Đầu ngày thứ Sáu, báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ đã gây thất vọng cho giới đầu tư. Cụ thể, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra thêm 245.000 việc làm trong tháng 11, thấp hơn nhiều so với dự báo 469.000 việc làm mới và là mức thấp nhất trong 6 tháng qua.
Các nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế nước này có thể sẽ đi ngang hoặc quay lại tăng trưởng âm trong một hoặc hai quý tới. Dù vậy, điều này tiếp tục củng cố kỳ vọng có thêm gói kích thích tài chính để vực dậy nền kinh tế sau suy thoái.
Tín hiệu được các nhà lập pháp tại Washington phát đi hôm thứ Sáu càng tiếp thêm hy vọng cho thị trường.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, các cuộc đàm phán về gói viện trợ bổ sung đang tiến triển và báo cáo việc làm tháng 11 yếu hơn dự kiến đã tạo thêm nhiều lý do hơn để Quốc hội hành động.
Trước đó, Lãnh đạo phe Cộng hoà chiếm Đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cũng cho biết, gói viện trợ kinh tế hoàn toàn có khả năng được thông qua.
Mặc dù thị trường lao động đang ở trong tình trạng tồi tệ, các dữ liệu kinh tế khác cho thấy tình hình khả quan hơn đôi chút. Đơn đặt hàng hàng tại các nhà máy ở Mỹ đã tăng 1% trong tháng 10 và ghi nhận tăng tháng thứ sáu liên tiếp, Bộ Thương mại cho biết hôm thứ Sáu.
Các chỉ số chính của Phố Wall đều tăng lên mức cao kỷ lục mới trong phiên 4/12 và kết thúc tuần giao dịch này trong sắc xanh.
Kết thúc phiên 4/12, chỉ số Dow Jones tăng 248,74 điểm (+0,83%), lên 30.218,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,40 điểm (+0,88%), lên 3.638,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 87,05 điểm (+0,70%), lên 12.464,23 điểm.
Tính chung cả tuần, S&P 500 tăng 1,67%, Nasdaq Composite tăng 2,53% và Dow Jones tăng 1,03%.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên giao dịch tích cực nhờ đà tăng của cổ phiếu ngành năng lượng. Ngoài ra, thị trường cũng bị tác động phần nào với những thông tin không chắc chắn xung quanh thoả thuận hậu Brexit. Các quan chức Liên minh châu Âu cho biết thỏa thuận cuối cùng có thể được ký kết vào cuối tuần song London khẳng định rằng các cuộc đàm phán vẫn còn "rất khó khăn".
Kết thúc phiên 4/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 59,96 điểm (+0,92%), lên 6.550,23 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 46,10 điểm (+0,357%), lên 13.298,96 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 34,78 điểm (+0,62%), lên 5.609,15 điểm.
Tính chung tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 2,87%, chỉ số DAX giảm 0,28% và CAC40 tăng 0,20%.
Chứng khoán châu Á kết thúc tuần với phiên giao dịch khá ảm đảm.
Chứng khoán Nhật Bản giảm do tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng hơn sau khi hãng dược phẩm Pfizer cho biết, hãng đang đối mặt với những trở ngại trong chuỗi cung ứng liên quan đến quá trình sản xuất vắc-xin Covid-19.
Chứng khoán Trung Quốc phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ do ảnh hưởng bởi căng thẳng leo thang trong quan hệ với Mỹ, nhưng may mắn nhích lên trên tham chiếu ở những phút cuối.
Kết thúc phiên 4/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 58,13 điểm (-0,22%), xuống 26.751,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,45 điểm (+0,07%), lên 3.444,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 107,42 điểm (+0,40%), lên 26.835,92 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 35,23 điểm (+1,31%), lên 2.731,45 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,40%, chỉ số Shanghai Composite tang 1,06%, chỉ số Hang Seng giảm 0,22% và chỉ số KOSPI tăng 3,72%.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu chững lại, sau 4 phiên liên tiếp ghi nhận đà phục hồi mạnh trước đó.
Kết thúc phiên 4/12, giá vàng giao ngay giảm 3,20 USD (-0,17%), xuống 1.838,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 ngay giảm 1,10 USD (-0,06%), xuống 1.840,00 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,8%, giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 2,9%.
Tuần này, thị trường có vẻ khá lạc quan với giá vàng. Trong số 14 chuyên gia trên phố Wall tham gia khảo sát của Kitco, có 10 người, chiếm 71%, dự báo vàng sẽ tăng giá. Chỉ có 1 người, chiếm. 53%, cho rằng giá vàng giảm và 3 người, chiếm 21%, dự báo giá vàng đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến, trong số 1.147 người tham gia, có 743 người, tương đương 65%, tin rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này. 231 người khác, chiếm 20%, cho rằng giá vàng sẽ giảm và 173 người còn lại, chiếm 15%, có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu tiếp tục tăng nhờ những tác động tích cực từ quyết định chính thức về việc cắt giảm sản lượng của OPEC+.
OPEC và Nga hôm thứ Năm đã nhất trí giảm sản lượng dầu giảm sâu 500.000 thùng/ngày kể từ tháng Giêng, nhưng không đạt được thỏa hiệp về một chính sách rộng rãi hơn trong thời gian còn lại của năm tới.
OPEC + dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm hiện tại cho đến ít nhất là tháng 3, sau khi lùi kế hoạch tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày.
Sau cuộc họp hôm 3/12, OPEC+ đã nhất trí chỉ tăng sản lượng ở mức khiêm tốn 500.000 thùng/ngày từ tháng 1/2021.
Như vậy, OPEC và Nga cùng các đồng minh từ 1/1/2021 sẽ cắt giảm sản lượng ở mức 7,2 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nhu cầu toàn cầu, giảm nhẹ so với mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày trong thoả thuận hiện tại có hiệu lực đến hết năm nay. OPEC+ dự kiến sẽ kéo dài các đợt cắt giảm này cho đến ít nhất là tháng 3 năm sau.
Ngoài ra, hy vọng về gói kích thích tài chính bổ sung cũng tiếp thêm động lực cho giá dầu.
Kết thúc phiên 4/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,62 USD (+1,32%), lên 46,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,54 USD (+1,10%), lên 49,25 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu WTI tăng 1,6%, giá dầu Brent tăng 2,2%.