Bầu Đức và giấc mơ cao su

Bầu Đức và giấc mơ cao su

(ĐTCK)Ấp ủ giấc mơ làm lớn, bầu Đức khẳng định, phải bán nhà cũng trồng cao su.

Rút cây bút trong túi áo, khía đầu sắt nhọn vào thân cây cao su cho dòng mủ trắng chảy ra, đứng trước rất nhiều đại diện các tổ chức đầu tư giữa vườn cao su 3 năm 3 tháng tuổi trên đất Lào, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) Đoàn Nguyên Đức cười sảng khoái nói: “Có người hỏi ông Đức trồng cao su thì cạo ra cái gì. Ra mủ chứ ra cái gì!”.

Cách đó mấy bước chân, chuyên viên quỹ đầu tư Temasek với tay bẻ lá cao su, một giọt nhựa ứa ra đầu cành.

 

Làm lớn phải sang Lào

Sự hoài nghi của nhà đầu tư cá nhân về kế hoạch trồng 51.000 héc -ta cao su ở 3 nước Đông Dương, trong đó tập trung phần lớn ở tỉnh Attapeu nước Lào của HAG cũng là điều dễ hiểu, vì những gì HAG làm nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người.

Liệu cây cao su có thể đem lại cho tập đoàn này hàng trăm triệu USD doanh thu và lợi nhuận trong 2 - 3 năm tới như những gì Bầu Đức đã công bố?

Đầu tư trồng cao su trên diện tích lớn là tham vọng mà bầu Đức đã ấp ủ thực hiện từ lâu. “Một doanh nghiệp lớn như HAG làm gì ở thị trường trong nước để tăng trưởng vài chục phần trăm một năm? Muốn trở thành doanh nghiệp lớn tầm cỡ khu vực, buộc chúng tôi phải vươn ra nước ngoài, tìm đến những vùng đất mới. Tôi đã trồng cao su 10 năm, nhưng ở Việt Nam hiện không còn quỹ đất để mở rộng diện tích. Muốn làm lớn, chúng tôi phải sang Lào”, ông Đức nói.

Những câu chuyện bên rừng cây cao su giữa ông Đức và các nhà đầu tư cho thấy, ông Đức không phải là “tay mơ” đối với việc trồng loại cây công nghiệp này bởi quy trình trồng cao su như thế nào, tưới ra sao, bón phân nào… ông thuộc làu làu.

Vốn khan hiếm, sự nghi ngờ của nhà đầu tư cá nhân trong nước, tin đồn phá sản, giá cổ phiếu giảm theo thị trường chứng khoán… thời gian qua đã không làm ông Đức nản chí. Ông khẳng định: “Phải bán nhà cũng trồng cao su”.

 

Học công nghệ Thái Lan

Có rất nhiều điểm khác biệt trong quy trình trồng cao su của HAG với quy trình trồng của doanh nghiệp trong nước. Ông Đức cho biết, khi bón phân, HAG phải mang đất đi xét nghiệm, thấy thiếu chất gì bón phân đó chứ không cứ cao su là bón NPK.

Bên cạnh đó, HAG là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cao su.

Hệ thống này gồm các bể chứa nước, van điều áp và hệ thống đường ống dẫn nước đến từng gốc cao su.

Nhờ van điều áp mà nước bơm nhỏ giọt qua các van đặc biệt, được nhập khẩu từ Isarel, vào từng gốc cao su đều một lượng nước là 2 lít/giờ.

Thông thường, cây cao su phát triển nhanh vào mua mưa, còn mùa khô từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, cây chậm phát triển hoặc không cạo được mủ vì thiếu nước.

Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cây cao su phát triển quanh năm nên cao su HAG trồng chỉ 4 năm tuổi là thu hoạch được, rút ngắn thời gian 1 năm so với quy trình trồng và chăm bón phổ biến của các DN khác và sau này, có thể khai thác mủ  cả vào mùa khô.

Ông Đức so sánh, giống như một đứa trẻ, cây cao su được chăm sóc đặc biệt sẽ lớn nhanh hơn nhiều.

Cách khách sạn Hoàng Anh Attapeu hơn 100 km về hướng cửa khẩu Bờ Y là vườn cây cao su 4 năm tuổi rộng khoảng 3.000 héc -ta, lứa cao su HAG  trồng đầu tiên ở đây. Khi đến đó vào cuối năm 2011, chúng tôi như lạc vào rừng cao su tươi tốt, đẹp như mơ.

Bầu Đức và giấc mơ cao su ảnh 1

Ông Đức và các nhà đầu tư ở vườn cao su 3 năm 3 tháng tuổi tại Lào vào tháng 11/2011

Những cây cao su đủ tiêu chuẩn 45 cen-ti-mét vòng thân cây đã được đánh dấu đỏ để chuẩn bị khai thác. Vào tháng 6 năm nay, khi số lượng cây đủ tiêu chuẩn tăng lên, HAG bắt đầu thu hoạch những tấn mủ cao su đầu tiên.

Ông Đức khẳng định, HAG trồng cao su trên nền tảng khoa học kỹ thuật cao được chuyển giao từ Viện Nghiên cứu cao su của Thái Lan.

