Đồ họa: Ngọc Tuấn

Đồ họa: Ngọc Tuấn

M&A dự án: Rộng cửa cho doanh nghiệp có nguồn lực

(ĐTCK) “Cuối năm 2019, chúng tôi đàm phán mua lại một khu đất với mức giá 180 tỷ đồng, nhưng bên bán nhất quyết đòi 230 tỷ đồng. Vừa rồi họ báo đồng ý bán giá 180 tỷ đồng, nhưng chúng tôi chỉ chấp nhận mua giá 150 tỷ đồng…”, tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc lớn chia sẻ.

Rộng cửa cho M&A dự án

Năm 2019 và những năm trước đó, một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản là bài toán tạo lập quỹ đất để phát triển dự án, do thị trường phát triển mạnh, quỹ đất khan hiếm và giá được bên chào bán đưa ra cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, “cơn bão” Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nền đến thị trường bất động sản, nhiều dự án được triển khai, mở bán từ trước khi bùng phát dịch Covid-19, hiện nay đang có dấu hiệu chững lại. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu đuối sức, không còn khả năng thực hiện dự án buộc phải rao bán dự án.

Theo đại diện Công ty Savills, sau khi Covid-19 bùng phát, khách sạn là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, nếu chào bán khách sạn từ thời điểm này, bên bán phải xác định tình hình kinh doanh sụt giảm ảnh hưởng không nhỏ đến việc quyết định giá chuyển nhượng.

“Chúng tôi có ghi nhận một số dự án có nhu cầu chuyển nhượng, nhưng phần lớn các chủ doanh nghiệp sẽ ưu tiên chọn những tài sản ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hơn so với khách sạn, chẳng hạn như văn phòng, đất dự án. Hoặc tái cơ cấu dưới hình thức chuyển nhượng 50 - 70% cổ phần của công ty phát triển dự án”, đại diện Savills cho biết.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Phú Đông Group cho rằng, từ giữa năm 2019, thị trường bất động sản đã bộc lộ những khó khăn nhất định, song từ đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, đặc biệt là với các doanh nghiệp đã đầu tư mạnh trước đây không đủ dòng tiền xoay xở, buộc phải tìm cách bán bớt tài sản để xử lý.

Chính trong bối cảnh khó khăn này đôi khi lại hình thành nên những cơ hội mới cho thị trường, đó là cơ hội để các nhà phát triển bất động sản cơ cấu lại dòng sản phẩm phù hợp, tình trạng đầu cơ tích trữ đất đai sẽ trở lại trạng thái cân bằng hơn.

“Mới năm ngoái thôi, việc mua đất để phát triển dự án vô cùng khó, do người có đất không nhìn vào thực tế, hét giá rất cao. Nhưng thời gian gần đây, bắt đầu đã có nhiều người quay lại đặt vấn đề bán dự án với giá thấp hơn, nhưng không hề dễ bán. Tình trạng này sẽ còn phổ biến hơn thời gian tới”, ông Phúc nói và cho biết, đây có lẽ là giai đoạn tốt để nhiều doanh nghiệp tìm được cơ hội trong khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM cho biết, khác với thời điểm năm 2019, thay vì doanh nghiệp phải bỏ công tìm kiếm quỹ đất để mua nhưng không mua được, còn bây giờ bên có đất phải đi tìm người mua.

“Cuối năm 2019, chúng tôi đàm phán mua lại một khu đất với mức giá 180 tỷ đồng, nhưng bên bán nhất quyết đòi 230 tỷ đồng. Vừa rồi liên hệ lại với chúng tôi đồng ý bán giá 180 tỷ đồng, nhưng chúng tôi chỉ chấp nhận mua giá 150 tỷ đồng…”, vị tổng giám đốc này chia sẻ và cho rằng, trước năm 2019 và hiện nay, thị trường mua bán, chuyển nhượng (M&A) dự án đã có nhiều sự thay đổi, bởi ai cũng khó khăn, chỉ có những doanh nghiệp nào thực sự có nguồn lực và thương vụ phải thật sự hấp dẫn mới mua dự án lúc này. Hiện nay, chưa thể lường được sự khó khăn của thị trường bất động sản sẽ còn kéo dài đến khi nào.

