Mùa khô, thủy điện sông Bung 4 tích nước. Để đến Trạm bảo vệ rừng lim Lăng - Zuôih (Nam Giang, Quảng Nam), kiểm lâm chỉ còn cách đi thuyền băng qua lòng hồ. Trạm có chín người được biên chế giữ rừng, mỗi ca trực kéo dài một tuần với bảy người. Hai người còn lại nghỉ, nhưng có nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm, cho trạm.
Đến phiên tuần tra, Trạm trưởng Nguyễn Thành Long cùng ba kiểm lâm viên lên đường. Cả nhóm lên một chiếc thuyền, ngược dòng suối Lăng tiến vào rừng sâu làm nhiệm vụ.
Sau 30 phút thuyền dừng lại, anh Long giải thích mùa mưa thủy điện tích nước, nước dâng đến tận rừng lim nên đi tuần tra thuận lợi. Còn mùa khô, kiểm lâm băng rừng ba giờ mới đến được đây. Nhưng nước lên cũng là cơ hội để lâm tặc vào chặt phá, đốn hạ cây rồi đưa xuống suối theo dòng nước chuyển ra ngoài.
Chiếc thuyền được neo lại, cả đội bắt đầu lội vào rừng sâu kiểm tra. Đường đi chỉ một lối mòn nhỏ, luồn lách qua vô vàn cây xanh. "Ngoài việc bảo vệ rừng lim, chúng tôi còn ngăn chặn người dân vào rừng đặt bẫy săn bắt thú. Trên đường đi, gặp bẫy nào thì phá luôn. Rất nhiều con thú mắc bẫy được trạm giải cứu, thả về tự nhiên", anh Long nói.
Cán bộ Trạm bảo vệ rừng lim Lăng -Zuôih đi tuần tra gặp bẫy thú dừng lại gỡ, chặt phá. Ảnh:Đắc Thành.
Đứng trước cây lim cao gần 40 m, vỏ màu nâu đỏ, phải bốn người ôm mới hết, anh Long nói cây này chưa phải lớn nhất. Đợt kiểm đếm trước đây, kiểm lâm ghi nhận cây lim có gốc từ 3 người ôm trở lên khoảng 500, nhỏ hơn "đếm không xuể". Hiện chưa cơ quan nào nghiên cứu xác định cây lớn bao nhiêu tuổi, chỉ ước chừng vài trăm năm, có cây gần nghìn năm.
Thuộc xã Lăng, huyện Tây Giang, rừng lim 13.000 hecta được những ngọn núi đá dựng đứng của dãy Trường Sơn và dòng sông Bung uốn lượn bao bọc. Do đường sá đi lại cách trở, trạm bảo vệ được dựng lên ở huyện liền kề Nam Giang để thuận tiện cho việc đi lại.
Tiến sâu vào rừng, nơi tán cây phủ kín chỉ lọt chút ánh nắng le lói, anh Long tiết lộ rừng lim được phát hiện từ rất lâu, nhưng lãnh đạo huyện Tây Giang không lộ ra ngoài để bảo vệ rừng. Năm 2014, thủy điện Sông Bung 4 chuẩn bị tích nước, nước dâng đến gần rừng lim, có nguy cơ bị lâm tặc tàn phá. Lúc này, tỉnh Quảng Nam cho khảo sát, đánh số cây và thành lập ngay trạm bảo vệ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung.
Dây leo bám vào thân gỗ lim, kiểm lâm phải chặt bỏ cho cây phát triển. Ảnh:Đắc Thành.
Một căn nhà tạm bợ lợp mái tôn được dựng lên giữa rừng, không có điện, thi thoảng lắm mới gặp một bóng người đánh bắt cá trên lòng thủy điện. Ba năm sau, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ và dựng một căn nhà kiên cố bằng sắt.
"Lim là cây quý hiếm, thuộc nhóm 2A trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi cây lim ở đây ít nhất cũng được hơn 10 m3 gỗ. Hiện gỗ lim giá 20-30 triệu đồng/m3, tính ra mỗi cây giá ít nhất 200 triệu đồng, tài sản rất lớn", anh Long nói và cho rằng nếu lực lượng kiểm lâm lơ là thì chỉ một tháng lâm tặc có thể chặt trụi cả rừng lim rồi dựa theo dòng nước đưa gỗ về xuôi.
Vì rừng lim là báu vật của Quảng Nam, kiểm lâm của trạm Lăng - Zuôih luôn đề cao cảnh giác. Khi phát hiện một bếp lửa, một vết phát dọn - dấu tích hiện diện của con người trong rừng, anh em lập tức có mặt kiểm tra. Đến nơi, biết những người này đi bứt mây, hái nấm hoặc đánh bắt cá thì kiểm lâm mới hết lo.
"Nhiều lần lâm tặc mua chuộc để tàn phá rừng lim, chúng tôi nhất quyết không tiếp tay. Bị khước từ, họ chuyển qua nhắn tin đe dọa tính mạng. Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ đến nay, trạm chưa để mất một cây rừng", anh Long tự hào nói.
Tết Kỷ Hợi, trạm được hỗ trợ một máy phát điện, đêm giao thừa anh em sẽ mở tivi xem cả nước chào đón năm mới. Bánh chưng, thịt cá được hỗ trợ nên anh em đón Tết vui hơn năm trước, kiểm lâm viên Bùi Ngọc Thạch nói.
Nhưng Tết cũng là lúc lâm tặc lợi dụng để chặt phá rừng, anh em phải túc trực suốt ngày đêm để tuần tra. Họ chỉ ở nhà một vài ngày rồi lại lên rừng lim ở.