Doanh nghiệp địa ốc mạnh tay huy động vốn trái phiếu

Doanh nghiệp địa ốc mạnh tay huy động vốn trái phiếu

(ĐTCK) Mật độ ngày càng nhiều doanh nghiệp địa ốc trong "lịch" phát hành trái phiếu sơ cấp cho thấy tiềm năng của kênh huy động vốn này, đặc biệt trong bối cảnh dòng tín dụng vào thị trường bất động sản ngày càng eo hẹp.

Vì sao trái phiếu doanh nghiệp "hot"?

Ghi nhận từ báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, từ đầu năm 2019 tới nay, đã có trên 60.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Trong đó, nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng đứng thứ hai về lượng trái phiếu phát hành với 16.230 tỷ đồng, chiếm 27% tổng số lượng giá trị trái phiếu phát hành ra.

Trước đó, số liệu của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho thấy, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng gần gấp đôi chỉ riêng trong năm 2018, với con số lên tới 224.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với năm trước đó. Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2018 là 474.500 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 8,6% GDP.

Các doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính. Rà soát các doanh nghiệp địa ốc đã và đang có ý định phát hành trái phiếu trong thời gian vừa qua, không quá khó để thấy sự xuất hiện của một loạt tên tuổi lớn như Vingroup, Novaland, Phát Đạt, Khang Điền, Hà Đô, Văn Phú, Hải Phát, Cường Thuận Idico, Đất Xanh, TTC Land, CII, TCH, PCC1…

Nếu như trước đây, thị trường trái phiếu gần như chỉ là "chuyện riêng" của ngân hàng và doanh nghiệp, thì những quy định mới mang tính mở hơn gần đây, đặc biệt là Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa ốc chủ động hơn trong việc huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài nới lỏng điều kiện về phát hành trái phiếu, các quy mới về công bố thông tin giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các thông tin về giao dịch trái phiếu và lựa chọn đầu tư.

Lãi suất là điều kiện cần, nhưng “lõi” doanh nghiệp mới là điều kiện đủ

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giám đốc đầu tư và quản lý danh mục đầu tư tại một ngân hàng lớn cho biết, trong vòng 1 năm trở lại đây, sức cầu của nhà đầu tư cá nhân đối với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng tích cực nhờ khả năng sinh lời cạnh tranh so với kênh đầu tư gửi tiết kiệm, trong khi thanh khoản tốt hơn nhờ sản phẩm được thiết kế linh hoạt với nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.

Mức lãi suất trung bình của toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp mang lại cho nhà đầu tư ghi nhận hiện nay khoảng 8%/năm, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm ở một số ngân hàng lớn dao động trong khoảng 5 - 6%/năm, đã tạo ra sức hấp dẫn cho sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp. Tùy theo lĩnh vực, mức lãi suất trái phiếu trái phiếu sẽ thay đổi từ xấp xỉ 7% đến 14,5%/năm. Trong đó, lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường có lãi suất cao (trên 10%/năm) so với các lĩnh vực khác.

Dẫu vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, mặc dù ưu điểm của phát hành trái phiếu là huy động được nguồn vốn rất lớn, nhưng săn dòng tiền từ kênh này không phải lúc nào cũng là câu chuyện dễ dàng.

"Doanh nghiệp muốn huy động vốn bằng kênh trái phiếu phải lưu ý tới nhiều tiêu chí, trong đó vấn đề minh bạch quản lý dòng vốn là điều kiện tiên quyết đầu tiên", ông Lực cho biết.

Ghi nhận thực tế, cách đây không lâu Công ty TNHH An Quý Hưng và công ty con Công ty TNHH An Quý Hưng Land đã chào bán 5.300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và được trả lãi 12%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên. Công ty không công bố phương án sử dụng vốn của đợt phát hành nhưng cho biết, tài sản bảo đảm của các trái phiếu do An Quý Hưng phát hành chính là số cổ phần của Vinaconex.

Được biết, An Quý Hưng đã mua gần 58% cổ phần của Vinaconex từ SCIC vào cuối năm ngoái. Tính theo giá thị trường, giá trị tài sản đảm bảo trị giá gần 7.000 tỷ đồng, cao hơn 32% so với quy mô vốn mà nhóm An Quý Hưng dự kiến huy động.

Mặc dù lãi suất cao và tài sản bảo đảm giá trị lớn, các trái phiếu của An Quý Hưng và An Quý Hưng Land không thu hút được nhà đầu tư nào quan tâm đặt mua trong đợt này. Trước đó, để có đủ số tiền mua cổ phần của Vinaconex từ SCIC, An Quý Hưng đã phải thế chấp nhiều tài sản để huy động vốn. Một trong số đó là các lô đất thuộc Dự án Geleximco - Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn cho Ngân hàng Indovina - Chi nhánh Thiên Long. Các lô đất nằm trong hợp đồng mua bán giữa An Quý Hưng và Tập đoàn
Geleximco có tổng giá trị khoảng 250 tỷ đồng, theo các biên bản định giá tài sản ngày 23/11/2018.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan