Lợi nhuận quý III dần hé lộ
Các ngân hàng bắt đầu hé lộ lợi nhuận quý III/2021. Tuy nhiên, khác với các quý trước, hầu hết nhà băng không đưa ra con số lợi nhuận tuyệt đối, mà chỉ cho biết hoàn thành được bao nhiêu phần trăm mục tiêu đề ra, một phần để tránh dư luận ồn ào trước câu chuyện ngân hàng “ăn trên lưng doanh nghiệp”, nhất là ở thời kỳ khó khăn hiện nay.
SeABank công bố, 9 tháng đầu năm 2021, tín dụng tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức 35,35%, tỷ lệ nợ xấu 1,68%, thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 181%…, nhưng chưa cho biết mức lợi nhuận đạt được.
Tương tự, HDBank ước tính hoàn thành trên 82% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 sau 9 tháng đầu năm; dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ; tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì dưới 1%; tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%; tổng thu nhập hoạt động vượt 12.100 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng trong 9 tháng đầu năm nay, với thu nhập thuần tăng 88,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thu thuần từ dịch vụ tại ngân hàng mẹ gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước nhờ sự khởi sắc của mảng phân bối bảo hiểm và dịch vụ thanh toán. Chi phí hoạt động được tối ưu hóa với hệ số chi phí trên tổng thu nhập hoạt động giảm còn 39% so với con số 43,8% của cùng kỳ. Hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,6%, tăng so với mức 21,1% của cùng kỳ. An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với hệ số an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II đạt 13%.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của HDBank có thể đạt 7.843 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2020. Tăng trưởng tín dụng tích cực trong thời gian qua sẽ là động lực dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của HDBank thời gian tới.
Công ty Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế của HDBank trong quý III/2021 đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính cả năm, tín dụng tăng khoảng 33,4% và lợi nhuận đạt 7.700 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2020. Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông 2021, mục tiêu lợi nhuận nhà băng này đưa ra cho năm nay là 7.281 tỷ đồng, tăng 25% so năm ngoái.
Tại NCB, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 tăng 45% so với cùng kỳ năm 2020, ghi nhận hơn 531 tỷ đồng; lãi trước thuế và sau thuế lần lượt là gần 206 tỷ đồng và hơn 164 tỷ đồng, gấp 7,2 lần và 7,7 lần cùng kỳ, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao trong quý III, lũy kế 9 tháng trích lập gần 146 tỷ đồng (cùng kỳ trích lập 38 tỷ đồng). Năm 2021, NCB đặt mục tiêu đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khoảng 1.000 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2021, SHB đạt 5.055 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 86% kế hoạch cả năm (6.128 tỷ đồng). Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, hệ số sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của SHB đạt 1,5%, hệ số ROE đạt 25,6%.
Trong khi đó, TPBank cho biết, 9 tháng đầu năm 2021 đạt 4.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 45% so với cùng kỳ và bằng 75,76% kế hoạch cả năm. Chỉ số ROA và ROE lần lượt là 2,01% và 22,59%. Theo lãnh đạo TPBank, với quý còn lại trong năm, nhà băng sẽ hoàn tất chỉ tiêu đề ra, nên chưa có động thái điều chỉnh kế hoạch.
OCB chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2021, song một lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị chia sẻ, Ngân hàng gần đạt kế hoạch.
Thực tế, nhiều ngân hàng đã hoàn thành 70 - 80% mục tiêu lợi nhuận năm 2021 sau 2 quý hoạt động đầu năm, khi tác động của dịch Covid-19 chưa quá nghiêm trọng. Đồng thời, các nhà băng xử lý được không ít khoản nợ xấu, giúp hoàn nhập dự phòng. Chẳng hạn, Kienlongbank hoàn thành hơn 80,57% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 sau 6 tháng đầu năm khi tất toán 176 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ. Một số nhà băng nhỏ sớm hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận khiêm tốn đề ra cho cả năm 2021 như VietCapital Bank ghi nhận 337 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng, gấp 5 lần cùng kỳ và vượt chỉ tiêu năm 2021; Saigonbank hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021 trong nửa đầu năm khi đạt 137 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Phân hóa mạnh
Theo tổng hợp của FiinGroup dựa trên các ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh quý III/2021 của 11 đơn vị ngành tài chính (trong đó có 9 ngân hàng trên sàn chứng khoán), lợi nhuận của 9 ngân hàng giảm 13,4% so với quý II. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận quý III/2021 của các ngân hàng đạt mức tăng 10,8%, dù tốc độ chậm lại trong hai quý gần nhất.
FiinGroup cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới sự lợi nhuận ngân hàng quý III/2021 giảm so với quý II đến từ sự gia tăng trích lập dự phòng và cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong quý III/2021, có ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng hàng chục phần trăm, song cũng có ngân hàng sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Vietcombank và VietinBank được kỳ vọng sẽ lội ngược dòng với mức tăng trưởng lợi nhuận quý III lần lượt là 0,9% và 4,9% so với quý II, chủ yếu do nền so sánh thấp vì hai ngân hàng này tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro trong quý II. Còn lợi nhuận của VIB dự kiến giảm 40% do các mảng kinh doanh chính (gồm cho vay mua nhà, ô tô và phân phối bảo hiểm) bị tác động tiêu cực bởi giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố lớn.
Công ty Chứng khoán SSI vừa đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý III/2021 một số ngân hàng. Theo đó, lợi nhuận quý III/2021 của Techcombank dự báo 5.200 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận của Viecombank đi ngang ở mức 5.000 tỷ đồng; lợi nhuận của MBBank, ACB, VPBank... kỳ vọng tăng trưởng ở mức hai con số so với cùng kỳ; lợi nhuận của VIB tăng trưởng âm.
Dự báo cả năm 2021, Vietcombank vẫn là quán quân lợi nhuận với 24.300 tỷ đồng, đứng thứ hai là Techcombank với 22.300 tỷ đồng, tăng gần 41%. Tuy nhiên, thứ hạng này chưa tính đến trường hợp VPBank hạch toán gần 1,4 tỷ USD do bán vốn tại FE Credit vào lợi nhuận năm nay. Các ngân hàng tiếp theo dự kiến ghi nhận lợi nhuận cả năm khả quan là ACB tăng 24,2%, MBBank tăng 42,2%, TPBank tăng 33,3%, VPBank tăng 29,4%, VIB tăng 25,4%...
Trước đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, lợi nhuận ngân hàng quý III/2021 sẽ “thấm đòn” Covid-19, có thể giảm 19% so với quý II, do tín dụng tăng thấp, dự phòng rủi ro cao. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành chững lại do ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng đây không phải là điều quá bất ngờ (tín dụng toàn ngành ngân hàng đến ngày 7/10/2021 tăng 7,4% so với đầu năm nay, nhưng không tăng so với tháng 8/2021). Tín dụng tăng thấp khiến thu nhập lãi thuần quý III/2021 của các ngân hàng dự kiến giảm 2% so với quý liền trước. Bên cạnh đó, biên lãi ròng (NIM) được đánh giá sẽ giảm trong quý III do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, nếu chỉ nhìn vào con số tuyệt đối về lợi nhuận thì chưa phản ánh hiệu quả kinh doanh, mà là các hệ số tài chính, nhất là ROA và ROE. Một ngân hàng hoạt động hiệu quả nếu có ROA trên 2% và ROE trên 20%.
“Tiêu chí này sẽ cho biết ngân hàng nào đang nằm trong Top hoạt động hiệu quả, sức khỏe ra sao”, vị tổng giám đốc ngân hàng nói.
Thực chất, lợi nhuận ngân hàng được đóng góp không nhỏ từ nguồn thu ngoài lãi, nhất là với những nhà băng có sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát quý IV do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các tổ chức tín dụng cho thấy, trong quý III/2021, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức thấp và giảm so với quý II, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dẫu vậy, xét tổng thể cả năm 2021, có 83,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 13,3% lo ngại lợi nhuận giảm (cao hơn so với tỷ lệ 9,7% ghi nhận tại cuộc điều tra thực hiện tháng 6/2021).
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cấp cao nhận định, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các ngân hàng đang phải san sẻ lợi nhuận để giảm lãi vay. Tuy nhiên, lợi nhuận nửa đầu năm 2021 của ngành ngân hàng chưa phản ánh đúng hiệu quả hoạt động, vì một phần đến từ giãn, hoãn trích lập dự phòng rủi ro, trong khi nợ xấu dự kiến sẽ tăng lên.