Trong nửa đầu năm 2019, đã có khá nhiều doanh nghiệp địa ốc gọi vốn ngoại thành công thông qua M&A. Ảnh: G.H

Trong nửa đầu năm 2019, đã có khá nhiều doanh nghiệp địa ốc gọi vốn ngoại thành công thông qua M&A. Ảnh: G.H

Kinh doanh địa ốc tìm vốn qua M&A

Khi nguồn vốn tín dụng ngân hàng đang bị siết dần và khách hàng không dễ xuống tiền nhanh như trước, các doanh nghiệp bất động sản hướng đến dòng vốn ngoại thông qua nhiều cách thức khác nhau, trong đó có mua bán - sáp nhập (M&A).

Bắt tay với doanh nghiệp ngoại

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group cho biết, doanh nghiệp này đang bắt tay với một doanh nghiệp Nhật Bản để thành lập một công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Thay vì rót vốn vào doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp Nhật sẽ rót khoảng 50% vốn vào công ty mới để phát triển dự án bất động sản. Cái bắt tay này dự kiến mang lại cho Phú Đông Group khoản vốn đáng kể để phát triển dự án mới.

Trong nửa đầu năm 2019, đã có khá nhiều doanh nghiệp địa ốc gọi vốn ngoại thành công thông qua M&A. Chẳng hạn, ngày 16/5, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Samty Asia Investments Pte. Ltd và một công ty phát triển bất động sản hàng đầu của Nhật Bản thông qua Quỹ Vietnam New Urban Center LP. Với văn bản ký kết này, Phát Đạt có trong tay số vốn đầu tư 22,5 triệu USD để phát triển dự án bất động sản.

Cũng trong ngày 16/5, Tập đoàn Vingroup và SK Group (Hàn Quốc) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, SK Group đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của VinCommerce.

Trước đó, ngày 12/6, Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures (thành viên của VinaCapital Group) chính thức công bố khoản đầu tư 4 triệu USD vào Công ty Công nghệ môi giới bất động sản Rever.

Không chỉ các công ty phát triển bất động sản, ngay cả các công ty xây dựng lớn cũng tìm dòng vốn ngoại. Ngày 23/4/2019, Công ty Xây dựng Hòa Bình phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu cho Hyundai Elevator Co.,Ltd, với giá chào bán 23.000 đồng/cổ phiếu (sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu năm 2018).

Sẽ còn nhiều thương vụ M&A lớn

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, hoạt động M&A diễn ra sôi động tại Việt Nam, trong đó bất động sản là lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn. Các hoạt động M&A bất động sản rất đa dạng, có những thương vụ mang giá trị lớn và lan tỏa ra cả thị trường châu Á. Bên cạnh đó, hoạt động M&A còn góp phần thúc đẩy thị trường tài chính, chứng khoán sôi động và hấp dẫn hơn.

“Tôi cho rằng, với sự hội nhập quốc tế của nền kinh tế Việt Nam nói chung, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm sáng về dòng vốn đầu tư, thì các hoạt động M&A bất động sản sẽ ngày càng sôi động”, ông Hoàng nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2019, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với việc nhiều đơn vị nước ngoài mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt thông qua M&A.

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai chính sách quản lý chặt chẽ dòng vốn ngân hàng vào bất động sản, M&A là một phương thức để các doanh nghiệp bất động sản giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và đa dạng hóa nguồn vốn. “Thông qua M&A, các doanh nghiệp địa ốc Việt Nam còn nâng cao tính chuyên nghiệp, quản lý minh bạch và năng lực khi triển khai dự án”, ông Hoàng nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) khuyến khích doanh nghiệp địa ốc trong nước liên kết với doanh nghiệp ngoại bằng những thương vụ M&A để có nguồn vốn phát triển, thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng như trước kia. Tuy nhiên, theo ông Châu, các doanh nghiệp bất động sản nên lựa chọn kỹ đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính. Không nên chỉ vì vốn mà nhắm mắt ký đại vào hợp đồng, để rồi gánh hậu quản nặng sau đó.

Nhiều thương vụ thất bại

 Bên cạnh những thương vụ gọi vốn thành công, cũng đã có những thương vụ thất bại, vì dù doanh nghiệp ngoại rất hào hứng rót vốn, nhưng trong các cuộc thương thảo, hai bên không thống nhất được những điểm chung. Không tìm được tiếng nói chung trong việc định giá là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều thương vụ M&A thất bại.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, hiện nay, tại TP.HCM, cứ 10 cuộc đàm phán M&A giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp ngoại, thì chỉ khoảng 3 thương vụ thành công.

Tin bài liên quan