Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Bức tranh thị trường vẫn sáng!

(ĐTCK) Dù ghi nhận có sự sụt giảm nhất định về doanh thu và lợi nhuận, nhưng nhìn chung, bức tranh hoạt động kinh doanh của ngành bất động sản trong quý I/2019 không quá kém lạc quan so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê sơ bộ từ 65/66 doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2019, quý vừa qua, tổng cộng các doanh nghiệp bất động sản đã tạo ra khoảng hơn 51.217 tỷ đồng doanh thu và khoảng 6.726 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trong đó, phần lớn các nhà phát triển có tên tuổi như Vingroup, Đất Xanh, Novaland, Hà Đô, Nam Long, LDG, SCR, CEO, LGL…. vẫn duy trì được phong độ ổn định nhờ vào sức cầu tiêu thụ ở các dự án vẫn ghi nhận tích cực.

Nếu xét tỷ lệ, con số này chỉ sụt giảm nhẹ lần lượt 5% và 13% so với cùng kỳ, trong khi đó nếu xét về con số tuyệt đối, nhóm ngành bất động sản trên thị trường cũng chỉ “hụt” khoảng lần lượt 2.894 tỷ đồng và 961 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận.

Những thống kê này cho thấy điều gì?

Kể từ thời điểm giữa năm ngoái, đặc biệt là những tháng cuối cùng của năm, không quá khó để nhận thấy bủa vây các thành viên thị trường là rất nhiều thông tin về diễn biến chung của thị trường địa ốc theo hướng không mấy triển vọng, thậm chí bi quan trong năm 2019.

Trên các diễn đàn, đặc biệt là các diễn đàn phi chính thức hay các trang thông tin điện tử, dày đặc các bài viết phân tích, nhận định của các chuyên gia được đăng tải thường xuyên, liên tục về những nguyên nhân dẫn đến khả năng cao thị trường "sẽ sụp đổ".

Từ những vấn đề biến động chính trị quốc tế như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Fed tăng lãi suất, Brexit…, đến biến động trong nước như các vụ thanh tra, điều tra… có liên quan đến các dự án, các chính sách thay đổi giật cục hay quy luật chu kỳ 10 năm… đều được coi là “sao quả tạ” đối với ngành bất động sản.

Có một điều trái ngược là hầu hết nhận định được cho là “nhuốm màu sắc bi quan” lại đến từ các chuyên gia, còn các thành viên đang trực tiếp tham gia vào thị trường thì có cái nhìn khá khác biệt.

Tại nhiều hội nghị gần đây, dù không chia sẻ khi được phỏng vấn chính thức, nhưng khi trà dư tửu hậu bên lề, không ít lãnh đạo doanh nghiệp cũng bày tỏ quan điểm và thái độ không hài lòng về những thông tin nhận định, phân tích tiêu cực mà lại thiếu căn cứ như đã được nêu trên.

Trên thực tế, không phủ nhận đang có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường, chẳng hạn như chính sách kiểm soát chặt chẽ tín dụng, bởi lẽ bởi lãi vay và chính sách cho vay vốn của hệ thống ngân hàng vẫn luôn gắn chặt với nhịp đập thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải siết tín dụng đưa ra là áp luôn, mà đã có lộ trình và được cơ quan điều hành chính sách tiền tệ nghiên cứu, lên dự thảo và lấy ý kiến đóng góp ý kiến từ trước đó rất lâu, đồng nghĩa doanh nghiệp và người dân đều đã có thời gian chuẩn bị và thích nghi dần với bối cảnh dòng tiền bị kiểm soát khi đi vay.

Bằng cớ là gần như tất cả các doanh nghiệp địa ốc niêm yết đều có một quý đầu năm kinh doanh không tệ so với cùng kỳ vài năm gần đây khi doanh thu và lợi nhuận chỉ giảm chút đỉnh.

Trở lại với số liệu thống kê ban đầu, cũng cần nói thêm, trong số nhiều doanh nghiệp thống kê nêu trên, cũng có nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm không phải vấn đề do thanh khoản dự án có vấn đề, mà lại xuất phát từ lý do quy trình thủ tục và bàn giao nhà gặp vướng mắc vì nhiều nguyên nhân, dẫn đến không thể hạch toán vào doanh thu và lợi nhuận như mong muốn.

Trong khi đó, một số dự án theo tiến độ triển khai lại chỉ có thể đưa vào hoàn thiện, bàn giao, hạch toán doanh thu vào thời điểm quý III, quý IV năm nay.

Tại mùa đại hội cổ đông thời gian vừa qua, các doanh nghiệp này cũng đã nêu rõ lý do và khẳng định rằng sẽ sớm thúc đẩy nhanh tiến độ bàn giao, và sẽ ghi nhận các kết quả kinh doanh tích cực ngay trong quý II, quý III, quý IV sắp tới.

Nghĩa là chỉ khơi thông được nguồn cung là thị trường lại vào quỹ đạo tăng trưởng!         

Tin bài liên quan