Một doanh nghiệp bảo hiểm nằm trong Top thị phần lớn nhất khối phi nhân thọ chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu phát triển, mỗi năm doanh nghiệp này cần tuyển mới khoảng 300 nhân sự (hiện doanh nghiệp có hơn 2.000 nhân sự).
Theo đó, bên cạnh việc tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm từ các doanh nghiệp bảo hiểm khác, số lượng nhân sự là sinh viên mới ra trường hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu doanh nghiệp này cần.
Thiếu nguồn nhân lực lành nghề không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp trên, mà còn là tình trạng chung trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay.
Ngành bảo hiểm những năm gần đây được đánh giá là ngành có tốc độ tăng trưởng cao so với nhiều ngành nghề khác, với mức tăng trưởng trung bình của khối phi nhân thọ vào khoảng 15%/năm và nhân thọ là 20%/năm.
Tuy vậy, số lượng các trường đại học, học viện có chuyên ngành đào tạo về bảo hiểm không nhiều và việc đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm tại các trường đại học nhìn chung vẫn mang tính lý thuyết.
Tổng số sinh viên được đào tạo chuyên ngành bảo hiểm mỗi năm chỉ khoảng 600 sinh viên, trong khi nhu cầu tuyển dụng chỉ tính riêng 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã lên đến hàng ngàn người.
Điều này cho thấy, ngành bảo hiểm cũng không hấp dẫn sinh viên để các trường mở rộng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đại diện một doanh nghiệp phi nhân thọ cũng có thị phần dẫn đầu khác thừa nhận, tỷ trọng sinh viên đúng chuyên ngành bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 20-30% so với tổng số sinh viên mới ra trường được tuyển dụng vào doanh nghiệp.
Nhìn vào chất lượng đào tạo cũng dễ nhận thấy khoảng cách tương đối lớn giữa kiến thức sinh viên được học ở trường đại học và công việc thực tế khi đi làm.
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã “chữa cháy” bằng cách tuyển dụng nhân sự được học từ các chuyên ngành khác và đào tạo ngắn hạn kiến thức cơ bản về bảo hiểm. Điều này tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho thị trường.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận, một số công ty bảo hiểm đã sớm chủ động phát triển chương trình tuyển dụng đào tạo cho các sinh viên mới ra trường.
Đơn cử, tại Generali Việt Nam, nhà bảo hiểm này đã triển khai chương trình quản trị viên tập sự "Genext Challenge " từ năm 2016 nhằm đào tạo lớp quản lý kế cận của Tập đoàn Generali tại Việt Nam. Tương tự, Prudential Việt Nam cũng có chương trình quản trị viên tập sự của riêng mình từ nhiều năm qua.
Với doanh nghiệp bảo hiểm nội, Bảo hiểm Bảo Việt đã triển khai chương trình “Bảo Việt - Niềm tin thắp sáng tương lai” cho sinh viên thuộc 2 trường Học viện Tài chính và Đại học Kinh tế Quốc dân từ năm 2014.
Tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI), dự án “Nuôi dưỡng tài năng bảo hiểm” với đa dạng các hoạt động nhằm giúp sinh viên hoàn thiện kiến thức, kỹ năng về bảo hiểm trong quá trình học tập, cũng như trong cuộc sống.
Theo đó, những sinh viên xuất sắc sẽ có cơ hội được cử đi học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc. Cùng với việc đào tạo về tài chính bảo hiểm, PTI cũng hỗ trợ một số ngành đào tạo khác nhằm cung cấp nguồn nhân sự cho ngành bảo hiểm như ngành cơ khí ô tô, y khoa (cung cấp đội ngũ giám định viên)…
Cùng với các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động triển khai các dự án dài hơi nhằm phát triển toàn diện cho sinh viên, góp phần đảm bảo việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường bảo hiểm, tháng 11/2019, Viện Phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm (HDI Instutite) - một trong những cơ sở đào tạo bảo hiểm tư nhân đầu tiên đã được cấp phép hoạt động.
Như vậy, ngoài Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm (trực thuộc Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính) và một số trường đại học có chuyên ngành đào tạo bảo hiểm, sự góp mặt của HDI Instutite được kỳ vọng sẽ giúp bổ sung phần nào sự thiếu hụt về nguồn cung nhân sự bảo hiểm hiện nay, đặc biệt là các nhân sự chất lượng cao.