Cổng vào Thảo Cầm viên Sài Gòn tại mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai chỉ còn một biểu tượng nhỏ

Cổng vào Thảo Cầm viên Sài Gòn tại mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai chỉ còn một biểu tượng nhỏ

TP.HCM: Đất công viên phải trả lại cho công viên

(ĐTCK) Trước tình trạng đất công viên bị “xẻ thịt” để kinh doanh ngày càng phổ biến, UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết liệt tổ chức di dời các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe… trên đất công viên để phục vụ cho sinh hoạt, vui chơi của người dân thành phố.

Tràn lan “xẻ thịt” công viên

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng tăng cao, những tòa cao ốc không ngừng mọc lên, người dân luôn trong tình trạng “khát” không gian vui chơi, giải trí, khát những khoảng xanh trong lòng đô thị. Trong khi đó, một lượng không nhỏ diện tích các công viên, vườn hoa lại “biến” thành nơi kinh doanh ăn uống, bãi trông xe, sân tập thể thao cho một số ít người...

Chẳng hạn, Thảo Cầm Viên Sài Gòn, ngoài cổng chính nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm,  trước đây có một cổng lớn nữa ở phía đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên cổng này ít hoạt động rồi ngưng hẳn. Hiện nay, chỉ còn một cổng phụ để khách gửi xe ra vào nằm ở gần Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu. Phần lớn phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai đã biến thành khu kinh doanh trò chơi và dịch vụ ăn uống.

Hiện nay, nếu đứng từ đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn vào Thảo Cầm Viên thì chỉ thấy bảng hiệu của những dịch vụ kinh doanh, từ trò chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, quán cà phê. Còn bên trong những khu vui chơi giải trí có thu phí, các ki-ốt bán hàng cũng mọc lên như “nấm sau mưa”.

Tương tự, diện tích đất tại Công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP.HCM) phần lớn được sử dụng cho thuê để làm nhà sách, quầy dịch vụ ăn uống. Đặc biệt là khu vui chơi giải trí Tuổi thần tiên của Công ty cổ phần Đầu tư giải trí Thỏ Trắng (Công ty Thỏ Trắng), chiếm diện tích lên tới hơn 10.000 m2 nằm phía mặt tiền đường Trường Sơn.

Phần lớn phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai đã trở thành khu kinh doanh trò chơi và dịch vụ ăn uống 

Trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một số người dân sống gần đây cho biết, chỗ đất này của công viên trước đây là để trồng cây xanh, sau đó chuyển thành khu vui chơi có quy mô nhỏ để tạo sân chơi cho người dân và trẻ em. Tuy nhiên, đến nay đã bành trướng ra diện tích lớn với hàng chục trò chơi từ dân gian đến cảm giác mạnh. Ngay trong công viên, Công ty Thỏ Trắng đã lấy hàng trăm mét vuông đất để xây dựng căn nhà 2 tầng làm văn phòng điều hành của Công ty, khu y tế, bảo vệ…

“Vào đây tham quan thì không tốn vé vào cổng nhưng bán vé theo từng trò chơi, từ 20.000 - 40.000 đồng. Nếu ai định chơi nhiều thì sẽ mua vé trọn gói, có thể chơi thoải mái nhưng lại không áp dụng với các trò chơi đối tác của Công ty Thỏ Trắng”, anh Hoàn, người dân sống cạnh công viên cho biết.

Khu vui chơi Thỏ Trắng chiếm phần lớn diện tích đất của Công viên Lê Thị Riêng 

Còn tại Công viên 23/9 (quận 1, TP.HCM), một phần đất bên trong được sử dụng làm bãi xe buýt, sân khấu ca nhạc, quán cà phê, trung tâm thương mại ngầm… Nổi bật nhất là sân khấu Sen Hồng, kế bên là quán cà phê GM nằm ngay phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Nghĩa, được khai thác triệt từ sáng sớm tới tối khuya. Ngay sau sân khấu Sen Hồng là trung tâm thương mại dưới lòng đất cũng được tận dụng tối đa với nhiều nhà hàng ngoài trời phục vụ khách đến tận khuya.

Tình trạng cho thuê đất công viên để làm sân khấu, quán cà phê, sân bóng đá… cũng diễn ra tại Công viên Gia Định (quận Tân Bình, TP.HCM). Thậm chí, một phần diện tích ở đây bị cho thuê để xây dựng ki-ốt buôn bán và được sang nhượng nhiều lần.

