“Cứu tinh” của thị trường địa ốc

“Cứu tinh” của thị trường địa ốc

(ĐTCK) Ngày 8/8 này, Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ chính thức diễn ra tại TP.HCM.

Qua 10 năm tổ chức, Diễn đàn đã quy tụ trên 5.000 đại diện DN, gần 500 diễn giả trong nước và quốc tế… Và cũng trong khoảng thời gian này, thị trường M&A Việt Nam đã tăng gấp 10 lần về quy mô với khoảng 4.000 giao dịch có giá trị lên tới 48,8 tỷ USD và đạt mức kỷ lục 10,2 tỷ USD trong năm 2017.

Nhìn lại 10 năm qua, có thể thấy, không ngành nào mà dấu ấn của M&A lại rõ rệt như bất động sản.

Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu, trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã chia sẻ rằng, dù thị trường sôi động hay khó khăn, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đó là sự chuyển giao cần thiết, không chỉ giúp giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin, mà còn là điều kiện cần hướng thị trường đến cuộc chơi chuyên nghiệp.

Một cách hình ảnh hơn, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành từng ví von, có thể xem những cái tên như Novaland, Hưng Thịnh và nhiều cái tên khác như Đất Xanh, Him Lam, Vingroup, Văn Phú, Hải Phát… là những “người hùng” của thị trường bất động sản giai đoạn vừa qua.

Những “người hùng” đó dùng công cụ M&A để trở thành “cứu tinh” của thị trường địa ốc!

Điều này không hề là nói quá, bởi nhìn lại 10 năm trước, cuộc khủng hoảng bất động sản giai đoạn 2008 - 2013 đã để lại hậu quả là hàng nghìn dự án triển khai dang dở, tồn kho bất động sản lên tới cả trăm ngàn tỷ đồng và niềm tin của người dân vào thị trường gần như tan biến.

Rất nhiều chủ đầu tư tay ngang hoặc thiếu tiềm lực tài chính, chạy theo cơn sốt thị trường. Khi bong bóng thị trường xì hơi, lượng lớn chủ đầu tư mắc kẹt, phá sản, rời bỏ thị trường, thậm chí có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp dính vòng lao lý.

Có thể kể đến các dự án tại Hà Nội như Vina Megastar, Tricon Tower, AZ Lâm Viên, Habico Tower Phạm Văn Đồng, Nam Đàn Plaza, B5 Cầu Diễn, Ha Noi Times Tower, hay Usilk City, 99 Trần Bình… Các dự án này không những kéo theo chủ doanh nghiệp xoáy vào hố sâu, mà còn khiến nhiều khách hàng bị mắc kẹt, mất tiền và trở thành những "vết sẹo" nham nhở, khiến bộ mặt đô thị trở nên xấu xí.

Tại TP.HCM, sau 4 năm thị trường hồi phục, năm 2017 vẫn còn tới 500 dự án “trùm mền”, cho thấy con số dự án “bất động” lúc cao điểm nhiều như thế nào. Ở góc nhìn khác, cũng có thể tổng hợp số lượng dự án được những “người hùng” giải cứu để thấy được hiện trạng thị trường trong cơn khủng hoảng.

Theo nhẩm tính từ một lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Hưng Thịnh, trong 10 năm qua, thông qua hoạt động M&A, Công ty đã làm “hồi sinh” trên 50 dự án bất động sản. Tập đoàn Novaland cũng không hề kém cạnh với việc mua lại và làm hồi sinh hàng loạt dự án dọc dòng kênh Bến Nghé, kênh Tẻ và sông Sài Gòn, quận 4…

Nhiều dự án được các chủ đầu tư có tiền, có tầm mua lại và phát triển không chỉ hồi sinh cho chính nó, mà còn làm thay đổi bộ mặt cả một vùng đất, tạo thành lực hấp dẫn kéo các nhà đầu tư khác tìm đến.

Rõ ràng, trong một thập niên qua, thị trường bất động sản “đứng được” có vai trò trọng yếu của hoạt động M&A. Nhưng còn trong một thập niên tới, M&A sẽ đóng vai trò gì tại thị trường này?

Thực tế, hoạt động mua bán, chuyển nhượng dự án trong bối cảnh thị trường phát triển tốt sẽ phức tạp, khó khăn hơn. Chưa kể, với các tay đi săn dự án nội địa, sức ép cạnh tranh sẽ không nhỏ đến từ luồng vốn đầu tư nước ngoài, trong khi quỹ đất ngày càng khan hiếm.

Theo kinh nghiệm của ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital, có một số yếu tố cốt lõi quyết định thành công của một thương vụ M&A chính là thời gian, sự minh bạch và sự thành thạo về kỹ thuật/giao dịch.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nhiều nhà tư vấn nội địa cho rằng, với các dự án đủ lớn, việc mua đứt là không dễ. Trong bối cảnh thị trường hiện tại và sắp tới, tính tới việc hợp tác cùng đầu tư, cùng chia sẻ lợi nhuận có thể là cách tốt nhất để một thương vụ M&A địa ốc nhanh chóng đi vào chung kết.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan