Theo đó, giá nhà ở Brazil chứng kiến tốc độ tăng trưởng chóng mặt, với 121,6% trong giai đoạn 2008 - 2013, cao hơn mức tăng 101,4% của thị trường Hồng Kông. Ở các thành phố lớn như São Paulo hay Rio de Janeiro, nơi diễn ra các trận đấu quan trọng của World Cup 2014, giá nhà đồng loạt tăng lần lượt 197% và 243% kể từ thời điểm tháng 1/2008 cho đến năm 2013, theo chỉ số thị trường nhà ở Brazil Fipe-Zap.
“Mua bất động sản ở Rio ngay lúc này là một hành động khôn ngoan”, Andrew Thompson, Giám đốc bán hàng của Tập đoàn phát triển bất động sản Ritz Property nói.
Đặc biệt, riêng khu vực TP. Curitiba vừa ghi nhận mức tăng giá nhà hàng năm cao nhất từ trước đến nay, với 37,3% chỉ trong năm 2013.
“Theo hệ thống dữ liệu của chúng tôi, giá nhà tại đây thậm chí còn tăng nhanh hơn trong suốt thời kỳ bong bóng nhà ở Hoa Kỳ”, Eduardo Zylberstajn, một trong những nhà sáng lập ra hệ thống chỉ số Fipe-Zap nói.
Với việc trở thành nước chủ nhà của 2 sự kiện thể thao nổi tiếng là FIFA World Cup 2014 và Summer Olympic Games 2016, Brazil đã trở thành môi trường đầu tư lý tưởng cho các tập đoàn lớn và nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước, góp phần đẩy mạnh nền kinh tế quốc gia này, trong đó, bất động sản là lĩnh vực chiếm nhiều ưu thế nhất hiện nay.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2014, khoảng 8 tỷ R$ (khoảng 3,6 tỷ USD) được đầu tư vào Rio de Janeiro để nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm trường học, trung tâm y tế, tiện nghi giao thông và nhà ở để chuẩn bị cho 2 sự kiện thể thao trên.
Bên cạnh đó, việc nới lỏng tín dụng, đi kèm với lãi suất cho vay giảm từ 26%/năm trong năm 2003, xuống còn 7,25%/năm vào năm 2012 cũng trở thành điều kiện hấp dẫn, thu hút nhiều nhà phát triển bất động sản trong và ngoài nước tới thị trường này.
Tuy nhiên, bên cạnh sức hút của 2 sự kiện thể thao lớn mang lại, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, thị trường bất động sản Brazil đang được định giá quá cao so với giá trị thực tế khoảng 50%.
Chuyên gia kinh tế Neil Shearing, ở Capital Economics đã lấy chỉ số Fipe-Zap làm ví dụ chứng minh rằng, chỉ số này vừa mới ra đời cách đây 6 năm và chỉ bao quát 2 khu vực là São Paulo và Rio de Janeiro, do đó không thể đánh giá đúng giá trị thực tế của thị trường.
Theo ông Shearing, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giá nhà tăng nhanh, bao gồm tiền lương tăng, chi tiêu tăng, lãi suất giảm. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ trợ cấp thế chấp cho những hộ gia đình có thu nhấp thấp của Chính phủ Brazil vào năm 2009 cũng kích thích nhu cầu mua bán bất động sản trong dân.
Chưa kể, hành động đầu cơ ồ ạt của nhiều nhà đầu tư, chủ yếu ở São Paulo và Rio de Janeiro cũng là lý do đẩy giá nhà tăng lên chóng mặt. Song theo chuyên gia Mauro Peixoto de Oliveira, thuộc Công ty Tư vấn bất động sản Embraesp, nguy cơ bong bóng bất động sản trên diện rộng ở Brazil khó có thể xảy ra, bởi bức tranh toàn cảnh thị trường nhìn chung còn khá ảm đạm. Mọi giao dịch sôi động chủ yếu diễn ra ở khu vực bất động sản thương mại, nằm trong những thành phố lớn, sầm uất.
Trên thực tế, tốc độ tăng giá nhà hàng năm của Brazil đã chậm lại kể từ năm 2013, khi giảm từ 20%, xuống còn 12% và dự kiến tiếp tục giảm xuống còn 10% trong năm 2014.
Nhà nghiên cứu Liam Bailley, thuộc Tổ chức Tư vấn bất động sản toàn cầu Knight Frank cũng đồng tình rằng, thực trạng phát triển nóng và không đều của thị trường bất động sản Brazil hiện nay thực sự chỉ làm cho môi trường ở đây kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Xét cho cùng, Brazil vẫn chỉ là thị trường với đa số nhà đầu tư nội địa.