Bất đồng giữa OPEC+ có thể đẩy giá dầu tăng cao

Bất đồng giữa OPEC+ có thể đẩy giá dầu tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) OPEC+ đang rơi vào khủng hoảng khi cuộc chiến ngày càng gay gắt giữa Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) làm ảnh hưởng tới thoả thuận tăng sản lượng dầu.

Liệu sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán này có thể khiến giá dầu thô leo lên mức 80 USD/thùng và có thể leo thang thành một cuộc xung đột gay gắt như trong cuộc chiến về giá năm ngoái hay không là điều các nhà đầu tư cũng như các nhà tiêu thụ dầu lớn đang lo ngại.

Sự ổn định của đà phục hồi kinh tế toàn cầu trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày càng tăng và khả năng của liên minh các nhà sản xuất trong việc duy trì quyền kiểm soát khó giành được thị phần đối với thị trường dầu mỏ đã gây áp lực lên thoả thuận.

Từ các công ty khai thác dầu mỏ quốc tế đến các công ty dầu khí Trung Đông cho biết, thị trường sẽ rất chú ý trong những ngày tới khi Riyadh và Abu Dhabi công bố giá và đàm phán khối lượng cho nguồn cung dầu thô tháng 8. Tuy nhiên các sự kiện có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar cho biết: “Chúng tôi không muốn một cuộc chiến về giá cả. Và chúng tôi không muốn giá dầu tăng cao hơn mức hiện tại”.

Cuộc họp chính sách bị huỷ

Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, OPEC+ tiếp tục huỷ cuộc họp chính sách trong hôm thứ Hai (5/7). Bất đồng về cách thức đo lường việc cắt giảm sản lượng đã khiến một thỏa thuận dự kiến ​​thúc đẩy sản lượng và nhanh chóng trở thành một cuộc đấu khẩu cá nhân và công khai bất thường giữa Ả Rập Xê Út và UAE.

Lần cuối cùng hai quốc gia xung đột về chính sách dầu mỏ là vào tháng 12/2020 và UAE đã đưa ra ý tưởng rút khỏi các thoả thuận chung. Cuộc tranh chấp đó kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, nhưng sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán lần này nghiêm trọng đến mức cả nhóm thậm chí không thể thống nhất được ngày cho cuộc họp tiếp theo.

Hệ quả ngay lập tức của sự sụp đổ trong các cuộc đàm phán là việc tăng sản lượng dự kiến ​​cho tháng 8 sẽ không diễn ra, khiến thị trường có thể thiếu hụt sản lượng dầu ngay khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Sau thông tin này, giá dầu thô lần đầu tiên tăng trên 77 USD/thùng sau hơn hai năm.

Giovanni Staunovo, nhà phân tích hàng hóa tại UBS Group AG cho biết: “Với thị trường dầu đã thâm hụt và tăng trưởng nguồn cung làm giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu, việc tiếp tục giới hạn sản lượng OPEC+ hiện có có thể khiến giá tăng cao hơn”.

Trong trung hạn, sự phân chia có thể có tác động ngược lại và có thể mang lại giá thấp hơn khi các quốc gia tranh giành vị thế và bắt đầu bơm nhiều thùng dầu hơn. Nhưng nhà phân tích Staunovo cho biết khả năng xảy ra điều này là thấp.

Áp lực lên người tiêu dùng

Những nhà tiêu thụ dầu lớn sẽ chú ý đến sự thất bại của thoả thuận. Trong vòng vài giờ sau cuộc họp OPEC+ bị huỷ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thúc giục nhóm cùng hành động.

Người phát ngôn cho biết Nhà Trắng đang “theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán OPEC+ và tác động của chúng đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Các quan chức hành chính đã làm việc với các thủ đô có liên quan để thúc giục một giải pháp thỏa hiệp sẽ cho phép tăng sản lượng được đề xuất trong tương lai”.

OPEC+ đã phục hồi một số nguồn cung dầu thô mà họ đã ngừng cung cấp vào năm ngoái trong giai đoạn đầu của đại dịch. Liên minh 23 quốc gia đã quyết định bổ sung khoảng 2 triệu thùng/ngày vào thị trường từ tháng 5 đến tháng 7.

Dữ liệu riêng của OPEC+ cho thấy rằng, lượng dầu tồn kho đã từng tăng trở lại mức trung bình khi mức tiêu thụ nhiên liệu tiếp tục phục hồi. Tuần trước, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết, nhu cầu trong nửa cuối năm sẽ cao hơn 5 triệu thùng/ngày so với 6 tháng đầu năm.

Người đề xuất chính trong việc tăng sản lượng là Nga. Các công ty của họ đang muốn tăng sản lượng, trong khi giá xăng trong nước tăng là một vấn đề ngày càng quan trọng trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9.

Bộ trưởng dầu mỏ của Iraq cho biết, ông hy vọng sẽ "chứng kiến ​​một ngày" trong vòng 10 ngày tới cho một cuộc họp OPEC+ khác để có thể đạt được một thỏa thuận làm hài lòng tất cả mọi người. Trong khi đó, ông hy vọng các thành viên sẽ tiếp tục tôn trọng hạn ngạch sản xuất hiện có của họ và cho biết tác động lên giá cả sẽ chỉ là tạm thời.

“Thị trường đã mong đợi một sự bổ sung sản lượng nhỏ trong những tháng tới, sự chậm trễ trong thỏa thuận đã dẫn đến việc giá dầu tăng nhẹ. Giá có thể giảm nếu OPEC đồng ý tăng xuất khẩu”, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar cho biết.

Tin bài liên quan