Sở dĩ HAG chọn Thái Lan để học tập công nghệ vì nước này đứng đầu thế giới về xuất khẩu cao su.

Ông kể, khi sang Viện Nghiên cứu cao su của Thái Lan, HAG được tiếp đón rất nhiệt tình đơn giản vì HAG đã nổi tiếng ở Thái Lan từ nhiều năm trước, gắn với tên tuổi của danh thủ Thái Lan Kiatisak.

Chỉ trong 3 ngày, chuyên gia của viện này đã chuyển giao cho HAG kinh nghiệm kiến thức họ tích lũy được trong 30 năm và những tài liệu về trồng cao su quý giá.

Thêm nữa, văn phòng HAG tại Thái Lan hàng tháng có nhiệm vụ dịch tạp chí khoa học về cao su của Thái Lan, phát hiện những ứng dụng mới gửi về Tập đoàn.

Nhờ có chiến lược tiếp thu công nghệ trồng cao su mới từ Thái Lan một cách bài bản mà cây cao su của HAG tươi tốt, cho sản lượng mủ khác hẳn.

 

Trăm nghe không bằng một thấy

Trong hơn một năm qua, HAG rất tích cực làm công tác quan hệ nhà đầu tư (IR), mời các nhà báo, nhà đầu tư sang Lào khảo sát rừng cao su HAG đã trồng.

Nhưng những hình ảnh, thước phim chỉ truyền tải được phần nào khối lượng công việc cực lớn mà HAG đã làm để cánh rừng cao su rộng 22.000 héc - ta mọc lên, trong tổng diện tích quy hoạch 36.000 héc-ta.

Chỉ tính riêng đường ống tưới cây lắp đặt trên hàng nghìn héc -ta cao su đã trồng, trung bình cứ 1 héc-ta có 1.600 mét ống dây, thì hệ thống ống tưới này đủ quấn 3 vòng Trái đất.

Cuối năm 2010, khi những nhà đầu tư, cổ đông đầu tiên đặt chân đến nông trường Attapeu, những vạt đất hai bên đường từ cổng nông trường Hoàng Anh Attapeu vào sâu bên trong còn trống không, thì cuối năm 2011, khi họ trở lại lần thứ 2, vườn cây cao su non 1 năm tuổi đã mọc lêu ngêu nối tiếp vườn  cao su 2 tuổi và phía trong cùng là khu cao su 3 năm 3 tháng tuổi vững chãi sắp hàng thẳng tắp, lá xanh ngắt. “Lá xanh chứng tỏ cây đủ chất dinh dưỡng, còn lá hơi vàng là cây thiếu chất”, ông Đức giải thích.

Rừng cao su của HAG trải dài dọc hai bên đường quốc lộ, chạy sát đến chân núi. Mảnh đất này được thiên nhiên ưu đãi với 4 con sông bao bọc xung quanh cung cấp nguồn nước tưới. Để đi thăm hết rừng cao su này phải mất 3 ngày trời.

Bất kỳ ai đến Attapeu cũng phải ngỡ ngàng về khối lượng công việc HAG đã làm ở đây và những đổi thay từng ngày ở một tỉnh thuộc diện khó khăn nhất ở Lào.

Thủa ban đầu đi tìm quỹ đất trồng cao su, ông Đức chỉ tìm những vùng đất đỏ bazan. Nhưng khi sang Thái Lan, thấy không phải đất đỏ mà họ vẫn trồng cao su ầm ầm, hỏi ra, ông mới biết, đất trồng được cao su phải đáp ứng đủ 4 yếu tố thổ nhưỡng là nhiệt độ từ 26 độ C, lượng mưa 1.800 mm trở lên, độ ẩm từ 80%, tầng đất sâu 1 mét và độ cao so với mực nước biển từ 300 mét trở xuống.

 Mảnh đất ở Attapeu, Lào hội đủ các yếu tố này, lại sát với Gia Lai, nơi đặt trụ sở chính của HAG và từ đây qua Thái Lan, xứ sở của cao su chỉ mất 240 km. Không còn điểm nào thuận lợi hơn, bầu Đức quyết tâm gây dựng đại bản doanh thứ 2 của Tập đoàn ở vùng đất này.

Trồng cao su diện tích lớn, chủ yếu lại ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nên tài sản lớn nhất của HAG là rừng cây cao su, có khả năng đem lại dòng tiền lớn, có thể đưa vào sàn hàng hóa “giao dịch tương lai”.

Đó cũng là thách thức lớn mà ông Đức đang phải vượt qua. Nhưng với sự say mê, quyết tâm và không hề nao núng trước khó khăn, bầu Đức bắt tay vào trồng mía đường tại Attapeu nhằm “lấy ngắn nuôi dài”. Mía đường trồng 1 năm cho thu hoạch, nên cuối năm nay, đầu năm 2013, HAG đã có nguồn thu từ 12.000 héc -ta mía.

“Năm 2012, chúng tôi sẽ trồng xong 51.000 héc -ta cao su như kế hoạch và tiếp tục phát triển thêm 50.000 héc-ta  cao su nữa kể từ năm 2013. Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị xong quỹ đất”, ông Đức chia sẻ.