VAFI vốn nổi tiếng với những kiến nghị gây sốc, có nội dung phản biện chính sách. Bởi vậy, với một báo cáo mang tính “tô hồng” cho Hòa Phát, nhà đầu tư thấy ngạc nhiên. Trước đó, bầu Long tuyên bố sẽ chi 270 tỷ đồng để mua vào 10 triệu cổ phiếu HPG, tăng lượng cổ phiếu HPG nắm giữ lên 184,3 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 25,15%.
Theo phân tích của VAFI, trong vòng 10 tháng qua, giá cổ phiếu của HPG liên tục đi xuống, từ vùng giá 40.000 đồng/CP (đã được quy đổi theo vốn điều lệ mới) xuống 25.300 đồng/CP trong phiên giao dịch 5/6/2015, mất tới 40%. Khởi đầu của tiến trình giảm giá là thời điểm việc Hòa Phát công bố thông tin đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc và chăn nuôi.
Trong con mắt của một số nhà đầu tư thì lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp đang phải gặp áp lực cạnh tranh cao, nhiều “ông lớn” đi trước Hòa Phát một bước và việc dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh mới, ngành nghề không cốt lõi sẽ khiến Hòa Phát gặp nhiều khó khăn và rủi ro trong tương lai.
Một số cổ đông nghĩ rằng Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, với cam kết cắt giảm thuế quan sẽ làm cho ngành thép trong nước đã khó lại càng khó hơn.
Sự kiện giá dầu giảm mạnh làm cho giá cả nhiều mặt hàng giảm theo, trong đó có giá thép và điều đó làm cho lợi nhuận Hòa Phát giảm mạnh. Có cổ đông lớn nước ngoài hình như không đồng thuận với việc Hòa Phát kinh doanh nông nghiệp nên đã liên tục thoái vốn trong mấy tháng.
Trước tình hình trên, động thái của ông Long theo phân tích của VAFI nhằm hướng đến nhiều đích: Thứ nhất, để chứng minh những e ngại như trên là không đúng. Nhưng quan trọng hơn là để đẩy giá cổ phiếu bởi đưa giá trị cổ phiếu về mức hợp lý, rất quan trọng trong quản trị doanh nghiệp.
Giá trị cổ phiếu tụt dốc sẽ ảnh hưởng đến lòng tin từ cổ đông, thương hiệu doanh nghiệp. Đặc biệt có thể khiến chính sách ESOP mới được Hòa Phát triển khai kém hấp dẫn và không thuyết phục người tài.
Trên thực tế, tin tức liên quan đến HPG gần đây không mấy tích cực. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015, HPG ghi nhận 5.838 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10% so với cùng kỳ và 650 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm đến 29%.
Ông Trần Đình Long
Trong vòng 2 tháng gần đây, nhóm nhà đầu tư nước ngoài là Amersham, DC đã bán ra cổ phiếu HPG, giảm số lượng nắm giữ từ 39.160.112 triệu cổ phần (tương đương 8,01%) xuống còn 38.695.112 cổ phần (tương đương 7,92%). Nhóm nhà đầu tư liên quan đến Deutchbank Ag cũng giảm tỷ lệ sở hữu tại Hòa Phát từ 6,01% xuống 5,98%.
Tiếp đến, Quỹ VIHL do VinaCapital quản lý đã bán ra 1,93 triệu cổ phần HPG. Sau đó, VIHL đăng ký bán tiếp khoảng 2 triệu cổ phiếu, còn VOF đăng ký mua vào cùng thời gian là 4 triệu cổ phiếu.
Do hai quỹ này cùng do VinaCapital quản lý nên nhà đầu tư có cảm giác “mua tay phải, bán tay trái” và nghiêng về khả năng bán nhiều hơn dù đến 9/7, thời hạn kết thúc đợt đăng ký mua thị trường mới biết liệu đó có phải là chiêu nhằm hạn chế tác động giảm giá cổ phiếu để thoái được vốn với giá cao của các quỹ này.
Việc giảm giá cổ phiếu sẽ ảnh hưởng không ít đến ông Long và gia đình, những người đang sở hữu lớn nhất tại Hòa Phát, nhất là khi tài sản này còn được ông sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng khi cần thiết.
Mới đây, ông Trần Đình Long đã bảo đảm bằng cổ phiếu của cá nhân ông Long cho Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất - kinh doanh với hạn mức 600 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho vay là 3 triệu cổ phiếu HPG, được định giá tại mức giá 20.000 đồng/CP - tương đương tổng giá trị 60 tỷ đồng. Trường hợp cổ phiếu HPG không duy trì được thị giá hiện nay, mức định giá có thể giảm tương ứng.