Bất chấp cảnh báo, ngân hàng vẫn ồ ạt đẩy vay tiêu dùng

Bất chấp cảnh báo, ngân hàng vẫn ồ ạt đẩy vay tiêu dùng

(ĐTCK) Đón đầu mùa tiêu thụ cuối năm, các nhà băng đang không ngừng tung ra thị trường nhiều gói vốn cho vay tiêu dùng lãi suất còn thấp hơn cả trần huy động đầu vào 7%/năm, thậm chí còn bằng 0%/năm. Tuy nhiên, kèm theo đó là rủi ro nợ xấu gia tăng.

Dồn vốn cho vay tiêu dùng

Không thể kỳ vọng tăng trưởng từ khối khách hàng doanh nghiệp nên mảng tín dụng cá nhân đang được nhà băng đẩy mạnh khai thác. Trong đó, vay tiêu dùng, thẻ tín dụng và vay mua, sửa chữa nhà… có dấu hiệu tăng trưởng khá cao hiện nay.

Sacombank cho biết, trong mức 13,4% tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt được 9 tháng đầu năm nay thì tín dụng cá nhân chiếm hơn 70%. Đây cũng được xem là mảng kinh doanh mang lại nguồn lợi nhuận tốt nhất hiện nay cho nhà băng này. Vì thế, trong thời gian từ nay đến cuối năm, Sacombank tiếp tục dốc vốn cho khách hàng cá nhân, với kỳ vọng hoàn tất chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 20% và mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 2.800 tỷ đồng.

Bất chấp cảnh báo, ngân hàng vẫn ồ ạt đẩy vay tiêu dùng ảnh 1

Các ngân hàng đang đẩy mạnh tín dụng, đón mùa tiêu thụ cuối năm

HDBank cũng là một trong những nhà băng có chiến lược đẩy mạnh tín dụng cá nhân. Năm 2013, HDBank đã tung ra nhiều gói cho vay tiêu dùng giá rẻ, lãi suất chỉ dao động 8 - 9%/năm, thậm chí còn ưu đãi lãi suất 0%/năm trong những tháng đầu giải ngân. Nhưng càng gần về cuối năm, các chương trình cho vay ưu đãi của HDBank tiếp tục dồn ra thị trường. Mới đây nhất, HDBank đưa ra gói tín dụng cho khách hàng cá nhân vay lãi suất 9,99%/năm cố định trong 1 năm đầu để mua ô tô.

OCB áp dụng lãi suất 5,99%/năm trong 3 tháng đầu và 12,49%/năm trong 9 tháng tiếp theo dành cho khách hàng cá nhân mua xe ô tô… 9 tháng đầu năm, tín dụng khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng chiếm đến 70% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là, trong khi ngân hàng đẩy vốn vào phân khúc khách hàng cá nhân, thì nhu cầu của khách hàng vẫn chưa cao. Theo ông Trần Ngọc Tâm, Phó giám đốc NamA Bank, lãi suất cho vay mua nhà ở tại Ngân hàng đã giảm xuống 9 - 10%/năm trong giai đoạn đầu và dao động khoảng 12 - 14%/năm trong những tháng tiếp theo, song khách hàng vẫn chưa mấy mặn mà. Lý do, khách hàng còn kỳ vọng lãi suất và giá nhà giảm thêm.

Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ANZ Việt Nam, ông Dương Đức Hùng cho hay, trong tổng dư nợ tín dụng khối cá nhân của ANZ Việt Nam tăng trưởng trong 9 tháng qua thì cho vay mua nhà chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 10%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng tiêu dùng qua thẻ tín dụng có mức tăng trưởng khá ấn tượng, đạt khoảng 40% so với đầu năm 2013.

Tại khu vực TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, cho vay thể nhân hiện chiếm khoảng 40% tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn. Trong đó, vốn tập trung nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng.

 

Rủi ro nợ xấu gia tăng

Mặc dù đẩy mạnh tín dụng và dư nợ cho vay tiêu dùng tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay được xem là dấu hiệu tích cực để kích cầu. Song theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính, nếu ồ ạt đẩy vốn vào phân khúc này và thiếu sự kiểm soát chất lượng thì rủi ro nợ xấu luôn rình rập.

Thực tế cho thấy, nợ xấu gia tăng thời gian qua một phần tập trung vào phân khúc tín dụng này. Ông Minh cho biết, nợ có khả năng mất vốn của các ngân hàng trên địa bàn chiếm đến 70% tổng nợ xấu và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, để đạt được mục tiêu tín dụng và kỳ vọng lợi nhuận, hiện các ngân hàng đang đưa ra nhiều chương trình cấp tín dụng ồ ạt qua thẻ tín dụng. Bởi nhà băng khó đẩy mạnh vốn cho khối khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, TS. Lịch cảnh báo, đẩy mạnh cho vay qua thẻ tín dụng rủi ro nợ xấu rất cao. Nhiều ngân hàng đã phải thương lượng với khách hàng để có thể thu hồi vốn và không kỳ vọng nhận được lãi, vì với chính sách “xài trước, trả sau”, khách hàng dễ rơi vào cảnh chi tiêu vượt quá khả năng chi trả.

“Cho vay tiêu dùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho cả bên cho vay và người đi vay vốn”, TS. Lịch nói.

Nhận định về xu hướng các NHTM đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, một chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn chung các ngân hàng đang khá thành công trong việc cho vay tiêu dùng và dành tỷ trọng vốn khá cao để rót vào lĩnh vực này, thậm chí có ngân hàng còn dành 70 - 80% vốn để tăng dư nợ cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu quá nôn nóng để tăng trưởng tín dụng bằng cách ồ ạt mở rộng cho vay tiêu dùng, các ngân hàng cũng sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro khiến nợ xấu có nguy cơ tăng cao. Vì vậy, để kiểm soát tốt nguồn vốn, các ngân hàng cũng không thể đẩy vốn bằng mọi giá, cho vay dưới chuẩn tín dụng. Thay vào đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả quản trị để từ đó thu hút khách hàng đến với mình.