Một trong hai ghế nóng, ông chọn ghế nào, tại ngân hàng hay tại doanh nghiệp? Cảm xúc của ông ra sao khi phải đứng trước sự lựa chọn này?
Cũng như các doanh nhân khác, tôi luôn khát khao được làm việc, được cống hiến hết mình trong những lĩnh vực mình đam mê, yêu thích, với mong muốn tạo ra nhiều của cải cho xã hội và công ăn việc làm cho người lao động.
Tôi rất vui vì trong thời gian qua được làm việc, được đóng góp cho sự phát triển của Kienlongbank. Hội đồng quản trị ngay từ đầu đã xác định con người là nhân tố quan trọng trong hoạt động tín dụng, vì vậy, trong nhiệm kỳ qua, Hội đồng quản trị Kienlongbank thống nhất đề cao xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp và đào tạo con người.
Từ quản lý cấp cao đến nhân viên, cộng tác viên đều thấm nhuần cách hành xử văn hóa của Kienlongbank, là dùng văn hóa thay vì quyền lực để điều hành. Trong vòng 5 năm, Kienlongbank đã tổ chức 1.054 khóa đào tạo cho hơn 65.000 lượt học viên.
Đa số cán bộ quản lý của Kienlongbank trong hệ thống được bồi dưỡng, đào tạo từ lực lượng kế thừa nội bộ. Các em trưởng thành cũng chính là thước đo cho sự phát triển của Kienlongbank.
Với nền tảng hoạt động ổn định, cùng các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát được giới thiệu trong nhiệm kỳ mới 2018 - 2022 là những anh chị có trình độ chuyên môn cao, nhiều năm trong ngành, nhiệt huyết và một đội ngũ lãnh đạo giỏi, có đạo đức nghề nghiệp, tôi tin tưởng vào triển vọng tốt đẹp của Kienlongbank. Vì vậy, tôi có thể an tâm không tiếp tục tham gia Hội đồng quản trị của Ngân hàng, tập trung thời gian và sức lực cho kế hoạch mở rộng hoạt động của Đồng Tâm Group.
Nhìn lại một nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng quản trị của Kienlongbank, ông hài lòng với điều gì?
Trong 22 năm hình thành và phát triển, Kienlongbank đã không ngừng nỗ lực, từng bước khẳng định được vị thế vững chắc trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, gặt hái được những thành tựu nhất định, tạo được niềm tin với khách hàng, đối tác trong và ngoài nước.
Như tôi đã từng chia sẻ, mục tiêu trung, dài hạn của Kienlongbank là trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Kienlongbank đã không ngừng hiện đại hóa hệ thống, thường xuyên nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi Corebanking và công nghệ ngân hàng, trụ sở giao dịch và cơ sở vật chất tại các đơn vị kinh doanh được đầu tư, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Từ năm 2013 đến nay, Kienlongbank đã đưa vào triển khai nhiều tiện ích, sản phẩm dịch vụ mới, hiện đại như thẻ ATM, thẻ tín dụng quốc tế Visa, ngân hàng điện tử, mobile banking, nộp thuế điện tử, thanh toán trực tuyến và hiện đang triển khai phát hành thẻ thanh toán quốc tế JCB…
Đặc biệt, vào tháng 6/2017, Kienlongbank chính thức đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM với mã cổ phiếu là KLB, nhằm tạo sự thuận lợi trong giao dịch cổ phiếu của cổ đông, nâng cao tính minh bạch…
Định hướng phát triển rõ ràng, phù hợp đã giúp Kienlongbank ngày càng tăng trưởng ổn định và bền vững. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân gần 21%/năm, nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ và giảm dần qua từng năm. Mạng lưới hoạt động từ 95 đơn vị năm 2012 đã tăng lên 117 đơn vị kinh doanh.
Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản tăng 2 lần so với năm 2012, từ 18.581 tỷ đồng lên 37.335 tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 tăng 2,5 lần so với năm 2012, từ 10.641 tỷ đồng lên 26.124 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 2,5 lần so với năm 2012, từ 9.683 tỷ đồng lên 24.686 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu từ 2,93% năm 2012 giảm xuống còn 0,83%.
Tại thời điểm 31/3 vừa qua, tổng tài sản Kienlongbank đạt 39.405 tỷ đồng (tăng 5,54 % so với 2017); huy động vốn đạt 35.092 tỷ đồng (tăng 5,85% so với 2017); dư nợ cấp tín dụng đạt 26.383 tỷ đồng (tăng 6,89 % so với 2017); lợi nhuận đạt 73,29 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng của Kienlongbank có vẻ khá thận trọng?
Kienlongbank không phải là ngân hàng có quy mô lớn, nhưng với lợi thế am hiểu thị trường và hiểu rõ khách hàng, chúng tôi đã chọn hướng đi riêng, tập trung tiềm lực vào phân khúc bán lẻ và khu vực nông thôn.
Năm 2016, chúng tôi mở mới 14 chi nhánh, phòng giao dịch tại các địa phương đúng lợi thế, đúng định hướng hoạt động của Kienlongbank và 14 đơn vị này đều hoạt động kinh doanh hiệu quả, số lượng khách hàng mới tăng đáng kể... giúp nông dân tại các xã cách xa trung tâm có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập và xoá đói giảm nghèo.
Từ những thành công đó, Kienlongbank đã và đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới. Trong năm nay, Kienlongbank được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thành lập mới 17 chi nhánh, phòng giao dịch, nâng tổng số lên 134 điểm giao dịch trên cả nước.
Với phương châm hoạt động “Sẵn lòng chia sẻ”, Kienlongbank luôn đồng hành, tư vấn và hỗ trợ kịp thời những khó khăn vướng mắc của khách hàng, có những giải pháp chia sẻ khó khăn với khách hàng thông qua các hình thức miễn giảm lãi vay, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng tại địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, được sự đánh giá cao của các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh, thành phố và của Ngân hàng Nhà nước.
