MBS: Khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 53.800 đồng/CP

Nguồn : MBS - CTCK MB

Ngành : Ngân hàng

Download : baocaocapnhatvpb-2050.pdf

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với giá mục tiêu 53.800 đồng/CP dựa trên: (i) tăng trưởng hạn mức hoạt động nhờ nguồn vốn cải thiện mạnh mẽ; (ii) chất lượng tài sản được nâng cao hơn nhờ chủ động trích lập dự phòng; (iii) CASA tăng trưởng nhờ chuyển đổi số; (iv) khả năng sinh lợi hàng đầu.

Luận điểm đầu tư: Tăng trưởng hạn mức hoạt động nhờ nguồn vốn cải thiện mạnh mẽ. Với việc hoàn thành thương vụ bán 49% vốn điều lệ FEC trong tháng 10/2021 dự kiến đem về cho VPBank khoảng 1.4 tỷ USD và theo đó vốn chủ sở hữu của VPBank kỳ vọng đạt mức hơn 96 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021. CAR dự kiến đạt 17%, một phần giúp VPBank có được phê duyệt hạn mức hoạt động từ NHNN, trong đó có hạn mức tín dụng - yếu tố cốt lõi cho sự tăng trưởng của VPBank trong tương lai.

Bên cạnh đó, VPB đẩy mạnh cho vay bán lẻ và cho vay tiêu dùng nhờ nền tảng công nghệ. Sự tham gia của SMBC kỳ vọng giúp VPBank duy trì vị thế dẫn đầu trong mảng cho vay tiêu dùng với hơn 50% thị phần. Hơn nữa, ngân hàng số VPBank Neo đã chứng minh được hiệu quả khi trong 9 tháng đầu năm đã thu hút hơn 2,6 triệu khách hàng mới với hơn 95 triệu giao dịch online là nền tảng cho mảng cho vay bán lẻ đạt tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai.

Thêm vào đó, VPB tăng cường trích lập dự phòng đảm bảo chất lượng tài sản. Trong 9 tháng năm 2021, việc tăng cường trích lập dự phòng giúp LLR hợp nhất và riêng lẻ của VPBank cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ LLR hợp nhất và riêng lẻ lần lượt đạt 73,6% và 78,9% vào cuối quý III/2021 so với mức 73,1% và 69,8% cùng thời điểm năm 2020.

Tuy nhiên, do tỷ lệ nợ xấu có sự gia tăng khiến chi phí tín dụng tăng nhẹ từ mức 4,6% trong quý II lên 4.,8% trong quý III. VPBank vẫn thận trọng duy trì tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng (PPOP) hơn 50%.

Một luận điểm đầu tư khác là tăng trưởng CASA khả quan nhờ chuyển đổi số hiệu quả. Tỉ lệ CASA liên tục tăng trưởng từ cuối năm 2020 đến quý III/2021 ghi nhận đạt mức 22.1% nhờ những thay đổi trong chiến lược tiếp cận khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng cố đông chiến lược SMBC sẽ thay thế khoản vay ngoại tệ liên ngân hàng bằng tiền gửi bằng ngoại tệ có chi phí vốn rẻ hơn.

Ngoài ra, với việc đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm phát triển đa dạng hệ sinh thái và quy mô tệp khách hàng trong các mảng cho vay khách hàng cá nhân và SMEs, tỷ lệ CASA của VPB dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

Trong 9 tháng năm 2021, dù chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank vẫn đạt hơn 11,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 25% trong đó Ngân hàng mẹ đạt gần 11 nghìn tỷ đồng tăng trưởng hơn 75%. NIM 9 tháng 2021 hợp nhất đạt 8,5%, riêng Ngân hàng mẹ ghi nhận con số đầy khả quan ở mức 5,4% so với 4,6% trong 9 tháng năm 2020.

Chúng tôi kỳ vọng NIM của ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo nhờ duy trì vị thế độc tôn trong mảng cho vay tiêu dùng. Nguồn thu từ phí bảo hiểm chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn thu ngoài lãi, kỳ vọng VPBank sẽ đàm phán lại hợp đồng thương vụ bancassurance độc quyền với AIA để thu về khoản phí “trả trước” cao hơn.

Dù vậy, vì chưa có kế hoạch cụ thể nên chúng tôi tạm chưa yếu tố này vào mô hình định giá nhưng chúng tôi kỳ vọng giao dịch này sẽ diễn ra trong năm 2022. ROA và ROE tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng có khả năng sinh lợi cao nhất ngành.

Định giá: Chúng tôi định giá cổ phiếu VPB với mức giá mục tiêu 53.800 đồng/CP dựa trên 2 phương pháp Thu nhập thặng dư (RI) và so sánh P/B và P/E. Chúng tôi sử dụng chi phí sử dụng vốn cổ phần (Re) ở mức 13.2% cho phương pháp RI và mức P/B 2.2x cũng như P/E 13.3x cho phương pháp định giá tương đối (so sánh P/B và P/E).