Nhiều doanh nghiệp nắm bắt cơ hội

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, thời gian qua, thị trường chứng kiến khá nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.

“Savills Việt Nam vẫn nhận thấy sự quyết tâm cao độ của những nhóm đầu tư này, và tính từ 2019 đến nay, đã có một số dự án đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị ước tính hơn 500 triệu USD. Chúng tôi hy vọng rằng sau khi dịch đi qua, cộng với những chỉ thị rất quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua, sẽ có nhiều hơn các nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội và sớm có nhiều thành quả tốt đẹp”, ông Khương nhấn mạnh.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, sự khó khăn của thị trường bất động sản đã khiến không ít doanh nghiệp địa ốc đang trên bờ vực phá sản vì không còn đủ sức cầm cự. Tuy nhiên ngược lại, cũng có những doanh nghiệp nhờ có nguồn lực lại xem thời điểm này là cơ hội.

Theo nguồn tin mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản nắm được, mới đây Tập đoàn Hưng Thịnh đã chi một khoản tiền lớn để thực hiện nhiều thương vụ M&A quỹ đất, trong đó có khu đất quy mô diện tích hơn 1.000 ha tại Lâm Đồng. Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng mua lại nhiều dự án tại Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), trong đó đáng chú ý có dự án tại Nhơn Hội có quy mô diện tích lên đến hơn 1.000 ha. Dự án này đang được Hưng Thịnh lên kế hoạch triển khai, dự kiến sẽ biến dự án này thành một khu phức hợp nhà ở, biệt thự, khách sạn du lịch và nghỉ dưỡng đẳng cấp.

Một “đại gia” bất động sản đáng chú ý khác gần đây phải kể đến là Tập đoàn Danh Khôi. Liên tục thời gian gần đây, thị trường chứng kiến Danh Khôi âm thầm thực hiện nhiều thương vụ mua lại dự án.

Dù chưa công bố ra thị trường, song theo nguồn tin mà chúng tôi có được, Danh Khôi vừa chi hàng ngàn tỷ đồng để mua lại một dự án có vị trí kim cương bên dòng sông Hàn thơ mộng tại TP. Đà Nãng của một đối tác Nhật Bản.

Trước đó, Danh Khôi đã mua đứt một dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu để phát triển thành dự án Khu đô thị Baria City, hay gần đây là bắt tay với Phát Đạt để phát triển hàng loạt dự án có quy mô lên đến hàng trăm héc-ta tại Nhơn Hội, Bình Định với mục tiêu phát triển các dự án thành chuỗi dự án nhà ở, nghĩ dưỡng đẳng cấp.

“Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh việc đầu tư vào các phân khúc đất nền ven biển, mới đây chúng tôi đã khởi công xây dựng các block căn hộ ven biển ở Nhơn Hội, Bình Định”, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho biết.

Cũng mới đây, nguồn tin từ Danh Việt Group cho biết, doanh nghiệp này đã đàm phán mua lại một dự án căn hộ tại Bình Dương có quy mô hơn 1.000 căn hộ. Theo ông Trần Lê Thanh Hiển, Chủ tịch Danh Việt Group, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay chỉ mang tính tạm thời, còn về lâu dài, thị trường vẫn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

“Tôi cho rằng, đây là thời điểm để các doanh nghiệp tạo lập quỹ đất để phát triển dự án hơn bao giờ hết, vấn đề là doanh nghiệp làm sao lượng định và cân đối được dòng tiền, không nên sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính, còn với các doanh nghiệp có nguồn lực, thì thời điểm này là cơ hội”, ông Hiển nhận định.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan