Hội thảo được tổ chức với mong muốn tìm ra các hướng nghiên cứu tiềm năng trong việc xây dựng các thành phố tương lai.

Hội thảo được tổ chức với mong muốn tìm ra các hướng nghiên cứu tiềm năng trong việc xây dựng các thành phố tương lai.

Các nhà khoa học bàn về thành phố thông minh

(ĐTCK) Sáng ngày 11/7, Hội thảo Kết nối nhà khoa học về nghiên cứu phân tích dữ liệu cho đô thị tương lai (DAFCR 2018) đã chính thức được bắt đầu tại TP. Đà Nẵng.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối Nhà khoa học được tài trợ bởi Quỹ Newton, Đại học Aston (Vương quốc Anh), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK) và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng. Sự kiện sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 11/7 đến 13/7.

DAFCR 2018 có sự tham gia của nhiều diễn giả từ các quốc gia. 40 nhà nghiên cứu làm việc trong các lĩnh vực như thị giác máy tính, xử lý tín hiệu, mô hình hóa, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, phân tích thông tin xã hội, mô hình hóa toán học, mạng phức tạp kết hợp khoa học xã hội,…sẽ cùng thảo luận và tìm ra các hướng nghiên cứu tiềm năng trong việc xây dựng các thành phố tương lai, nhằm góp phần cải thiện các khía cạnh về phát triển kinh tế, an sinh xã hội và chất lượng môi trường sống đô thị.

Hội thảo năm nay tập trung vào việc nghiên cứu các phương pháp, kỹ thuật và ứng dụng mới của lĩnh vực phân tích dữ liệu vào phát triển bền vững các thành phố ở Vương quốc Anh, Việt Nam và nhiều quốc gia ASEAN khác.

Nổi bật là bốn chủ đề chính là: Phân bổ và quản lý tài nguyên cho phát triển đô thị; Điều hướng giao thông ở các thành phố lớn; Cá nhân hóa dịch vụ y tế; Giám sát và theo dõi phản hồi của công chúng về chính sách và sự kiện.

Các nhà khoa học bàn về thành phố thông minh ảnh 1

Điều hướng giao thông ở các thành phố lớn là vấn đề được đem ra thảo luận tại DAFCR 2018. Ảnh: Thành Nguyễn. 

DAFCR 2018 được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của một lĩnh vực quan trọng, mở đường cho việc ứng dụng phân tích dữ liệu trong cải thiện chất lượng cuộc sống con người; Mong muốn xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc cho các nhà khoa học về kỹ năng xây dựng tri thức từ dữ liệu lớn.

Đề tài xây dựng “Thành phố tương lai” hay còn gọi là “Thành phố thông minh” tại Hội thảo cũng gây được sự quan tâm,chú ý.

Đặc biệt khi nó đề cập đến nhiều lợi thế như các hệ thống điều phối thông minh sẽ điều hành giao thông; các mạng lưới thông tin năng lượng vận chuyển năng lượng và đồng thời hướng đến giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng dưới sự giám sát dòng dữ liệu.

Các công nghệ thông tin và truyền thông thông minh giúp kết nối mạng lưới và kiểm tra mọi lĩnh vực quan trọng như giao thông, quản lý hành chính, y tế, nhà ở, giáo dục và văn hoá.

DAFCR 2018 còn giúp kết nối các nhà khoa học cùng hợp tác với nhau thành các nhóm cộng tác để cùng nghiên cứu, viết đề xuất xin tài trợ hay nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia.

Nhờ vậy, các nhà nghiên cứu trẻ có thể phần nào xây dựng nền móng vững chắc cho những phát minh, nghiên cứu tiếp theo của họ.

Tin bài liên quan