Về chất lượng, nhiều sản phẩm nội thất Việt không kém gì các sản phẩm ngoại. Ảnh: Dũng Minh

Về chất lượng, nhiều sản phẩm nội thất Việt không kém gì các sản phẩm ngoại. Ảnh: Dũng Minh

Nội thất Việt tìm cách đối phó với “người lạ”

(ĐTCK) Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nội thất Việt Nam những năm gần đây đã thu hút nhiều tập đoàn nội thất nổi tiếng thế giới đến với Việt Nam và điều này đang tạo sức ép lớn với các doanh nghiệp nội thất trong nước.

Xuất hiện nhiều “người lạ mà quen”

Theo thông tin từ Ban tổ chức Triển lãm Vietbuild Hà Nội lần 1 năm 2018 diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, đây là triển lãm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của hơn 1.700 gian hàng từ gần 500 đơn vị, tăng mạnh so với con số 1.500 gian hàng tại kỳ Vietbuild cuối năng 2017 và 350 của Vietbuild Hà Nội năm 2016.

Trong đó, có 145 doanh nghiệp nước ngoài đến từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ như Pháp, Mỹ, Nga, Úc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc…, cao hơn gấp 2 lần so với con số 60 doanh nghiệp cuối năm 2017.

Có mặt tại Vietbuild Hà Nội 2018, hai ông lớn “lạ mà quen” đến từ Thụy Điển là Hennes & Mauritz AB (H&M) và IKEA đều thể hiện tham vọng chinh phục thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Nói “lạ mà quen”, bởi dù mới đặt chân vào Việt Nam, nhưng các sản phẩm vật dụng gia đình của IKEA rất quen thuộc với giới trung lưu trở lên ở các đô thị Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng là đối tác gia công cho hãng này.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nội thất ngoại xậm nhập  thị trường Việt Nam 

Trên thế giới, IKEA nổi tiếng với những cửa hàng khổng lồ, trưng bày đủ các loại vật dụng gia đình, phổ biến là nội thất, đồ làm bếp, đồ làm vườn, đồ gia dụng. Mỗi của hàng của hãng thường có kích cỡ bằng một nửa hàng bách hóa lớn với những gian trưng bày được thiết kế như những căn hộ hoàn chỉnh. Để tham quan hết một cửa hàng IKEA điển hình, khách hàng có thể mất tới nửa ngày.

Sự có mặt chính thức của IKEA tại Việt Nam báo hiệu sự hấp dẫn của thị trường nội thất Việt Nam, nhưng cũng gia tăng sự cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp nội.

Trước đó, thông qua NetClean, JYSK - thương hiệu đồ nội thất và trang trí đến từ Đan Mạch cũng đã thâm nhập thị trường đồ nội thất Việt Nam với cửa hàng đầu tiên tại AEON Mall.

Sản phẩm của JYSK cũng được người tiêu dùng Việt Nam khá ưu ái, khi những sản phẩm thông dụng phải đặt trước mới có hàng. Đơn vị này đặt kế hoạch đến năm 2020 sẽ phát triển khoảng 20 cửa hàng chính thức tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tại Việt Nam cũng có những nhà máy sản xuất gỗ nhân tạo lớn của các tập đoàn nước ngoài như Summitomo (Nhật Bản) ở Long An, hay Tập đoàn Dongwha (Hà Quốc) tại Bình Phước...

 Hệ thống phân phối vẫn là khâu yếu của các nhà sản xuất Việt Nam

Theo ghi nhận của các nhà bán lẻ, không nhiều sản nhà sản xuất nội thất trong nước có chiến lược bài bản trong việc phát triển hệ thống phân phối. Trong khi đó, các hãng nội thất nước ngoài tận dụng tiềm lực mạnh về tài chính và uy tín thương hiệu, đang đẩy mạnh hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm hoặc đại lý độc quyền, song song với việc hợp tác sản xuất sản phẩm với các doanh nghiệp nội ngay tại thị trường Việt Nam.

“Sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp ngoại giúp cho thị trường nội thất có chiều hướng tích cực hơn về chất lượng, mẫu mã và các chế độ đi kèm. Tuy nhiên, đây cũng chính là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp vật liệu nội thất Việt trên toàn mặt trận”, đại diện Công ty cổ phần Gỗ An Cường chia sẻ.

