BCTC 2019 hợp nhất (tóm tắt) của 25 ngân hàng thương mại cổ phần

Nguồn : Báo cáo của doanh nghiệp

Ngành : Ngân hàng

Download : bao_cao_tai_chinh_2019_MKAH.pdf

Trong phần này, Đặc san đăng tải BCTC tóm tắt của 25 ngân hàng TMCP, là những ngân hàng đã công bố BCTC (hợp nhất) năm 2018 đã kiểm toán trên website của mình. Các BCTC tóm tắt sau đây không bao gồm BCTC của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng TMCP Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quốc Dân, Ngân hàng TMCP An Bình, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài và các ngân hàng liên doanh. Theo đó, các số liệu tổng quan mà chúng tôi trình bày sau đây cũng chỉ dựa trên 25 BCTC này.

Do chưa tập hợp đầy đủ các ngân hàng, nên các số liệu phân tích dưới đây không phản ánh tình hình hoạt động của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng chúng tôi hy vọng rằng, các kết quả tổng hợp sẽ cung cấp những giá trị nhất định cho quý bạn đọc.

Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu, trong đó bao gồm vốn điều lệ, là cơ sở và cũng là điều kiện để một NHTM xác định quy mô hoạt động của mình. Dù chiếm tỷ trọng nhỏ, thậm chí rất nhỏ trong Tổng tài sản của ngân hàng, nhưng vốn chủ sở hữu được ví như "tấm đệm" chống đỡ rủi ro, bảo vệ người gửi tiền/ký thác và các quỹ bảo hiểm tiền gửi. Vốn chủ sở hữu cũng góp phần quyết định tới hệ số an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng, nhất là khi thời gian áp dụng Basel II (đầu năm 2020) đang cận kề. Những ngân hàng nào thực hiện trước thời hạn các quy định về CAR sẽ được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 này. Do đó, áp lực tăng vốn đang đè nặng lên vai các nhà băng và trong năm 2018, đã có nhiều ngân hàng tăng vốn thành công, qua đó đạt chuẩn Basel II trước thời hạn.

Tính đến cuối năm 2018, tổng vốn chủ sở hữu của 25 ngân hàng trong danh sách tập hợp của Đặc san này là 503.636 tỷ đồng, tăng 18,24% so với cuối năm 2017. Trong đó, riêng 10 ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhiều nhất chiếm 76,23% tổng vốn chủ sở hữu của 25 ngân hàng.

Sau 2 năm VPBank giữ vị trí quán quân về tăng vốn chủ, năm 2018, vị trí này đã thuộc về Techcombank khi ngân hàng này tăng vốn chủ tới 92,28%, tương đương tăng 24.852 tỷ đồng thông qua việc phát hành tăng vốn điều lệ hơn 200% (tăng 23.311 tỷ đồng), từ 11.655 tỷ đồng, lên 34.966 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông, tỷ lệ 1:2. Các vị trí dẫn đầu trong Top 10 vẫn là những gương mặt cũ của năm trước, nhưng có nhiều sự thay đổi từ thứ 4 trở xuống. Theo đó, với việc tăng mạnh vốn điều lệ trong năm qua, Techcombank nhảy 2 bậc từ vị trí thứ 6 lên thứ 4, đẩy VPBank xuống thứ 5 và MB xuống thứ 6; Sacombank và ACB vẫn giữ vị trí của mình là thứ 7 và thứ 8, trong khi HDBank tăng 1 bậc, lấy vị trí thứ 9 của SCB; ba vị trí dẫn đầu vẫn là Vietinbank, Vietcombank và BIDV.

Ngoài Techcombank, trong năm 2018 còn có thêm 13 ngân hàng tăng vốn là VPBank, TPBank, VIB, OCB, 
Vietbank, ACB... Trong đó, VPBank cũng có mức tăng mạnh 67%, từ 15.706 tỷ đồng, lên 25.300 tỷ đồng thông qua việc trả cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 30,217% và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 31,60%.

Nợ phải trả

Cùng với Vốn chủ sở hữu, Nợ phải trả cũng là nguồn vốn quan trọng của ngân hàng thương mại, được hình thành thông qua việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, từ doanh nghiệp, từ các tổ chức tín dụng khác và vay từ Ngân hàng Nhà nước. Thông thường, ngân hàng nào có quy mô vốn chủ sở hữu càng lớn thì ngân hàng đó càng có điều kiện để (nhưng không nhất thiết) huy động thêm vốn vay, nợ nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Theo đó, dù có sự hoán đổi nhất định, song Top 10 những ngân hàng có tổng nợ phải trả nhiều nhất cũng bao gồm những ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhiều nhất. Tổng nợ phải trả của 25 ngân hàng tính đến cuối năm 2018 là hơn 7,11 triệu tỷ đồng, tăng 9,83% so với năm 2017.

Hệ số Vốn chủ sở hữu/Nợ phải trả là một trong những thước đo về khả năng thanh toán của ngân hàng và xét ở góc độ này thì Top 10 về vốn chủ sở hữu không phải là 10 ngân hàng có khả năng thanh toán tốt nhất. Hệ số này tính bình quân cho 25 ngân hàng là 7,08% ở thời điểm cuối năm 2018, tăng so với mức 6,58% cuối năm 2017 và các ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu, cũng như nợ phải trả lớn nhất có hệ số Vốn chủ sở hữu/Nợ phải trả dao động gần với các mức bình quân này. Ngân hàng có hệ số này lớn nhất là Saigonbank với mức 20,28%. Năm 2017, Saigonbank cũng có hệ số này lớn nhất với 19,63%.

Chiếm phần lớn trong tổng nợ phải trả của các ngân hàng là Tiền gửi của khách hàng. Trong năm 2018, tổng tiền gửi của khách hàng của 25 ngân hàng là hơn 5,4 triệu tỷ đồng, tăng 12,46% so với năm 2017 và bằng 76,26% tổng nợ phải trả (năm 2017 là 74,48%). Tổng tiền gửi khách hàng tăng ít hơn tổng nợ phải trả về giá trị tuyệt đối: 601 nghìn tỷ đồng so với 637 nghìn tỷ đồng. Điều này phản ánh tổng các khoản mục khác trong nợ phải trả tăng thêm 36 nghìn tỷ đồng.

Tài sản

Tổng tài sản của 25 ngân hàng được tập hợp tính đến cuối năm 2018 là gần 7,62 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối năm 2017. Trong đó, Cho vay khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 4,93 triệu tỷ đồng, tương đương 64,7% tổng tài sản và tăng 13,7% so với cuối năm 2017. Tiếp đến là Chứng khoán đầu tư với gần 1,05 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,7% và tăng trưởng nhẹ 4,6% so với năm 2017.

Số liệu trên cho thấy, Cho vay khách hàng vẫn là nghiệp vụ chính (xem thêm mục Kết quả kinh doanh) của các ngân hàng và trong năm 2018 tiếp tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng Cho vay khách hàng nhanh hơn đáng kể hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của Chứng khoán đầu tư. Điều này phản ánh, các ngân hàng tập trung cho mảng hoạt động nghiệp vụ chính là cung ứng vốn cho nền kinh tế, góp phần không nhỏ đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018, GDP tăng 7,08%.

Khi những ngân hàng có Vốn chủ sở hữu lớn nhất cũng là ngân hàng có Nợ phải trả lớn nhất, thì đương nhiên đó cũng là những ngân hàng có Tổng tài sản lớn nhất. Giống như cơ cấu Vốn chủ sở hữu, Top 10 ngân hàng có tài sản lớn nhất cũng chiếm tới hơn 80% tổng tài sản của 25 ngân hàng, đạt gần 6,13 triệu tỷ đồng. Trong 25 ngân hàng được thống kê, duy nhất Saigonbank có tổng tài sản giảm 4,44%, còn lại đều có tài sản tăng so với năm 2017. Trong đó, tăng mạnh nhất là Nam A Bank tăng 37,88%, tiếp đến là Vietbank tăng 24,41%, MSB tăng 22,75%...

Kết quả kinh doanh

Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 của 25 ngân hàng tăng tới 23.068 tỷ đồng, tương đương 34,36% so với năm 2017, lên 90.199 tỷ đồng, vượt cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trung bình của Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và tổng chi phí hoạt động thấp hơn Tổng thu nhập. Cụ thể, tốc độ tăng trung bình của Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và Tổng chi phí là 13,68% (trong đó, tốc độ tăng của Chi phí dự phòng 11,68%, lên 63.230 tỷ đồng, còn tốc độ tăng của Tổng chi phí 14,78%, đạt 117.896 tỷ đồng), trong khi Tổng thu nhập tăng 19,79%, lên 271.237 tỷ đồng.

Chiếm chủ yếu trong Tổng thu nhập vẫn là Thu nhập lãi thuần với 203.006 tỷ đồng, chiếm 74,8% Tổng thu nhập, nhưng mức này giảm nhẹ so với mức 76,8% của năm 2017.

Đóng góp của Thu nhập lãi thuần giảm dần do sự tăng trưởng mạnh của Lãi thuần từ hoạt động khác và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ. Theo đó, trong năm 2018, Lãi thuần từ hoạt động khác của 25 ngân hàng tăng tới 48%, lên mức 24.199 tỷ đồng và chiếm 8,9% Tổng thu nhập, cao hơn mức 7,2% so với năm 2017. Còn lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 23,7% lên 26.880 tỷ đồng, chiếm 9,9% Tổng thu nhập, cao hơn mức 9,6% của năm 2017.

Ngân hàng có Lãi thuần từ hoạt động khác cao nhất là VPBank với mức 4.681 tỷ đồng, tăng tới 95% (tương đương tăng 2.282 tỷ đồng). Tiếp đến là BIDV và Vietcombank với mức lần lượt 3.815 tỷ đồng và 3.234 tỷ đồng, tăng 16,35% và 54% so với năm 2017.

Trong khi đó, BIDV, Techcombank và Vietcombank là 3 ngân hàng có mức lãi từ hoạt động dịch vụ lớn nhất với 3.551 tỷ đồng, 3.536 tỷ đồng và 3.402 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với năm 2017, phần lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Techcombank lại giảm 390 tỷ đồng, tương đương giảm gần 10%, còn BIDV tăng 19,7% và Vietcombank tăng mạnh hơn 34%. Cùng Techcombank, trong năm 2018, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của SHB cũng giảm, thậm chí giảm mạnh gần 51% từ 1.457 tỷ đồng, xuống còn 714 tỷ đồng.

Trong năm 2018, có 9 ngân hàng có Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt trên 1.000 tỷ đồng, bằng với năm 2017. Trong đó, SCB thay SHB vào Top những nhà băng có Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trên 1.000 tỷ đồng. Trong năm 2018, Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của SCB tăng mạnh hơn 49%, từ 871 tỷ đồng, lên 1.299 tỷ đồng.

Như vậy, bên cạnh hoạt động tín dụng, các ngân hàng tiếp tục chú trọng vào mảng dịch vụ, chủ yếu là bán chéo sản phẩm, đặc biệt là hợp tác phân phối sản phẩm độc quyền với các công ty bảo hiểm.

Nếu xét về hiệu quả hoạt động, đối với cổ đông của các ngân hàng TMCP, chỉ tiêu Lãi cơ bản/CP (EPS) là có ý nghĩa nhất và sau cùng. Theo chỉ tiêu này, ACB là ngân hàng đứng đầu với 3.999 đồng, tăng 153,4% so với năm 2017, tiếp đến là VIB với 3.873 đồng, tăng 96,8%. Techcombank với việc pha loãng cổ phiếu do tăng vốn điều lệ lên gấp ba, nên EPS năm qua cũng giảm tương ứng 50% xuống 3.816 đồng, nhưng vẫn nằm trong Top 3 ngân hàng có EPS cao nhất. Hai nhà băng khác cũng có EPS trên 3.000 đồng là Vietcombank (3.584 đồng, tăng 79,7%) và VPBank (3.025 đồng, tăng 7%). Tuy nhiên, ấn tượng nhất lại là MSB khi EPS của Ngân hàng tăng vọt 612% lên 762 đồng, do lợi nhuận tăng mạnh.

ROE

Chỉ số ROE (Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu) bình quân của 25 ngân hàng tính tại thời điểm cuối năm 2018 là 14,30%. Đây là một mức khá tốt của ngành và cải thiện hơn nhiều so với mức 12,58% của năm 2017. Hầu hết ngân hàng nằm trong Top 10 có Lãi cơ bản/CP cao nhất đều có hệ số ROE cao hơn mức bình quân này. Trong đó, dẫn đầu vẫn là ACB với 24,44%, tiếp theo là Vietcombank với 23,52%, VPBank với 21,17%, VIB với 20,57%, OCB với 20%...

ROA

Chỉ số ROA (Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản) bình quân của 25 ngân hàng là 0,95%. Điểm đặc biệt về chỉ số này là có một số ngân hàng có quy mô nhỏ lọt vào Top 10 như Kienlongbank, Vietcapital Bank, MSB. Trong đó, dẫn đầu là Sacombank với 2,64%, tiếp đến là SCB 2,28%, BIDV 1,76%, HDBank 1,71%.