Ngay sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 5 nước đối tác được ký sáng Chủ nhật 15/11, các thị trường chứng khoán châu Á đã phản ứng tích cực với thông tin này trong phiên giao dịch ngày hôm nay (16/11).
RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên của ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Theo giới chuyên gia, FTA này đã tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới mà không có sự tham gia của Mỹ. RCEP tạo ra một thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng và tổng GDP 26,2 ngàn tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 30% GDP toàn cầu.
Kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế và thương mại giữa các quốc gia tham gia FTA này đã đẩy chỉ số chứng khoán của các quốc gia khu vực tiếp tục gia tăng.
Tại Nhật, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 2%, trong khi chỉ số Topix tăng 1,68%.
Các số liệu thống kê được công bố hôm nay cho thấy nền kinh tế Nhật đã tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3 năm nay, đạt mức 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý trước thì mức tăng GDP của Nhật trong quý này đạt tới 5%, vượt mức dự báo trước đó là 4,4%. Điều này cho thấy kinh tế Nhật đang phục hồi mạnh mẽ sau khi quốc gia này dần khống chế được dịch bệnh Covid-19.
Tại Hàn Quốc, chỉ số chứng khoán Kospi cũng đã tăng gần 2%.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composit tăng 1,11% còn chỉ số Shenzhen tăng 0,7 % trong phiên giao dịch đầu tuần. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng 6,9%, vượt mức dự báo, trong khi doanh số bán lẻ tiếp tục phục hồi, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo là 4,9%.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng tăng 0,84%. Cổ phiếu của ngành tài chính và các công ty cung cấp dịch vụ casino tăng mạnh. Giá cổ phiếu của các ông lớn ngân hàng như Standard Chartered hay HSBC đều tăng quanh mức 4%.
Theo đánh giá của Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản, RCEP là một hiệp định hểt sức cần thiết, góp phần thúc đẩy thương mại toàn cầu.
“Phạm vi và tham vọng của RCEP là nhằm xóa bỏ 92% dòng thuế đối với hàng hóa. Điều này là hết sức quan trọng đối với việc phát triển các chuỗi cung ứng”, Mizuho nhận định.
Việc Nhật là đối tác tham gia ký kết RCEP đã đẩy giá cổ phiếu của nhiều tập đoàn Nhật có hoạt động xuất khẩu lớn tăng mạnh. Trong đó đáng chú ý là cổ phiếu của các hãng sản xuất xe hơi như Nissan, Mazda, Mitsubishi hay Honda.
Cổ phiếu của các công ty công nghệ tại nước này cũng tăng mạnh. Chẳng hạn Tokyo Electron tăng 5,45%, Panasonic tăng 5,25%. Cổ phiếu của Softbank cũng tăng 1%.
Trong khi đó tại Hàn Quốc, cổ phiếu của các công ty công nghệ cũng tăng điểm. Đáng chú ý nhất là cổ phiếu của Samsung Electronics tăng 3,64%, còn cổ phiếu của SK Hynix thì tăng tới hơn 6%.
Không giống như các thị trường chứng khoán châu Á khác, thị trường chứng khoán Việt Nam lại có một phiên giảm điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay, mặc dù VN-Index đã có 20 phút đầu tiên tăng điểm, đứng ở mức 950,8 điểm vào cuối phiên, giảm 15,5 điểm, tương đương 1,6%.
Có lẽ những lo ngại về việc VN-Index tạo đỉnh kép và thông tin về ca nghi nhiễm Covid-19 tại Hà Nội xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng trong sáng nay (nhưng sau đó đã được khẳng định lại là âm tính nhưng vẫn cần được theo dõi thêm) đã làm mờ đi tác động tích cực của việc ký kết RCEP đối với thị trường chứng khoán Việt Nam về tổng thể.
Tuy nhiên, tương tự như sự chuyển động của cổ phiếu các công ty sản xuất xe hơi tại Nhật, cổ phiếu của Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (mã HAX) trên sàn HOSE lại có một phiên tăng điểm ấn tượng.
Có một số thời điểm cổ phiếu HAX tăng trần, kết phiên ở mức giá 17.600 đồng/cổ phiếu, tăng 6,34% so với mức giá tham chiếu. Trong khi đó cổ phiếu VEA của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp tăng 1,3%.
Về dài hạn, các chuyên gia kinh tế và chứng khoán đều nhận định rằng, RCEP sẽ góp phần mở rộng không gian kinh tế của Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Việt. Đây sẽ là một trong những động lực đẩy giá cổ phiếu của những công ty tận dụng được cơ hội thị trường này trong tương lai.