Cuộc sống đô thị ngày càng cần những lá phổi xanh

Cuộc sống đô thị ngày càng cần những lá phổi xanh

Làm công trình xanh như “mở đường đi vào rừng”

(ĐTCK) Đó là chia sẻ rất chân thành của ông Luk Ban La, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang khi nói về cái khó của những người muốn vươn tới những tiêu chuẩn mới trên thị trường địa ốc.

Thay vì ngồi than trời tối…

Ông Luk Ban La tâm sự, Phúc Khang làm công trình xanh như một nhu cầu tự thân, bởi bản thân những người thành lập Tập đoàn cũng đều là dân nhập cư vào TP.HCM.

“Chúng tôi có xuất thân từ người nông dân nên luôn khao khát không gian xanh, không gian văn hóa, không gian sống truyền thống do cha ông để lại. Ban đầu, các dự án của Phúc Khang được triển khai một cách vô thức theo hướng này. Tuy nhiên, càng về sau, chúng tôi càng có nhiều sự điều chỉnh và đó thực sự trở thành tiêu chí trong phát triển của đơn vị”, ông Luk Ban La nói, nhưng cũng cho biết thêm rằng, là đơn vị tiên phong trong việc tạo lập tiêu chuẩn xanh Leed tại Việt Nam nên Phúc Khang gặp vô vàn khó khăn, thách thức và rào cản. Từ thiết kế, lựa chọn vật liệu cho đến pháp lý hay thực tế triển khai.

Trước sự phát triển ngày một chuyên nghiệp hơn của thị trường bất động sản, chất lượng sống được ưu tiên hơn, nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, để làm một công trình xanh hiện gặp rất nhiều rào cản về nhận thức, chi phí, thiết kế, lựa chọn vật liệu, hồ sơ pháp lý…

Mới đây, tại Hội thảo “Công trình xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Bá Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, theo các số liệu báo cáo, tính đến tháng 8/2017, trên địa bàn Thành phố đã có 7 công trình đạt được các chứng chỉ công trình xanh. Trong đó có 3 công trình chung cư, 2 công trình văn phòng, 1 công trình trường học và 1 công trình công nghiệp. Tuy nhiên, rất ít công trình đạt các chứng chỉ uy tín thế giới như chứng chỉ Leed, Edge…

Ông Nguyễn Bá Thành cho biết, một trong các biện pháp đã thực hiện trong mục tiêu tiết kiệm năng lượng của ngành xây dựng TP.HCM là đẩy mạnh việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung. Thành phố đã triển khai tích cực nội dung này, nhất là đối với những công trình xanh sử dụng vốn ngân sách.

Theo số liệu từ Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, hiện nay trên thị trường có chưa đến 100 công trình xanh đạt chuẩn đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau, con số này quá thấp so với các nước trên thế giới và khu vực. Đơn cử như tại Singapore có hơn 2.100 dự án xanh và hơn 750 công trình xanh tại Úc.

Công trình xanh phải bắt đầu từ những vật liệu bền vững, thân thiện 

Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, phát triển công trình xanh là hoạt động quan trọng nhằm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành. Trong nghiên cứu sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng tiêu chí cụ thể để đánh giá công trình xanh.

“Các nội dung của công trình xanh là kiến trúc xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, lựa chọn quy mô hợp lý và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời hoặc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường”, bà Linh nhấn mạnh.

… cần đi tìm những que diêm

Theo ông Luk Ban La, không chỉ vấn đề chi phí của chủ đầu tư bị dội lên khi triển khai dự án theo các tiêu chuẩn xanh, xét trên góc độ nhận thức, tư duy triển khai công trình xanh còn hạn chế là do nhận thức về lợi ích của loại sản phẩm này chưa thực sự đúng và đủ.

Các chủ đầu tư dự án trong nước vẫn còn e dè với chi phí đầu tư ban đầu hay quy trình chất lượng được thực thi và giám sát chặt sẽ làm thời gian thi công kéo dài, kéo theo việc giảm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, tâm lý nhiều người mua nhà vẫn có thói quen lấy giá bán làm tiêu chí quan trọng khi quyết định mua nhà để ở hay đầu tư. Yếu tố lợi ích lâu dài như tiết kiệm chi phí hay tính bền vững của công trình còn ít được quan tâm.

Về vấn đề này, theo bà Vũ Thị Kim Thoa, Trưởng đoàn Tư vấn Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam cho biết, lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng.

“Trên thực tế, các chủ đầu tư có quan tâm đến công trình xanh nhưng lại gặp nhiều trở ngại. Muốn xây dựng công trình xanh phải có kiến trúc sư am hiểu về nó, muốn làm công trình phải có tư vấn công trình xanh, phải có vật liệu xanh. Những nhân tố này ở ta chưa có đủ”, bà Thoa nhận định.

Hơn nữa, theo nhận định của giới chuyên gia, làm công trình xanh không chỉ là phần xây xanh ở trên mái mà vật liệu cũng phải xanh, tức là quá trình làm ra vật liệu xây dựng đó tốn ít dầu, ít than, ít điện, các kiến trúc sư, kỹ sư phải thiết kế hệ thống kỹ thuật trong công trình giảm năng lượng và sử dụng được năng lượng xanh và năng lượng sạch.

Cùng quan điểm này, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Capital House cho biết, khó khăn lớn nhất khi làm công trình xanh là tư duy. Nhiều người vẫn nghĩ rằng công trình xanh chỉ là nhiều cây, rất đắt tiền và khó thu hồi vốn. Một số chủ đầu tư vẫn nghĩ rằng sản phẩm này sẽ có mức chi phí cao hơn từ 10% đến 30% so với công trình bình thường. Chính điều này là rào cản không nhỏ cho việc phát triển các dự án xanh tại Việt Nam.

“Tuy nhiên, trong tương lai gần, việc phát triển công trình xanh đối với thị trường bất động sản là một xu hướng tất yếu mà sớm hay muộn các chủ đầu tư phải làm”, ông Bách nhận định.

Ở một góc nhìn khác, theo kiến trúc sư Nguyễn Huy Khanh, công trình xanh đang được hiểu như một thực thể công trình xây dựng theo nghĩa hẹp. Điều này không toát lên được ý nghĩa và tác dụng của nó đối với đời sống xã hội và cộng đồng.

Nếu nhìn kỹ vào hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh, ta sẽ thấy đằng sau đó chính là việc yêu cầu về một hệ sinh thái của các mối quan hệ tự nhiên và quan hệ xã hội: Công trình – môi trường xung quanh; con người – tự nhiên; chủ đầu tư – nhà thiết kế – người xây dựng – người vận hành – người sử dụng,…

Các mối quan hệ này luôn đòi hỏi ràng buộc về sự hài hoà, song song tồn tại một cách bền vững, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau. Để đạt được sự cân bằng này, ý thức về phát triển bền vững được hình thành ngay từ khi khởi động ý tưởng đầu tư và phát triển, thông qua những hành vi cụ thể, các khâu của dự án.

“Ý thức này trước hết phải được truyền dẫn từ chủ đầu tư, kiến trúc sư, qua các nhà thầu xây dựng rồi đến người sử dụng và vận hành công trình. Có như vậy mới hạn chế những khó khăn và thể hiện rõ nhất những lợi thế, đóng góp của công trình xanh đối với cộng đồng”, ông Khanh nhấn mạnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan