Bất chấp dịch bệnh, giới đầu tư vẫn tự tin gom hàng

Bất chấp dịch bệnh, giới đầu tư vẫn tự tin gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall khởi sắc trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (4/8) khi thị trường lạc quan trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh bất chấp những lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh do biến thể Delta gây ra.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, với việc trải qua mùa báo cáo tích cực như hiện tại, lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 được ước tính tăng khoảng 90% trong quý II/2021, cao hơn nhiều với so với mức dự báo 65,4% được đưa vào đầu tháng 7.

Tuần này, hai dữ liệu kinh tế quan trọng sẽ được công bố là chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ và báo cáo việc làm cho tháng 7. Đây sẽ là những dữ liệu ảnh hưởng lớn tới tâm lý giới đầu tư.

Trong khi đó, việc thắt chặt các quy định trên thị trường ở Trung Quốc khiến lĩnh vực công nghệ toàn cầu lo lắng.

Cổ phiếu của các công ty trò chơi trực tuyến được niêm yết tại Mỹ và châu Âu giảm sau đợt bán tháo mạnh mẽ cổ phiếu của Tencent, tập đoàn trò chơi trực tuyến và truyền thông xã hội khổng lồ của Trung Quốc. Giới đầu tư lo ngại lĩnh vực trò chơi trực tuyến có thể là đang mục tiêu trong tầm ngắm của các nhà quản lý Bắc Kinh.

Hàng loạt cổ phiếu công nghệ lớn cũng bị bán tháo trong phiên đêm qua, bao gồm Netflix, Tesla và Facebook. Duy nhất Apple tăng nhờ lực cầu bắt đáy sau đợt sụt giảm vào tuần trước.

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Ba công bố dữ liệu cho thấy, đơn đặt hàng tại các nhà máy ở Mỹ tăng 1,5% trong tháng 6 sau khi tăng 2,3% trong tháng 5, cao hơn so với mức 1% được giới chuyên gia dự báo.

Mặt khác, Nhà Trắng thông báo thông báo, Mỹ đã đạt mốc tiêm được ít nhất một liều vắc xin Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên). Dù vậy, mục tiêu này đạt được chậm hơn một tháng so với kỳ vọng ban đầu của Tổng thống Joe Biden là trước Quốc khánh Mỹ (4/7).

Mặc dù vậy, tỷ lệ này vẫn chưa làm chính quyền yên tâm khi dịch vẫn nóng tại một số khu vực. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, Mỹ cần có ít nhất 80% dân số được tiêm vắc xin thì mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng.

Kết thúc phiên 3/8, chỉ số Dow Jones tăng 278,24 điểm (+0,80%), lên 35.116,4 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,99 điểm (+0,82%), lên 4.423,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 80,23 điểm (+0,55%), lên 14.761,30 điểm.

Kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ các các công ty lớn như BP hay Societe Generale giúp chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giao dịch sôi động vào thứ Ba, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi lo ngại về dịch bệnh và các động thái chấn chỉnh thị trường tại Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Refinitiv, trong số hơn một nửa doanh nghiệp thuộc STOXX 600 đã công bố báo cáo cho đến nay, 66% vượt kỳ vọng. Lợi nhuận của cũng STOXX 600 dự kiến ​​sẽ tăng gần 140% trong quý II vừa qua. Doanh nghiệp làm ăn tốt và các chỉ số kinh tế được cải thiện khiến triển vọng của chứng khoán châu Âu trong năm nay trở nên sáng sủa.

Kết thúc phiên 3/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 24,00 điểm (+0,34%), lên 7.105,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 13,65 điểm (-0,09%), xuống 15.555,08 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 47,91 điểm (+0,72%), lên 6.723,81 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm trong bối cảnh các trường hợp nhiễm mới Covid-19 gia tăng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, đồng thời cổ phiếu trò chơi trực tuyến lao dốc sau khi truyền thông Trung Quốc gọi các trò chơi trực tuyến là “thuốc phiện tinh thần”.

Chứng khoán Trung Quốc giảm với nhóm cổ phiếu công nghệ lùi bước do những lo ngại về các quy định chặt chẽ hơn từ Bắc Kinh.

Chứng khoán Hồng Kông giảm do đà đi xuống của cổ phiếu công nghệ với Tencent bị bán tháo trên diện rộng trước những lo ngại Bắc Kinh sẽ thắt chặt thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ nhờ cổ phiếu các công ty sản xuất chip và các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng, mặc dù đà tăng bị giới hạn bởi những lo ngại về dịch bệnh.

Kết thúc phiên 3/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 139,19 điểm (-0,50%), xuống 27.641,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,29 điểm (-0,47%), xuống 3.447,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 40,98 điểm (-0,16%), xuống 26.194,82 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 14,10 điểm (+0,44%), lên 3.237,14 điểm.

Giá vàng tiếp tục giảm trong phiên đêm qua khi thị trường chờ đợi Mỹ công bố số liệu việc làm vào cuối tuần.

Kết thúc phiên 3/8, giá vàng giao ngay giảm 2,80 USD (-0,15%), xuống 1.810,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 8,10 USD (-0,44%), xuống 1.814,10 USD/ounce.

Giá dầu kéo dài đà giảm sang phiên ngày thứ Ba do lo ngại về sự lây lan chóng mặt của biến thể delta gây ra Covid-19.

Tại Trung Quốc, sự lây lan của biến thể lây lan khắp nhiều tỉnh thành khiến các nhà chức trách phải áp dụng trở lại các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát sự bùng phát.

Trong khi đó, Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 879.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 30/7. Dữ liệu cho thấy tồn kho sản phẩm chưng cất của Mỹ, bao gồm cả dầu diesel, giảm 717.000 thùng và dự trữ xăng của Mỹ giảm 5,8 triệu thùng.

Kết thúc phiên 3/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,70 USD (-0,98%), xuống 70,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,48 USD (-0,66%), xuống 72,41 USD/thùng.

Tin bài liên quan