Bất cập quy định về quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài

Bất cập quy định về quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trọng tài thương mại đang là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp được nhiều bên lựa chọn vì tính bảo mật cao, sự nhanh chóng, tiện lợi và hiệu lực bắt buộc thi hành phán quyết trọng tài (PQTT ) đối với các bên.

Nếu bên có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của họ trong thời hạn cho phép, thì bên có quyền sẽ yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự khởi động quá trình thi hành án, thực hiện tương tự như thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai trong thực tiễn, điều kiện để bên được thi hành PQTT thực hiện quyền yêu cầu thi hành PQTT đang cho thấy những bất cập nhất định.

Khó chứng minh bên phải thi hành PQTT đã không yêu cầu hủy PQTT trong thời hạn cho phép

Khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định bên được thi hành PQTT có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành PQTT khi đáp ứng đủ hai điều kiện sau:

- Một là, đã hết thời hạn thi hành PQTT mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành;

- Hai là, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được PQTT, bên phải thi hành PQTT không gửi đơn đến Tòa án yêu cầu hủy PQTT.

Đối với điều kiện thứ nhất liên quan đến thời hạn thi hành PQTT - đây là một trong những nội dung bắt buộc phải có trong PQTT. Khi thời hạn được tuyên trong PQTT đã hết mà bên phải thi hành PQTT vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình, thì coi như điều kiện đầu tiên để nộp đơn yêu cầu thi hành PQTT đã được đáp ứng.

Tuy nhiên, với điều kiện còn lại về việc chưa có đơn yêu cầu hủy PQTT, bản thân bên được thi hành rất khó để chứng minh bên phải thi hành PQTT liệu đã nộp đơn đến Tòa án để yêu cầu hủy PQTT hay chưa?

Khó khăn này đến từ nhiều phía. Trước tiên, ở khía cạnh Cơ quan thi hành án dân sự, khi nhận đơn yêu cầu thi hành PQTT, cơ quan này sẽ đề nghị người nộp đơn cung cấp văn bản xác nhận của Tòa án về việc chưa nhận được đơn của người phải thi hành PQTT yêu cầu hủy PQTT này.

Tuy nhiên, về khía cạnh Tòa án, hiện nay lại không có cơ chế yêu cầu Tòa án phải cung cấp thông tin về việc có nhận được đơn yêu cầu hủy PQTT của bên có nghĩa vụ phải thi hành PQTT hay không. Do đó, việc một bên đã gửi văn bản yêu cầu xác nhận nhưng không thể nhận được văn bản phản hồi của Tòa án là việc hoàn toàn có khả năng xảy ra. Thời gian chờ đợi có thể là 1 tháng, 3 tháng hoặc lâu hơn.

Đây là khó khăn mà người được thi hành PQTT không thể kiểm soát, không thể chủ động giải quyết mà phải tùy thuộc vào sự phối hợp của cơ quan nhà nước (Tòa án), đặc biệt trong bối cảnh không có quy định pháp luật bắt buộc Tòa án phải thực hiện nghĩa vụ xác nhận này.

Cơ chế phối hợp liên ngành cần cụ thể hóa bằng quy định pháp luật

Trước vướng mắc trong thực tiễn nêu trên, Cơ quan thi hành án dân sự TP. Hồ Chí minh đã chủ động đề xuất thời hạn phối hợp liên ngành trong lĩnh vực thi hành PQTT giữa Cục Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân thành phố, Viện kiểm sát nhân dân thành phố.

Theo đó, các bên thống nhất trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Cục Thi hành án dân sự thành phố về việc đề nghị xác nhận Tòa án có thụ lý yêu cầu hủy PQTT hay không, Tòa án nhân dân thành phố có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi cho Cục Thi hành án dân sự thành phố.

Trong lúc người được thi hành PQTT loay hoay không biết xoay sở như thế nào, thì quy chế phối hợp liên ngành này thật sự đến kịp lúc và trở thành cứu cánh cho không ít trường hợp.

Tuy nhiên, cơ chế phối hợp liên ngành không phải là văn bản quy phạm pháp luật và không thể xem đó là biện pháp lâu dài, mà cần phải có sự điều chỉnh, xuất phát ngay từ chính văn bản pháp luật. Cụ thể, nghĩa vụ chứng minh người phải thi hành PQTT đã nộp (hoặc chưa nộp) đơn đến Tòa án yêu cầu hủy PQTT nên là nghĩa vụ của chính người phải thi hành PQTT hoặc giữa các cơ quan nhà nước với nhau, không nên đẩy sang cho người được thi hành.

Theo đó chỉ cần hết thời hạn thi hành PQTT mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành, bên được thi hành sẽ có quyền gửi đơn đến Cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu thi hành PQTT. Khi nhận được đơn yêu cầu này, Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm liên hệ, đề nghị Tòa án xác nhận bằng văn bản về việc có nhận được đơn của người phải thi hành PQTT yêu cầu hủy phán quyết đó không, tương tự như cách quy định hiện nay tại cơ chế phối hợp liên ngành. Tuy nhiên, khi đó, thời hạn 20 ngày như hiện nay vẫn là khá dài, cần được giảm xuống để bảo đảm quyền lợi của người được thi hành PQTT, khi mà trước đó họ đã đợi đến 30 ngày.

Tố tụng trọng tài ngày càng cho thấy những ưu điểm nhất định khi mà số lượng vụ việc PQTT bị hủy đang có xu hướng ít đi và những khó khăn đến từ quá trình thi hành PQTT cũng được các cơ quan có thẩm quyền chủ động tháo gỡ thông qua cơ chế phối hợp liên ngành. Tuy nhiên, để mang tính ổn định lâu dài, những bất cập pháp lý nên được khắc phục bằng chính các quy định pháp luật.

Việc xác minh người có nghĩa vụ phải thi hành PQTT đã có đơn yêu cầu hủy PQTT hay chưa nên là trách nhiệm thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người được thi hành PQTT nhanh chóng nhận được các lợi ích, các quyền lợi chính đáng của họ.

Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của cá nhân tác giả và không có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào”

Tin bài liên quan