Khó chống nhái thương hiệu trong lĩnh vực bất động sản

(ĐTCK) Hàng loạt thương hiệu như Nam Long, Hưng Thịnh,  Himlam, Novaland, hay mới nhất GP.Invest bị nhái tên thương hiệu chủ đầu tư và dự án xảy ra trong thời gian cho thấy, đã đến lúc các doanh nghiệp bất động sản nên tính đường dài cho bài toán bảo vệ thương hiệu dự án.

Đó là nội dung chính tại chương trình Café Doanh nhân với chủ đề: “Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản” diễn ra vào sáng nay do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Mạng kết nối Doanh nhân Việt tổ chức.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam phát biểu tại buổi trao đổi

Phát biểu tại buổi trao đổi, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, vấn đề xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan quản lý, không chỉ trong bất động sản mà còn nhiều ngành nghề khác.

Ra đời hơn 10 năm, nhưng cho đến nay, ngoài việc quy định còn thiếu chặt chẽ, chưa theo kịp tính thời đại, thì ở phần ngược lại, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay thờ ơ với việc xây dựng quy trình bảo hộ cho các nhãn hiệu, thương hiệu của mình.

Việc xây dựng thương hiệu không đúng quy trình gây ra hệ lụy có thể bị tranh chấp khi có các doanh nghiệp khác đăng ký trước mình, thậm chí bản thân doanh nghiệp cũng có thể rơi vào vòng kiện tụng khi vô tình sử dụng tên thương hiệu, nhãn hiệu mà đã được đăng ký trước đó. Do đó, đây là vấn đề cần được nhận thức lại một cách đúng đắn nếu doanh nghiệp muốn phát triển đường dài.

 Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP Invest

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP Invest cho biết, hiện nay, vấn đề về nhái thương hiệu dự án bắt đầu được quan tâm khi nhiều vụ việc vi phạm, sử dụng hình ảnh, bắt chước thương hiệu na ná để lừa dối khách hàng, khiến khách hàng hoang mang rồi nghi ngờ chính các doanh nghiệp trước.

Nếu ở các quốc gia phát triển, các quy định về kiểm soát vi phạm hình ảnh, nhái thương hiệu là rất chặt chẽ, thì ở Việt Nam, dù đã có luật nhưng vì nhiều lý do, vẫn để xảy ra tình trạng nhái doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề đặt trên dự án. Cụ thể, do một tên tiếng Việt dài, nên nhiều dự án, doanh nghiệp có tên tiếng Việt viết tắt trùng, cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn chấp thuận.

Ông Hiệp chia sẻ, mới chỉ 2 tuần gần đây, doanh nghiệp ông cũng rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười khi một số người gọi điện thoại liên lạc để hỏi về dự án căn hộ Tràng An tại 149 Trường Chinh. Sau khi tìm hiểu, GP.Invest phát hiện ra website quảng bá dự án Tràng An tại 149 Trường Chinh do một công ty môi giới lập lên lại lấy chính ảnh Dự án Tràng An Complex tại Cầu Giấy để quảng bá, dẫn đến việc nhầm lẫn tai hại.

Do chế tài xử lý còn chưa chặt chẽ và chưa có cơ quan nào nhận trách nhiệm đứng ra xử lý, nên sau đó GP.Invest chỉ gửi công văn yêu cầu họ gỡ bỏ từ các trang online.

"Tuy nhiên, việc này cho thấy hiện nay, cơ quan quản lý xử lý thông tin còn rất nhẹ. Thực ra, cơ quan quản lý cũng đã nghĩ việc xử lý vi phạm các tình tiết và pháp lý về vấn đề này vẫn chưa được quy định rõ ràng nên khó xử lý", ông Hiệp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiện nay, có một vấn đề rất lớn là thông tin trên website và bản thân website rất dễ bị đánh cắp.

Sự phát triển của internet và cách mạng 4.0 khiến việc bảo hộ quyền lợi cho các chủ sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu rất khó, đặc biệt là các dự án bất động sản. Trong thời kỳ kỷ nguyên số, bằng rất nhiều hình thức, người ta có thể có một website riêng nhưng khi vào dự án của các anh họ lại link sang trang web của người khác.

 Nhiều doanh nghiệp bất động sản đặt tên na ná với các tên tuổi đã có tiếng trên thị trường

Ở nước người các nhãn hiệu đã được bảo hộ và bản thân các thương hiệu của họ cũng rất khó để đánh cắp, nhưng ở Việt Nam lại chưa làm được vấn đề này.

Ví dụ nhãn hiệu Eurowindow có nghĩa là cửa sổ của châu Âu thông minh, nhưng khi đọc thì không có ý nghĩ là như vậy, nên cơ quan thực thi rất khó để đánh giá có vi phạm hay không.

"Bản thân cách đặt nhãn hiệu của chúng ta đã làm cho người ta dễ ăn cắp" - ông Bình nói cho biết, việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu trong các Luật, văn bản pháp lý hiện nay chưa có bảo vệ thương hiệu mà chỉ mới dừng lại ở việc bảo hộ.

Ngoài ra, việc thực thi các chế tài xử lý việc nhầm lẫn thương hiệu thường chậm chạp, khó đưa ra toà để giải quyết, thường thì sẽ dẫn đến việc tự thoả thuận để giải quyết.

Tin bài liên quan