Và hành động của doanh nghiệp nội

Theo nhận định của giới chuyên gia, người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen khi mua hàng đồ nội thất là “thấy tận mắt, sờ tận tay”. Tuy nhiên, điểm yếu của các doanh nghiệp nội chính là hệ thống phân phối còn rất mỏng, do không kham được chi phí cao. Cùng với việc sản phẩm, mẫu mã còn đơn điệu, công tác truyền thông, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cũng hạn chế, khiến sức cạnh tranh bị giảm sút so với các đối thủ ngoại.

Đại diện Công ty Xây dựng nội thất Nhà Xinh cho biết, sở dĩ doanh nghiệp nội kém trong khâu quảng cáo, giới thiệu sản phẩm vì đa số doanh nghiệp chủ yếu chỉ thuần túy là nhà sản xuất. Một số nhà sản xuất các đồ truyền thống khá bảo thủ, nên không đầu tư mạnh, vì họ cho rằng, khách hàng phải tìm đến mình, chứ không cần phải đi tìm khách hàng.

Còn với những nhóm mới xuất hiện trên thị trường, dù ý thức được việc phải tìm kiếm khách hàng, nhưng lại thiếu về nguồn vốn, nên công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế. Các doanh nghiệp này chỉ giới thiệu bán hàng qua các trang mạng xã hội như Facebook, Google và trang website công ty, mà không chú ý đến quảng cáo thực tế (mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm) ở các trung tâm thương mại, các showroom, các chung cư để khách hàng tương tác nhiều hơn. Do đó, trong cuộc cạnh tranh này, doanh nghiệp Việt có phần yếu thế hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp nội thất Việt cũng không đứng im chịu trận, chấp nhận thua trên “sân nhà”, mà bắt đầu có những giải pháp, hướng đi mới.

Với góc độ một nhà phân phối sản phẩm, đại diện Công ty TNHH Hoàng Nam, chủ chuỗi siêu thị nội thất Phố Xinh cho biết, thực tế, nhiều sản phẩm vật liệu nội thất Việt Nam có chất lượng khá tốt, bền bỉ với thời gian, nhưng hình thức sản phẩm và vấn đề định vị thương hiệu cần phải cải tiến nhiều.

“Thực tế, người tiêu dùng có thể bỏ ra một số tiền cao hơn vài lần chỉ để mua một sản phẩm có thương hiệu quen thuộc, vì họ cảm thấy tin tưởng hoặc cảm thấy dùng sản phẩm nội thất này căn nhà họ sẽ đủ sang trong hơn. Đồng thời, một yếu tố nữa mà các doanh nghiệp cần quan tâm là dịch vụ chăm sóc khách hàng, chế độ bảo hành sản phẩm phải hoàn thiện hơn”, vị này nhận định.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thanh Thủy, đại diện Công ty Nội thất Xếp gọn cũng cho biết, trước sự đổ bộ của doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp nội địa muốn tồn tại trước hết phải thay đổi giá sản phẩm, cải tiến mẫu mã để phù hợp với thị trường.

Về hợp tác, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để tạo sức mạnh tập thể thông qua việc thành lập hiệp hội như Hiệp hội Bất động sản, Hiệp hội Nhựa…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đầu tư mạnh hơn các khâu quảng cáo, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng mạnh hơn và có nhiều chính sách ưu đãi hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên mở rộng thêm hệ thống phân phối. Vì thường các doanh nghiệp ngoại khi vào Việt Nam, việc đầu tiên họ làm là đẩy mạnh quảng cáo, giới thiệu sản phẩm để thu hút người tiêu dùng.

Ở một góc nhìn khác, ông Ngụy Thanh Vĩ, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Gỗ An Cường nhận định: “Các doanh nghiệp nội thất Việt Nam cần nhanh chóng tìm kiếm cơ hội bắt tay với các nhà phân phối chuyên nghiệp để có được thị phần tại sân nhà. Bên cạnh đó, việc hợp tác với doanh nghiệp ngoại sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng
Việt Nam”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan