại ở Việt Nam , người dân nắm giữ ngoại tệ chủ yếu là USD. Từ năm 2006 đến nay, USD liên tục tăng giá nhẹ so với VND, mặt khác lãi suất USD cũng tăng từ khoảng 3,75%/năm lên trên 5%/năm. Tổng thể kênh đầu tư USD đem lại lợi nhuận khoảng 4,8%-6,3%/năm. Mặc dù biến động thấp hơn giá vàng rất nhiều, nhưng USD lại ổn định theo hướng tăng lên, trong khi giá vàng tăng mạnh song lại dao động thất thường. Liên tục từ đầu tháng 4 đến nay, giá vàng vụt tăng, vụt giảm xoay quanh ngưỡng 1,3 triệu đồng/chỉ là một ví dụ. Vàng và USD đều có độ thanh khoản rất cao nên hầu như có thể chuyển thành tiền ngay lập tức ở thị trường Việt Nam .

 

Trong các kênh đầu tư từ giữa năm 2006 đến nay thì đầu tư vào thị trường CP là kênh mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Tuy nhiên, TTCK đang điều chỉnh vì giá trị thực của CP một mặt chưa được tính đủ, một mặt bị đẩy lên do cầu quá lớn so với cung. Chính vì vậy, khi giá CP đã lên đến mức “lân cận” của sức chịu đựng thì sẽ có nhà đầu tư bị thua lỗ do mua giá cao, phải bán ra thu hồi vốn hoặc trả nợ vì không thể “cầm cự” lâu hơn nữa. Cuối cùng, thị trường CP chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và chấp nhận mạo hiểm. Người thắng cuộc trên thị trường phải biết phân tán rủi ro, sẽ là những tác nhân truyền nhiệt cho các thị trường khác như vàng, USD, tiền gửi ngân hàng hay bất động sản. Những ngày gần đây, thị trường bất động sản, tiền gửi và vàng đã bắt đầu hưởng lợi từ quá trình truyền nhiệt này là một minh chứng. Do vậy, xét về độ thanh khoản thì thị trường CP kém hơn nhiều so với thị trường vàng, USD.

 

Đối với VND, nhìn chung lãi suất huy động của các ngân hàng từ năm 2006 đến nay đều tăng. Đầu năm 2006, lãi suất huy động VND kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng bình quân từ 6% đến 8,4%/năm, đến cuối 2006 tăng lên 8,6% đến 9,6%/năm và đến nay từ 7% đến 10%/năm. Như vậy, thu nhập từ tiết kiệm VND là rất ổn định và độ rủi ro có thể coi là nhỏ hơn nhiều so với đầu tư vào vàng. Tuy nhiên, phải biết khi gửi tiết kiệm VND mà muốn rút ra trước hạn thì chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn (rất thấp so với có kỳ hạn), mặt dù hiện nay nhiều ngân hàng đã đưa ra nhiều dịch vụ mới nhằm giảm thua thiệt cho khách hàng.

 

Dự báo cho cả năm 2007, tỷ giá USD và giá vàng sẽ phụ thuộc nhiều vào “sức nóng” của nền kinh tế Việt Nam . Trong khi đó, với sức mua dồi dào, tiềm lực đầu tư lớn, dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam có thể sẽ đẩy giá VND tăng một cách khách quan. Người dân sẽ bỏ tiền vào đầu tư sản xuất kinh doanh nhiều hơn, vốn từ các nhà phát hành chứng khoán sẽ đổ vào khu vực sản xuất … thay vì đầu cơ vào vàng và USD.