Thực tế cho thấy, Kienlongbank đã có những tăng trưởng hợp lý, hoạt động ổn định, phát triển bền vững và tiếp tục nâng cao uy tín, thương hiệu trong lòng khách hàng cả nước.
Các chỉ số hoạt động của Kienlongbank luôn ở mức an toàn, văn bản quy định nội bộ tương đối đầy đủ, bám sát phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo cho toàn hệ thống hoạt động ổn định và phát triển bền vững.
Trong khi không ít người đã chọn ở lại điều hành ngân hàng, thôi nắm quyền tại doanh nghiệp, ông lại quyết định giữ vị trí Chủ tịch Đồng Tâm Group. Phải chăng do thương hiệu Đồng Tâm và bầu Thắng không thể tách rời?
Trong kinh doanh, có lẽ tôi được biết đến nhiều và sớm hơn qua quá trình gắn bó với thương hiệu Đồng Tâm, chuyên sản xuất - kinh doanh sản phẩm vật liệu xây dựng, trang trí nội, ngoại thất.
Đây là ngành nghề truyền thống của gia đình mà ba tôi, ông Võ Thành Lân, là người đã đặt viên gạch đầu tiên, người sáng lập thương hiệu Đồng Tâm từ ngày 25/6/1969. Đồng Tâm không chỉ là sự nghiệp kinh doanh, mà gắn bó với tôi và các thành viên trong gia đình.
Từ một cơ sở sản xuất gạch bông nhỏ lẻ của gia đình, đến nay, Đồng Tâm đã có 12 nhà máy với hơn 3.000 cán bộ nhân viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Ngoài sản phẩm gạch ốp lát, Đồng Tâm liên tục mở rộng sản phẩm, dịch vụ như ngói màu, sơn, bột trét, keo dán gạch, cửa, sứ vệ sinh, bê tông tươi, cống cọc, bao bì, đầu tư kinh doanh khu công nghiệp, dịch vụ logistic, cảng biển…
Ngày 14/4 vừa qua, Đồng Tâm khánh thành nhà máy sản xuất cọc bê tông ly tâm tại Bến Lức - Long An, được đầu tư xây dựng từ năm 2017 với tổng giá trị đầu tư giai đoạn 1 hơn 250 tỷ đồng, có công suất 1 triệu mét dài trên năm.
Theo kế hoạch, vào cuối năm 2018, Đồng Tâm tiến hành khởi công giai đoạn 2, mở rộng nhà máy, nâng công suất hàng năm lên hơn 2 triệu mét dài, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các công trình xây dựng trong và ngoài tỉnh.
Với trang thiết bị hiện đại, công nghệ kỹ thuật được nhập khẩu từ Đức, Hàn Quốc, hiện nhà máy phải hoạt động hết công suất, làm việc ngày đêm mới có thể đáp ứng kịp các đơn hàng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị khởi công dự án nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Long An đẩy mạnh năng suất sản xuất, tăng sản lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trên đà phát triển, Đồng Tâm đã liên tục gặt hái nhiều thành công, lợi nhuận sau thuế tăng đều qua các năm: Năm 2013 đạt 125,722 tỷ đồng; năm 2014 đạt 176,638 tỷ đồng; năm 2015 đạt 279,248 tỷ đồng; năm 2016 đạt 233,083 tỷ đồng; năm 2017 đạt 248,943 tỷ đồng.
Đồng Tâm Group mạnh dạn triển khai nhiều dự án mới trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Vì vậy, tôi cần dành thêm nhiều thời gian để tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt nhằm hoàn thành đúng tiến độ những dự án nêu trên.
Được biết, con trai ông là Võ Quốc Lợi đang làm việc tại Kienlongbank. Ông có kỳ vọng con trai sẽ nối gót cha nắm giữ trọng trách tại Ngân hàng trong tương lai gần?
Bản thân Lợi từ rất sớm đã xác định theo học ngành tài chính, lĩnh vực mà cháu rất yêu thích. Trong thời gian theo học, cháu đã có cơ hội được thực tập tại Agribank.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, Lợi về làm việc tại Kienlongbank và được trải nghiệm ở nhiều vị trí khác nhau như nhân viên tín dụng, nhân viên kiểm toán nội bộ, nhân viên pháp chế và xử lý nợ, trợ lý tổng giám đốc, phó giám đốc chi nhánh, giám đốc chi nhánh…
Với lòng đam mê, yêu nghề, lại được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, Lợi có cơ hội được nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, được học hỏi, trải nghiệm rất nhiều từ những người đi trước.
Hiện tại, Lợi đang theo học một khóa cao học tại Anh. Tôi hy vọng, sau khi hoàn tất khóa học, cháu sẽ tiếp tục quay về làm việc và nỗ lực đóng góp vì sự phát triển chung của Kienlongbank.
Không nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Kienlongbank trong nhiệm kỳ mới, nhưng nếu được mời làm Cố vấn, ông có nhận lời không?
Tôi tin tưởng quyết định của mình là hài hòa nhất trong điều kiện thực tế hiện nay. Tuy không tiếp tục tham gia quản trị Kienlongbank, nhưng với kinh nghiệm qua nhiều năm quản trị và điều hành doanh nghiệp, bản thân tôi rất sẵn lòng sắp xếp thời gian để tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho Hội đồng quản trị, Ban điều hành, cán bộ nhân viên Kienlongbank.
Như tôi đã chia sẻ, Kienlongbank đã có một nền tảng hoạt động vững chắc, cùng với nguồn lực hiện có, tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của Ngân hàng trong thời gian tới.