Cần trả lại đúng công năng

Lý giải về việc xẻ mặt bằng Thảo Cầm Viên phía đường Nguyễn Thị Minh Khai để cho thuê, đại diện Công ty TNHH một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, do gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn chuyển từ cơ chế hoạt động bằng ngân sách sang cơ chế tự chủ tài chính, nên Công ty đã cho thuê một phần mặt bằng để tạo thêm dịch vụ, vừa có nguồn thu để trang trải, cải tạo Thảo Cầm Viên nhằm thu hút khách tham quan.

Bên trong Công viên Lê Thị Riêng còn được tận dụng để làm quán café và các ki-ốt bán hàng 

“Tuy là công viên nhưng Thảo Cầm Viên không giống với các công viên công cộng khác. Đây là doanh nghiệp nhà nước hoạt động với mục tiêu kinh doanh phải có lãi. Trong khi đó, mọi khoản chi từ chăm sóc, cải tạo khuôn viên, lương của cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là tiền thức ăn cho thú và chăm sóc thú vô cùng tốn kém, nếu chỉ trông chờ vào tiền thu vé khách tham quan thì không đủ”, vị này nói.

Mới đây, UBND TP.HCM đã có Công văn số 465/UBND-ĐT chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có Công ty TNHH một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, yêu cầu sử dụng đúng mục đích phụ vụ công cộng của công viên, không sử dụng diện tích đất của công viên để kinh doanh.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản thì đến nay, các dịch vụ kinh doanh vẫn chưa bàn giao khuôn viên phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai để Thảo Cầm Viên khai thác đúng công năng.

Cụ thể, khu vui chơi Rubik của Công ty cổ phần Đầu tư Phú Hoàng Gia vẫn hoạt động tấp nập. Thậm chí, vẫn còn treo băng - rôn quảng cáo khuyến mãi cho chường trình ăn uống.

Còn tại Công viên 23/9, lãnh đạo UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương chỉnh trang và quy hoạch Công viên 23/9 để trả lại đất công viên nhằm phục vụ cho sinh hoạt vui chơi của người dân thành phố.

 Sân khấu ca nhạc, quán cà phê và khu trung tâm thương mại ngầm được xây dựng ngay trên đất Công viên 23/9

Cụ thể, việc di dời các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe… trên đất công viên 23/9 được UBND Thành phố giao Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Tài chính, rà soát và đánh giá kỹ, chính xác tình trạng pháp lý của từng công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe… đang tồn tại ở công viên này để đề xuất với lãnh đạo Thành phố lộ trình di dời và phương án di dời phù hợp.

Đối với các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thấm quyền cho phép hoạt động, vẫn còn thời hạn thì báo cáo và đề xuất lộ trình và phương án di dời phù hợp.

Đối với các hoạt động đang gây mất an toàn, an ninh trật tự, mất vệ sinh môi trường, gây phản cảm hoặc hoạt động không phép thì phải báo cáo và đề xuất chấm dứt hoạt động ngay. Khu vực đang là mảng xanh thì tuyệt đối không được tổ chức kinh doanh, buôn bán làm xâm hại đến mảng xanh, phải tuyệt đối đảm bảo trật tự, vệ sinh cho nhân dân an tâm sinh hoạt cộng đồng tại công viên.

Về việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 toàn bộ khu vực Công viên 23-9, trước đây, UBND Thành phố có chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Cửu Long nghiên cứu lập quy hoạch tông mặt bằng và phương án thiết kế kiến trúc công trình khu vực công viên này tại Khu B (Công văn số 2300/UBND-ĐTMT ngày 27/4/2015 của UBND Thành phố). Tuy nhiên đến nay, đã gần 2 năm nhưng công tác lập quy hoạch vẫn chưa hoàn thành.

Do đó, để sớm có cơ sở triển khai chỉnh trang, đầu tư đồng bộ cảnh quan, hạ tầng và kết nối giao thông tại khu vực Công viên 23-9, UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Thành phố kế hoạch tổ chức, dự toán kinh phí lập quy hoạch chi tiết 1/500 đấu thầu chọn tư vấn khu vực Công viên 23-9.

 “Chủ trương của Thành phố là giữ gìn nơi nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của người dân. Tại mỗi công viên sẽ rà soát tính pháp lý của các cơ sở nằm trong đó và đưa ra giải pháp để giải quyết triệt để nếu có vi phạm”, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND Thành phố nhấn mạnh.               

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan