“Bắt bệnh” DN cần tái cấu trúc

“Bắt bệnh” DN cần tái cấu trúc

(ĐTCK) Nhận biết chính xác sức khỏe DN để có hành động kịp thời là quan trọng nhưng quan trọng hơn còn ở cách làm.

“Bắt bệnh” DN cần tái cấu trúc ảnh 1

Tái cấu trúc doanh nghiệp là hành trình không đơn giản, thậm chí cần nhiều quyết định “đau đớn”

Tại một cuộc trao đổi với các CEO Việt Nam mới đây, ông Douglas Coulter chỉ ra vài ví dụ của các doanh nghiệp ở các thị trường khu vực để cho thấy, tái cấu trúc doanh nghiệp là hành trình không đơn giản. Circuit City Stores, chuỗi cửa hàng nổi tiếng của Mỹ đã cắt giảm chi phí bằng cách thay đổi đội ngũ nhân viên bán hàng được trả lương cao bằng những nhân viên mới ít kinh nghiệm. Hệ quả là dịch vụ khách hàng của Công ty sa sút, đội ngũ lao động nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm. Sau một thời gian, kết quả của việc cắt giảm 10% lao động, trong đó có những người thạo việc là Công ty phá sản.

Hay một thất bại khác là Công ty Kugelfischer của Đức. Công ty này gặp khủng hoảng khi ôm một khoản nợ lớn do mua quá nhiều nhà máy, bị coi như con nợ khó đòi của các ngân hàng. CEO mới của Công ty đã giải quyết khó khăn theo hướng khá cực đoan, tập trung tạo giá trị cho cổ đông thay vì quan tâm tạo ra giá trị cho các nhóm lợi ích như khách hàng, đối tác…Công ty cắt giảm ½ nhân sự, buộc các cổ đông sáng lập từ bỏ quyền quản trị của họ. Kugelfischer tiếp tục sai lầm khi quyết định mua thêm nhà máy để mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm làm ra nhiều, năng suất lao động thấp và không có điểm khác biệt. Kết quả của tái cấu trúc tiếp tục là sự sụp đổ của nhà sản xuất vòng bi lớn nhất Đức.

Sẽ có nhiều con đường để tới thành Rome, nhưng để thành công trong việc tái cấu trúc và làm mới doanh nghiệp, đưa ra quyết định đúng thời điểm và xây dựng một con đường đi rõ ràng, “biết ta, biết người” đóng vai trò rất quan trọng.

 

21 dấu hiệu của tái cấu trúc:

- Phân tán hoạt động kinh doanh theo địa bàn rộng khắp

- Quản trị tài chính không tốt

- Chú trọng về trách nhiệm tạo ra lợi nhuận

- Các khoản phải thu quá nhiều so với đối thủ cạnh tranh

- Năng suất lao động và bán hàng bình quân thấp hơn đối thủ cạnh tranh

- Chi phí lao động được tính vào chi phí giá vốn cao hơn so với đối thủ cạnh tranh

- Hàng tồn kho nhiều hơn so với đối thủ cạnh tranh

- Hình ảnh thương hiệu giảm sút

- Sự thay đổi về thói quen mua hàng của khách hàng quen thuộc

- Máy móc thiết bị quá cũ và lỗi thời

- Hệ thống thông tin yếu kém giữa nhà máy sản xuất và các phòng ban trong công ty

- Luân chuyển lao động

- Hạn chế về trình độ quản lý

- Tập trung quyền lực trong tay nhà quản lý và cứng nhắc trong phân cấp cơ cấu doanh nghiệp

- Yếu kém trong đào tạo về maketing

- Ít kinh nghiệm cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài

- Tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu, giảm giá và lợi nhuận

- Tăng tính cạnh tranh khiến khó riêng biệt hóa sản phẩm

- Hiệu quả hoạt động giảm sút do mở rộng kinh doanh quá nhanh

- Không bắt kịp với sự cải tiến công nghệ

- Vòng đời sản phẩm bị rút ngắn

- Sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới