PHS: Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu TNG

Nguồn : PHS - CTCK Phú Hưng

Ngành : Dệt may

Download : baocaocapnhattng_UVLL.pdf

Cập nhật kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) ghi nhận doanh thu đạt 2.042 tỷ (tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 93 tỷ đồng (tăng trưởng 39%) và biên lãi gộp duy trì ở mức cao, khoảng 17%. 

Trong đó, tính riêng quý II, doanh thu tiêu thụ của TNG đã tăng mạnh 40% nhờ thực hiện tái cơ cấu khách hàng, tập trung nhóm khách hàng có thương hiệu lớn và uy tín.

So sánh với các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc khác, TNG là một trong số ít doanh nghiệp duy trì được biên lãi gộp cao nhờ chuyển hướng sang sản xuất theo phương thức giá trị gia tăng cao (tỷ lệ FOB/ODM ~56%). Mặc dù, tỷ lệ sản xuất theo FOB/ ODM thấp hơn so với các doanh nghiệp dệt may niêm yết khác như MSH, VGG, TCM, MNB tuy nhiên biên lãi gộp liên tục duy trì ở mức 17 – 18%, chỉ thấp hơn may MSH (với tỷ lệ FOB ~78%) và MNB (do sản xuất veston).

Động lực tăng trưởng: Về ngắn hạn, cơ hội tăng trưởng của TNG sẽ đến từ kế hoạch mở rộng sản xuất với nhà máy Đồng Hỷ và Võ Nhai, nâng tổng công suất của TNG tăng thêm 15%, hỗ trợ đáp ứng lượng đơn hàng gia tăng trong thời gian tới.

Về trung và dài hạn, hiệp định EVFTA được ký kết sẽ là hỗ trợ lớn cho TNG khi doanh thu từ thị trường EU chiếm tỷ trọng lớn (~56%) trong tổng doanh thu công ty. Tuy nhiên, lộ trình giảm thuế cho hàng may mặc sẽ giảm dần từ 12% xuống 0% trong vòng 3 – 7 năm.

Ngoài ra, công ty đang đầu tư giai đoạn 1 tại khu công nghiệp Sơn Cẩm 1 và đầu tư kinh doanh bất động sản với dự án nhà ở thương mại tại xã Sơn Cẩm và dự án TNG Village. Dự kiến dự án TNG Village sẽ bàn giao sản phẩm hoàn thiện trong quý III/2019.

Dự báo 2019: Với giả định số lượng sản phẩm tiêu thụ tăng 15%, tương ứng với mức tăng công suất sau khi nhà máy Đồng Hỷ và Võ Nhai đi vào hoạt động, doanh thu dự kiến của TNG trong năm 2019 chưa kể bất động sản sẽ đạt 4.584 tỷ (tăng 27% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 212 tỷ đồng (tăng trưởng 18%), giả định biên lãi gộp ở mức 18%.

Rủi ro: (1) Tỷ lệ nợ vay cao: Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng nợ vay của TNG đạt 1,722 tỷ, chiếm 53% trong tổng tài sản. Tỷ suất thanh toán nhanh của TNG cũng liên tục duy trì ở mức dưới 1 lần qua các năm.

(2) Rủi ro pha loãng: Trong quý III/2018, công ty đã phát hành 200 trái phiếu chuyển đổi mệnh giá 1 tỷ/ trái phiếu, giá chuyển đổi 13.800 đồng/ cổ phiếu, thời hạn chuyển đổi là sau 1 năm kể từ ngày phát hành. Dự kiến số lượng cổ phiếu phát hành thêm nếu 200 trái phiếu được chuyển đổi hoàn toàn trong năm nay là 14,5 triệu cổ phiếu, từ đó EPS pha loãng sẽ vào khoảng 2.771 đồng/ cổ phiếu.

Định giá: Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, mức giá hợp lý cho TNG khi chưa pha loãng sẽ vào khoảng 22.378 đồng/ cổ phiếu, tương ứng với P/E forward ~6.5. Từ đó đưa ra khuyến nghị giữ cho cổ phiếu này. Trong trường hợp pha loãng, giá hợp lý của TNG sẽ khoảng 18.000 đồng/ cổ phiếu.