Người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm của các thương hiệu uy tín để đảm bảo chất lượng. Ảnh: Kim Đức

Người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm của các thương hiệu uy tín để đảm bảo chất lượng. Ảnh: Kim Đức

Sử dụng gỗ công nghiệp, chớ ham của rẻ

(ĐTCK) Sử dụng đồ nội thất bằng gỗ công nghiệp đang trở thành một xu hướng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, nếu ham của rẻ, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng kém chất lượng, không chỉ ảnh hưởng tới công năng sử dụng, mà còn cả sức khỏe của người sử dụng.

Khi gỗ công nghiệp đang ngày càng được ưa chuộng, thì có thông tin cho rằng, trong gỗ công nghiệp có chưa chất formaldehyde - một loại chất gây ung thư, khiến người sử dụng không khỏi lo lắng.

Theo các chuyên gia, chất formaldehyde sinh ra trong quá trình sản xuất gỗ công nghiệp ở khâu ép bột gỗ với bột nhựa và keo ở nhiệt độ cao. Trong thành phần keo UF, PF được sử dụng để giữ hình thái tấm gỗ được chắc chắn có chứa formaldehyde.

Đây là loại hợp chất hữu cơ không màu, dễ bay hơi và có khả năng chuyển sang thể khí ở điều kiện bình thường, mùi rất nồng, khó ngửi. Trong thực tế, chất này được dùng làm thuốc bảo quản trong nhà xác hay phòng thí nghiệm.

Đối với những sản phẩm nội thất dư thừa chất formaldehyde, khi mua về sẽ có mùi khó chịu xốc thẳng vào mũi và sử dụng sau một thời gian sẽ có hiện tượng mốc. Tuy nhiên, khách hàng sẽ khó có thể nhận biết được đồ nội thất mình mua có bị dư thừa formaldehyde hay không nếu sản phẩm đó được để lâu ngày trong kho, bởi lúc này, mùi nồng, sốc đã phân tán hết.

Theo nghiên cứu của Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), ô nhiễm không khí trong nhà được đánh giá nghiêm trọng và có mức độ gây tử vong cao nhất, vì có tới 80 - 90% hoạt động của con người diễn ra trong nhà. Một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà lớn nhất là từ đồ nội thất, đặc biệt là nội thất làm từ gỗ công nghiệp kém chất lượng.

Tại Việt Nam, năm 2012, Viện Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu tại 6 văn phòng trong 4 tòa nhà ở nội thành Hà Nội. Các tòa nhà này đều được xây dựng sau năm 2008, có kết cấu kín, sử dụng hệ thống thông gió điều hòa trung tâm.

Kết quả cho thấy, nồng độ CO2 trong không khí trung bình là 860 ppm (nơi cao nhất là 940 ppm), nồng độ formaldehyde là 0,023 ppm (cao nhất 0,046 ppm), nồng độ ozon là 0,067ppm (cao nhất là 0,091ppm), nồng độ các chất hữu cơ dễ bay hơi là 6,33 ppm, nồng độ bụi hô hấp là 0,208 mg/m3, các chỉ tiêu sinh vật như tổng nấm là 1285Sl/m3… Các kết quả này đều vượt quá mức độ cho phép.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Văn Lương, Chủ tịch Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Compact HPL (HPL Group) cho biết, lâu nay, nhiều người chỉ đề cập đến chất lượng không khí bên ngoài, mà ít quan tâm đến chất lượng không khí trong nhà, nơi mình ở, làm việc.

Trong đó, các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà bao gồm khí radon từ vật liệu xây dựng, khí phát tán từ việc đốt cháy nhiên liệu trong bếp, lò vi sóng, từ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ các sản phẩm như mỹ phẩm và chất tẩy rửa, các chất gây nhiễm khuẩn sinh học từ con người, vật nuôi, cây cảnh và đặc biệt là formaldehyde từ các sản phẩm gỗ ép như đồ nội thất, cửa… Tuy nhiên, không phải loại gỗ công nghiệp nào cũng có chứa chất độc hại này.

“Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại gỗ công nghiệp có giá thành khá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc, không được kiểm chứng chất lượng… Sử dụng các sản phẩm kém chất lượng này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng”, ông Lương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty cổ phần Gỗ An Cường cho biết, sử dụng gỗ công nghiệp là việc làm thiết thực góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng ham đồ rẻ, tìm mua những sản phẩm chất lượng kém, đồng nghĩa với việc tự đầu độc mình.

“Ở Việt Nam, các loại gỗ công nghiệp MFC, MDF, HDF chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia và một số đơn vị sản xuất trong nước. Trong đó, loại gỗ công nghiệp có xuất sứ từ Malaysia có chất lượng tốt hơn cả với hàm lượng formaldehyde đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, xét về giá thành, thì sản phẩm này đắt hơn 2 loại còn lại”, đại diện gỗ An Cường nói.

Theo các chuyên gia, trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm nội thất được làm từ gỗ công nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm  được sản xuất bởi các xưởng gia công, hộ sản xuất tại các làng nghề, nên khó kiểm soát formaldehyde trong sản phẩm nội thất. Do đó, bên cạnh lỗ lực của các doanh nghiệp là cung cấp ra thị trường những mặt hàng chất lượng tốt, thì cơ quan quản lý cũng cần phải có những tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng đối với mặt hàng gỗ công nghiệp này, tránh để những mặt hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan