Chủ đầu tư chây ỳ thuế, xử lý cách nào?

(ĐTCK) Vừa qua, cơ quan thuế một số địa phương đã công khai danh sách các doanh nghiệp, trong đó có chủ đầu tư bất động sản nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất. Theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh), ngoài các biện pháp mang tính hành chính của cơ quan thuế thì còn nhiều biện pháp khác có thể áp dụng.

Thưa luật sư, đối với các trường hợp doanh nghiệp không nộp tiền sử dụng đất đúng hạn, pháp luật quy định các chế tài như thế nào? Rủi ro nghiêm trọng nhất trong trường hợp này là gì? 

Trước đây, có nhiều dự án nợ tiền sử dụng đất nhưng vẫn khởi công xây dựng và bán hàng. Nhưng gần đây, với sự bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật thì nhìn chung một trong các điều kiện để dự án chỉ cấp phép xây dựng là phải hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.

 Luật sư Vũ Ngọc Chi

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp nợ tiền sử dụng đất. Trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xác định số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp và cơ quan thuế gửi thông báo nộp tiền sử dụng với thời hạn nhất định. Quá thời hạn này, đối tượng nộp thuế chưa nộp thì sẽ phải chịu phạt. Mức phạt tùy loại thuế, phí và thời điểm vi phạm sẽ dao động từ 0,03 - 0,07%/ngày. Đồng thời, cơ quan thuế có thể áp dụng các biện phát cưỡng chế khác theo quy định như trích tiền từ tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý hành chính còn có thể áp dụng các biện pháp khác như không cấp phép dự án mới, cưỡng chế, ngừng thi công đối với dự án đang nợ tiền sử dụng đất.

Một biện pháp là công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất. Đây là biện pháp “đánh” vào hình ảnh, uy tín doanh nghiệp và thực tế đã có nhiều doanh nghiệp sau khi bị công khai nợ thuế thì đã nộp thực hiện nộp thuế cho Nhà nước.

Trường hợp đối tượng nộp tiền sử dụng đất có khó khăn vẫn có thể ghi nợ tiền sử dụng đất? Liệu chủ đầu tư có được xin ghi nợ tiền sử đụng đất?

Khoản 1 Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; nếu có khó khăn về tài chính thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy đối tượng áp dụng chỉ là hộ gia đình, cá nhân, không có quy định áp dụng cho pháp nhân.

Đối với các dự án bị nợ tiền sử dụng đất, quyền lợi của khách hàng có bị ảnh hưởng không?

Về nguyên tắc, chủ đầu tư dự án có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, mới là bên nghĩa vụ phải thực hiện với Nhà nước. Khách hàng mua bán căn hộ hoặc biệt thự, nhà liền kề là giao dịch mua bán với chủ đầu tư. Khi khách hàng đã thanh toán đủ tiền mua bán thì quyền lợi của khách hàng phải được bảo đảm. Chủ đầu tư mới là người nợ Nhà nước, không phải khách hàng.

Tuy nhiên, nếu trường hợp khách hàng mua căn hộ tại các dự án có vi phạm nghiêm trọng, chẳng hạn huy động vốn khi chưa đủ điều kiện thì quyền lợi của khách hàng có thể bị ảnh hưởng lớn. Thị trường đã có nhiều vụ việc chủ đầu tư huy động vốn khi chưa đủ điều kiện và đã bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Có nhiều dự án nợ tiền sử dụng đất là dự án triển khai cách đây nhiều năm. Để đảm bảo quyền lợi của người dân, cơ quan hành chính đã có quy định gỡ vướng. Chẳng hạn, Hà Nội có quy định tính từ năm 2013 đến nay, các dự án bắt buộc phải tuân thủ quy định hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường mới xem xét cấp sổ đỏ cho người dân.

Trường hợp, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ không được xem xét cấp sổ đỏ. Còn đối với những dự án triển khai trước năm 2013, cơ quan chức năng vẫn xem xét cấp sổ để gỡ vướng cho người dân. Nhưng đây chỉ là giải pháp nhất thời. Để tránh rắc rối, khách hàng phải tìm hiểu kỹ đảm bảo dự án đã đủ điều kiện pháp lý.

Vừa qua, Cục Thuế TP. Hà Nội đã công khai danh sách 331 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất tính đến 31/5/2018 với số nợ 2.485 tỷ đồng, trong đó, riêng nhóm 16 chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất đã lên tới số tiền 1.299 tỷ đồng.

Trong số, các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Đô 5 đang đứng đầu danh sách với số tiền nợ lên tới 342 tỷ đồng. Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà nợ 158 tỷ đồng, Công ty cổ phần Quốc tế CT Việt Nam nợ 122 tỷ đồng, Công ty TNHH Đá quý Thế Giới nợ 144 tỷ đồng, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội nợ 67 tỷ đồng…

Đây là những đơn vị mà cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định như trích tiền từ tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nhưng các đơn vị chưa nộp đủ số tiền còn nợ vào ngân sách.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan