Đới với một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực xây dựng bất động sản, việc lấn sang ngành chăn nuôi để đa dạng hóa có vẻ khá kỳ lạ. Nhưng khi thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào tình trạng đóng băng, nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng về thịt lợn đã thúc đẩy doanh nghiệp này quyết định lấn sang ngành chăn nuôi.
Ngay cả trước khi có sự xuất hiện của Covid-19, các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã phải vật lộn trong bối cảnh nền kinh tế đang chậm lại và gánh nặng nợ nần nặng nề.
Đại dịch khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020, doanh số bán nhà giảm mạnh 35% và 105 công ty bất động sản vừa và nhỏ đã phá sản.
Vào tháng 3, Chủ tịch Vanke đã thẳng thắn tuyên bố rằng: “Sự sống còn là vấn đề thực sự hiện nay” khi công ty cảnh báo rằng sẽ chậm giao 39.000 căn nhà do chậm trễ xây dựng. Trong vài tuần qua, công ty này đã tìm kiếm những người chăn nuôi lợn đủ tiêu chuẩn để thực hiện dự án lấn sang ngành chăn nuôi của mình.
Mặc dù là một nhà phát triển bất động sản lấn sang ngành chăn nuôi có vẻ kỳ lạ, nhưng xét trong bối cảnh hiện nay, thì điều này khá hợp lý.
Trong vòng 1 năm qua, Trung Quốc tiêu thụ khoảng một nửa thịt lợn của thế giới. Lợn là một mặt hàng chủ lực quan trọng đến nỗi Chính phủ Trung Quốc phải duy trì dự trữ thịt lợn. Do sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi năm 2018, đã giết chết tới 60% đàn lợn của đất nước này, khiến giá cả đã tăng vọt, theo chuyên gia kinh tế Bloomberg.
Các đại gia bất động sản Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, điều tồi tệ đối với người tiêu dùng lại là lợi ích cho các nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất của Trung Quốc. Từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2020, giá cổ phiếu của Muyuan Food ware Co., nhà sản xuất lợn lớn thứ hai của Trung Quốc đã tăng 345%. Hiện tại, vốn hóa thị trường của các nhà sản xuất lợn lớn nhất của Trung Quốc đã tiệm cận với vốn hóa của các nhà phát triển bất động sản hàng đầu.
Các công ty ở Trung Quốc có truyền thống đầu tư mạnh mẽ vào một ngành hoàn toàn khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ, và đôi khi những khoản đầu tư này được thúc đẩy bởi chính phủ.
Trong năm 2018, Tập đoàn Evergrande Group của Trung Quốc, vốn là một nhà phát triển bất động sản lớn đã thành lập công ty sản xuất xe điện dưới với mong muốn tận dụng các khoản trợ cấp lớn của chính phủ.
Thịt lợn, mặc dù là một ngành công nghiệp kém kiểu cách hơn so với ô tô điện, nhưng cũng đã thu hút sự quan tâm của Chính phủ. Bắc Kinh đã tìm cách loại bỏ các trang trại quy mô nhỏ và thay vào đó là thành lập các trang trại lớn, được quản lý chặt chẽ, sản xuất các sản phẩm an toàn và dễ điều tiết.
Đối với Vanke, đầu tư một khoản tương đối nhỏ vào chăn nuôi lợn có lẽ sẽ giúp bôi trơn được một số hoạt động trong quá trình tìm kiếm sự chấp thuận của Nhà nước cho các dự án bất động sản trong tương lai, theo Adam Minter, chuyên gia kinh tế Bloomberg.
Bên cạnh đó, 2 trong số những đối thủ cạnh tranh lớn nhất cùa Vanke trong lĩnh vực bất động sản là Country Garden Holdings Co. và China Evergrande gần đây cũng tham gia kinh doanh thịt lợn.
Hiện tại, vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu những công ty tay ngang này có thể cạnh tranh lại với hàng triệu người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ của Trung Quốc hay không. Nhiều khả năng, họ sẽ cạnh tranh với nhau cho đến khi thị trường bất động sản phục hồi, các công ty này sẽ quay trở lại bán bất động sản nhà ở, chứ không phải là lợn hơi.
Tuy nhiên, đó cũng không phải là một kết quả xấu, vì trong giai đoạn hiện tại, Trung Quốc rất cần đầu tư vào việc cải thiện nguồn cung thực phẩm. Nếu các nhà phát triển bất động sản nổi tiếng này có thể sẵn sàng cung cấp vốn sang lĩnh vực đang cần này, thì đó có thể là lợi ích của tất cả mọi người, theo Adam Minter.