Theo phản ánh, nhiều lô đất chưa nhận tiền bồi thường, nhưng chủ đầu tư vẫn cho san đất, lu nền trước sự khiếu nại của người dân.

Theo phản ánh, nhiều lô đất chưa nhận tiền bồi thường, nhưng chủ đầu tư vẫn cho san đất, lu nền trước sự khiếu nại của người dân.

Cẩn trọng khi mua đất Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ (Bắc Giang)

(ĐTCK) Chậm tiến độ, chưa xong hạ tầng kỹ thuật, thậm chí còn đang vướng khiếu kiện liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng Dự án Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ, huyện Việt Yên (Bắc Giang) vẫn được bán theo kiểu suất ngoại giao, đặt cọc giữ chỗ và hiện đang được rao bán tràn lan trên mạng.

Chậm tiến độ

Ngày 19/6/2012, UBND tỉnh Bắc Giang có Quyết định số 840/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ, huyện Việt Yên, tỷ lệ 1/500.

Với quy mô khoảng 122 ha, tổng mức đầu tư dự toán khoảng 1.283,7 tỷ đồng, dự án có các chức năng khu ở, công trình công cộng, dịch vụ thương mại, văn hóa, công viên vui chơi giải trí phục vụ đô thị. Trong đó, biệt thự có diện tích 200 - 250 m2/lô, đất nhà ở liền kề từ 75 - 85 m2/lô, nhà chung cư từ 75 - 100 m2/căn.

Tiếp đó, ngày 26/2/2013, UBND tỉnh Bắc Giang có Quyết định số 211/QĐ-UBND về việc chấp thuận đầu tư dự án Khu B thuộc Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ, huyện Việt Yên cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn (Công ty Lam Sơn). Thời gian thực hiện dự án 5 năm, từ tháng 3/2013 đến hết tháng 3/2018.

Trạm điện vẫn chưa được di chuyển theo kế hoạch 

Tiến độ cụ thể như sau, tháng 2/2013, thực hiện thủ tục xin chấp thuận đầu tư dự án. Từ tháng 3/2013 đến 12/2014, hoàn thành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập và phê duyệt dự án, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực đầu tư xây dựng Khu đô thị mới, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình.

Từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2016, hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và di chuyển đường điện cao thế; hoàn thành công tác san nền trên toàn bộ dự án; đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải; hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên 80 ha đất. Từ tháng 1/2017 đến tháng 3/2018, hoàn thành việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của dự án.

Tuy nhiên, dự án này đã bị chậm tiến độ hàng năm trời do gặp vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng. Theo phản ánh của một số hộ dân có quyền lợi và lợi ích hợp pháp liên quan đến dự án, họ không đồng ý với phương án bồi thường, nên đã làm đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thị Hà, ở thôn Hùng Lãm 2, xã Hồng Thái (Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: “Chúng tôi hầu như bị thu hồi 100% đất nông nghiệp (hai lúa một màu), mất tư liệu sản xuất. Trong Quyết định số 211/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành, chúng tôi được hỗ trợ đất dịch vụ để làm ăn buôn bán, nhưng không hiểu sao về cấp huyện thực hiện thì không còn mục đất dịch vụ này”.

Theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện dự án trên mới được san đất một phần, thực hiện một số đoạn đường giao thông nội khu, một số đoạn cống thoát nước thải của dự án. Trong khi trạm điện theo kế hoạch phải di dời, nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Cẩn trọng khi giao dịch

Dù chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy định và đang vướng khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng, nhưng sản phẩm thuộc Dự án Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ đã được rao bán tràn lan trên các trang mạng.

Nhiều trang web giới thiệu tư vấn trực tiếp điện thoại 24/7, hướng dẫn đặt lịch xem dự án, hỗ trợ bán hàng. Trong đó, khi đặt mua, khách hàng gửi thông tin cá nhân như chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn (nếu có). Sau đó, đến ký thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ để chờ vào hợp đồng mua bán theo quy định.

Cẩn trọng khi mua đất Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ (Bắc Giang) ảnh 2

Quá thời gian quy định, nhưng dự án vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng 

Trong vai người có nhu cầu mua đất tại dự án này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản liên hệ đến số máy 01688xxxxxx của người tên Đ. đang rao bán sản phẩm dự án trên mạng. Người này cho biết, đây là lô đất anh đã mua cách đây khoảng 4 năm trước theo hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư khi chủ đầu tư tiến hành huy động vốn.

“Hiện chủ đầu tư đang rao bán với giá hơn 800 triệu đồng/lô, nhưng tôi sẽ giảm giá cho anh, chỉ trên 700 triệu đồng/lô, vì gia đình đang cần tiền xây nhà”, anh Đ. cho biết.

Khi đặt vấn đề về cơ sở hạ tầng dự án chưa hoàn thiện, anh Đ., nhanh miệng trấn an: “Anh yên tâm, chủ đầu tư hẹn cuối năm nay sẽ hoàn thiện xong hạ tầng kỹ thuật”.

Tiếp tục liên hệ đến số máy 091xxxxxxx của một người giới thiệu là nhân viên Phòng Kinh doanh của Công ty Lam Sơn, đầu dây bên kia cho biết: “Hiện tại, chúng tôi chỉ bán một số suất ngoại giao, nếu anh muốn mua thì chỉ có các lô phía bên trong theo hình thức đặt cọc giữ chỗ”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một luật sư chuyên tư vấn trong lĩnh vực bất động sản cho biết, với trường hợp dự án chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật mà chủ đầu tư mở bán là trái với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Còn nếu chủ đầu tư lách luật bằng hợp đồng đặt cọc, hợp đồng huy động vốn, thì người mua phải hết sức thận trọng, bởi nếu ký hợp đồng góp vốn, coi như khách hàng đã “đi chung thuyền” với chủ đầu tư, tức là lời ăn lỗ chịu. Trong trường hợp chủ đầu tư gặp sự cố không đủ năng lực, hoặc dự án không thể tiếp tục triển khai, thì khách hàng sẽ không đòi lại được tiền.

Cùng vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự cho biết, người đầu tư sẽ không kiểm soát được việc đầu tư của chủ đầu tư và khi chủ đầu tư gặp khó khăn, thì người chịu thiệt chính là nhà đầu tư thứ cấp, người dân mua sản phẩm. Trong trường hợp hợp đồng vay tiền cũng rất nguy hiểm và khi chủ đầu tư phá sản, thì người đầu tư thứ cấp rất rủi ro.

“Người dân cần tỉnh táo cân nhắc rủi ro, vì khi nghe quảng cáo rất hay, nhưng khi vào thực tế cần có tư vấn và phải biết được sản phẩm hình thành trong tương lai như thế nào. Đặc biệt, năng lực của chủ đầu tư là quan trọng, vì nếu không cẩn thận, người mua sẽ đầu tư vào chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc đang gặp vấn đề về tài chính. Bên cạnh đó, cần xem rõ tính pháp lý, tính khả thi của dự án như thế nào để tránh rơi vào cảnh tiền mất tật mang”, luật sư Sơn khuyến cáo.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin về dự án này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản phát hiện thêm một số vấn đề khó hiểu liên quan đến việc lựa chọn chủ đầu tư và sẽ phản ánh tới bạn đọc trong các số báo tiếp theo.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan