Cơ chế đặc thù tạo động lực bứt phá cho TP.HCM, trong đó có thị trường bất động sản. Ảnh: Lê Toàn

Cơ chế đặc thù tạo động lực bứt phá cho TP.HCM, trong đó có thị trường bất động sản. Ảnh: Lê Toàn

TP.HCM “bấm nút” khởi động siêu đô thị thông minh

(ĐTCK) TP.HCM đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh, trong đó việc cởi trói về thẩm quyền quản lý đất đai, đầu tư, cơ chế ủy quyền... sẽ là cú huých để Thành phố phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, từng bước trở thành một siêu đô thị.

Cơ chế đặc thù, chìa khóa tạo sự bứt phá

Trong những ngày đầu năm 2018, TP.HCM đã có nhiều hoạt động, chuẩn bị nhiều kế hoạch lớn cho sự phát triển của Thành phố. Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Thành phố vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, năm 2018, Thành phố sẽ tập trung triển khai nhiều dự án theo cơ chế chính sách đặc thù, tạo đột phá. Đây chính là thời cơ cách mạng để Thành phố phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, đồng thời cũng là trách nhiệm chính trị rất cao với người dân và với Đảng.

Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM, Nghị quyết 54 của Quốc hội là chìa khóa để phát huy những điểm đặc thù của Thành phố, cho Thành phố tự chi ngân sách, đáp ứng phục vụ người dân tốt hơn. Quốc hội cũng tạo cơ chế cho Thành phố vay vốn bằng ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, miễn không ảnh hưởng ngân sách quốc gia. Đồng thời, thu nhập cho cán bộ sẽ được tăng nếu có năng suất, hiệu quả cao hơn…

TP.HCM đã thông qua tất cả các văn bản cần thiết triển khai nghị quyết này, đang tập trung xây dựng 21 đề án cụ thể. Dự kiến, trong tháng 3, Thành phố trình nội dung phân cấp ủy quyền, tăng thu nhập cho cán bộ; điều chỉnh, bổ sung một số loại phí như phí dừng ôtô trên lòng lề đường trong nội đô, phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp...

Tháng 4, Thành phố thông qua đề án quản lý các doanh nghiệp nhà nước theo mô hình phù hợp. Tháng 5 sẽ trình đề án sắp xếp lại tên gọi một số đơn vị trực thuộc sở ngành để phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần và quy mô dân số. Tháng 9 sẽ đề xuất phương án gói phát hành trái phiếu địa phương…

“Thành phố xác định lộ trình đến năm 2020 phải làm được một số việc lớn, nhằm thể hiện trách nhiệm với Quốc hội, với nhân dân, phát huy thế mạnh để đóng góp vì cả nước", ông Nhân nói và cho biết, năm 2018, TP.HCM có những giải pháp rất quan trọng và sẽ phát huy tác dụng trong nhiều năm sau.

TP.HCM đã tìm được cơ chế tạo vốn, giải quyết các bức xúc xã hội. Điển hình, lâu nay rác thải chủ yếu đem chôn, nhưng sẽ giảm từ 76% xuống 50% vào năm 2020, xuống 20% năm 2025. Và lần đầu tiên, TP.HCM tổ chức kêu gọi nhà đầu tư cả nước biến rác thành điện.

 TP.HCM đang khởi động để trở thành một siêu đô thị trong tương lai. Ảnh: Lê Toàn

Hay Thành phố đang chuẩn bị tổ chức hội nghị giới thiệu dự án chỉnh trang 20.000 nhà trên kênh rạch trong 5 năm, với phương châm Nhà nước không mất tiền.

Mục tiêu này được thực hiện theo nguyên tắc người dân được tái định cư tại chỗ, đất ven sông thành đường đi, góp phần giảm ùn tắc giao thông, thỏa thuận với nhà đầu tư cho họ được kinh doanh khai thác đất dọc bờ sông. Dự kiến, 6-9 tháng nữa sẽ tổ chức đấu thầu, triển khai 1-2 dự án trước để rút kinh nghiệm, rồi phát triển những dự án còn lại.

Cơ chế phát triển đã được Quốc hội thông qua sẽ cho Thành phố cách làm để sử dụng nguồn lực tốt hơn; đầu tư, chăm lo cho đồng bào, cán bộ tốt hơn. Đề án đô thị thông minh vừa được công bố được kỳ vọng giúp chính quyền Thành phố quản lý tốt hơn, nâng tính dự báo chứ không để rơi vào thế bị động.

Tạo động lực cho thị trường địa ốc

Nhằm góp phần vào kế hoạch phát triển, chỉnh trang đô thị TP.HCM, cuối tuần qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và Hiệp hội Các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái hải ngoại (J-CODE) phối hợp tổ chức Hội thảo chỉnh trang và phát triển đô thị, nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm chỉnh trang và phát triển đô thị của Nhật Bản và Việt Nam, cũng như giới thiệu danh mục 193 dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn TP.HCM. Các dự án này gồm các dự án metro, cải tạo, di dời nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng…

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện có nhiều doanh nghiệp lớn Nhật Bản đã và đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam như Mitsubishi Estate, Tokyu, Mitsui, Sumitomo Corportation, Sumitomo Realty, Sumitomo Forestry, Taisei, Shimizu, Takenaka, Nomura Real Estate, Daiwa House, Fujita, Marubeni, AEON Mall, Hitachi, Nippon Steel, Nippon Koei, Toshin, Takashimaya…, trong đó một số doanh nghiệp đang tìm đối tác Việt Nam và đang đề nghị hợp tác đầu tư một số dự án tại Việt Nam như Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, chỉnh trang, tái thiết khu dân cư cũ lụp xụp theo phương thức tái điều chỉnh đất đai.

Vẫn theo ông Châu, năm 2018 là năm thị trường bất động sản mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. TP.HCM cũng đang xây dựng 19 chương trình để cụ thể hóa đi đôi với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh. 

Ông Châu dự báo, trong giai đoạn 2018 - 2020, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Thị trường sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị.

Ngoài ra, TP.HCM đang nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đất đô thị; xây dựng đô thị thông minh; chuyển hướng phát triển đô thị về khu vực cao phía Tây Bắc... Đó chính là cơ sở để định hướng phát triển thị trường bất động sản trong trung hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó, TP.HCM với dân số khoảng 13 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu người nhập cư và tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh (dự kiến thu nhập GDP bình quân đầu người của sẽ đạt khoảng 9.800 USD vào năm 2020), sẽ góp phần làm gia tăng nhu cầu tạo lập nhà ở và phát triển thị trường bất động sản.

Cũng theo ông Châu, dân số tăng cao và hạ tầng kết nối liên vùng ngày càng phát triển đã đưa quy mô thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính của Thành phố và đã có tính lan tỏa trong "Vùng TP.HCM", nhất là tại các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Tây Ninh.

Một điểm đáng chú ý của thị trường bất động sản TP.HCM trong thời gian tới, theo ông Châu, là xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ diễn ra một cách tất yếu. Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ phát triển mạnh hơn trước đây, trong đó có phần nhờ vào việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan