Cơ sở nào để HAG đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 50%/năm và trong bao nhiêu năm, thưa ông?
Năm nay, HAG đặt kế hoạch hơn 1.400 tỷ đồng lợi nhuận, sang năm tăng 50% là thêm 700 tỷ đồng thì bò thịt đã mang lại 30 triệu USD. Năm 2015 sẽ đưa dự án Myanmar vào hoạt động với quy mô 2 tòa nhà gồm 80.00 m2 văn phòng, trung tâm thương mại 40.000 m2 và 400 phòng khách sạn 5 sao. Dự án này mang lại nguồn thu tương đối lớn.
Từ năm 2015, diện tích cao su khai thác mủ tăng lên, cọ dầu khai thác lứa đầu tiên, diện tích bắp tăng gấp đôi, diện tích mía ổn định. Qua 2016, dự án Myanmar giai đoạn 2 lại triển khai. Với những gì đầu tư và chuẩn bị thu hoạch thì kỳ vọng giai đoạn tăng trưởng lợi nhuận 50%/năm kéo dài 6 năm đến 2020, khi cây trồng đạt đỉnh năng suất và dự án Myanmar hoàn thành.
Ông có thể cập nhật tiến độ Khu phức hợp tại Myanmar tại thời điểm này?
Dự án đã xây dựng đến tầng 4 là tầng đế, sau đó chuyển sang tầng trên, tiến độ 10 ngày/sàn. Từ tháng 7 bắt đầu hoàn thiện cuốn chiếu. Phấn đấu quý II sang năm đưa dự án vào hoạt động. Khu văn phòng đang triển khai ký hợp đồng cho thuê 80 USD/m2.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, HAG lựa chọn cây trồng và cân đối diện tích trồng dựa trên yếu tố nào, thưa ông?
Trước tiên, phải lựa chọn cây phù hợp thổ nhưỡng khí hậu, có thể áp dụng cơ giới hóa và kỹ thuật cao, có đầu ra sản phẩm. Đặc biệt, HAG ý thức được các cổ đông phải chờ đợi lâu khi Công ty đầu tư dài hạn vào cao su. Bản thân tôi cũng rất sốt ruột. Vì vậy, HAG đã thực hiện đa dạng hóa cây trồng với mục tiêu lấy ngắn nuôi dài, ưu tiên cây, con mang lại dòng tiền, quay vòng vốn nhanh.
Như mía đường trồng dưới 1 năm là thu hoạch, cây bắp 3 tháng là thu hoạch, có thể trồng 2 vụ/năm và tăng diện tích bắp không phụ thuộc vào nhà máy chế biến như mía. Năm 2014, HAG trồng và thu hoạch khoảng 5.000 héc-ta bắp, năm 2015, mục tiêu trồng 10.000 héc-ta bắp, tổng sản lượng dự kiến là 280.000 tấn/năm đem lại nguồn doanh thu lớn.
Nuôi bò, bước đầu HAG nhập bò 18 đến 25 tháng tuổi về nuôi, sau 7 tháng đạt trọng lượng 500 kg/con sẽ xuất chuồng. Chu kỳ nuôi ngắn giúp đem lại doanh thu và lợi nhuận ngay, khoảng 30 triệu USD lợi nhuận từ bò thịt trong năm 2015. Sau đó, tiến tới nhập bò giống về nuôi để chủ động con giống và tăng tỷ suất lợi nhuận thì chỉ từ 1 năm đến 1,5 năm là thu tiền.
Cọ dầu và cao su vẫn là 2 cây trồng chiến lược vì có thể trồng diện tích lớn và cho nguồn thu ổn định.
Cọ dầu là loại cây khá mới, ông có thể cho biết tiềm năng của cây công nghiệp này?
Ngoài cao su, cọ dầu là lĩnh vực được HAG chú trọng đầu tư nhiều nhất, đã trồng được 12.300 héc-ta, dự kiến lên đến 30.000 héc-ta vào năm 2015. Cọ dầu 30 tháng sẽ cho quả, đưa vào khai thác, chi phí đầu tư mỗi héc-ta khoảng 60 - 70% so với cao su, hiệu quả kinh tế dự kiến hơn hẳn. HAG sẽ sản xuất dầu thô bán cho các công ty sản xuất dầu ăn trong nước thay thế nhập khẩu dầu nguyên liệu từ Malaysia và Indonesia.
Vừa qua, HAG và Nutifood, VISSAN đã ký hợp tác đầu tư Dự án chăn nuôi bò, xây dựng nhà máy chế biến sữa và thịt bò tại Gia Lai. Vai trò và lợi thế của HAG trong dự án này là gì, thưa ông?
Chúng tôi không tham lam làm hết mà chỉ làmnhững gì mình có thế mạnh. HAG chỉ nuôi bò. Bò thịt cung cấp cho Vissan bao tiêu toàn bộ, còn sữa bò bán cho Nutifood chế biến. HAG có lợi thế tuyệt đối trong nuôi bò vì có sẵn nguồn thức ăn là mày bắp, thân bắp, cành cọ dầu, bã cọ dầu, bã mía, rỉ mía đường. Những thứ này đang phải bỏ đi hay bán rẻ, giờ dành để chế biến thức ăn cho bò. Thức ăn chiếm 75% giá thành chăn nuôi. HAG còn dành 30.000 héc-ta đất trồng cỏ, không mua thức ăn ngoài thị trường. Công nghệ nuôi bò của Isreal từ nhập giống cỏ, công thức chế biến thức ăn, gắn chip để quản lý bằng phần mềm. Bò sữa nuôi trong dân cho khoảng 15 lít sữa/ngày, bò sữa THMilk nuôi đạt 25 lít/ngày thì tại Israel họ nuôi đạt 45 lít sữa/ngày. Còn bò thịt có thể tăng từ 1,2 đến 1,5 kg/ngày.
6.300 tỷ đồng vốn đầu tư có quá lớn trong thời điểm hiện nay?
Đó là tổng vốn cho cả dự án nuôi đàn 236.000 con bò, trong đó 120.000 bò thịt và 116.000 bò sữa. Giai đoạn 1 thực hiện đến hết năm 2015, vốn đầu tư khoảng 3.150 tỷ đồng, vốn tự có chiếm 30%. Ngày 16/6, lứa bò đầu tiên nhập từ Thái Lan về đến Việt Nam, 7 tháng sau sẽ có sản phẩm bò thịt cung cấp cho Vissan. Các lứa bò sau sẽ về dần, tổng đàn bò thịt đạt 60.000 con vào cuối năm. Bò sữa thì cần thời gian để Nutifood đầu tư nhà máy chế biến sữa, dự kiến có sữa vào quý IV năm sau.
Việc xử lý chất thải chăn nuôi như thế nào để đảm bảo yếu tố môi trường?
Quy trình nuôi bò khép kín. Chất thải được thu gom chế biến thành phân hữu cơ. Một con bò ăn 40 kg thức ăn/ngày và thải ra khoảng 10 kg/ngày. Khi tổng đàn đạt 120.000 con, thu gom được 1.200 tấn/ngày, tương đương 438.000 tấn/năm. Với giá thành 1,2 triệu đồng/tấn, khi sử dụng nguồn phân này để bón cho cây, HAG đã tiết kiệm khoảng 525 tỷ đồng/năm. Nước thải không thải ra ngoài mà đưa vào hệ thống tưới cây.
Như vậy, nuôi bò là nối dài chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp, lĩnh vực cốt lõi của HAG chứ không phải đầu tư ngoài ngành.