Dự kiến, đến cuối năm 2018, một số NHTM được tự quyết định mức vốn cần phải nắm giữ, tùy theo hồ sơ rủi ro của mình

Dự kiến, đến cuối năm 2018, một số NHTM được tự quyết định mức vốn cần phải nắm giữ, tùy theo hồ sơ rủi ro của mình

Basel II không quá xa tầm với

(ĐTCK) Cuộc chơi đã khởi động. Những tò mò, băn khoăn cũng như lo ngại ban đầu khi triển khai đánh giá hiện trạng ngân hàng theo yêu cầu của Basel II dần qua đi.

Nhìn về phía trước, bản thân ngân hàng thương mại (NHTM) cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) còn rất nhiều việc cần phải làm. Áp dụng Basel II như giương buồm ra khơi giữa một biển mênh mông các quy định ngặt nghèo, nhưng chúng ta có thể làm được, nếu có sự quyết tâm. 

5 năm sau kể từ hôm nay, ước vọng ngân hàng Việt Nam đạt chuẩn Basel II

Sau thời gian cân nhắc kỹ lưỡng, NHNN đã có những định hướng rõ ràng về việc triển khai Basel II tại Việt Nam. Với việc ban hành Công văn 1601/NHNN-TTGSNH ngày 17/3/2014 về việc thực hiện Hiệp ước vốn Basel II, 10 NHTM được lựa chọn sẽ phải thực hiện tuân thủ Basel II theo các phương pháp đo lường tiên tiến vào cuối năm 2018 và theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2015.

Basel II gồm 3 trụ cột, trong đó mối quan hệ giữa NHNN, NHTM và thị trường được sử dụng để thúc đẩy năng lực quản lý rủi ro của các ngân hàng.

Trong trụ cột thứ nhất, các ngân hàng sẽ phải tự tính toán vốn cho các loại rủi ro tín dụng, thị trường và hoạt động. Có nhiều phương pháp khác nhau để tính toán mức vốn này: phương pháp tiêu chuẩn, phương pháp nội bộ cơ bản và nội bộ nâng cao. Mỗi nước sẽ quy định cụ thể về mức độ triển khai Basel II tại nước mình. Ví dụ, ngân hàng ở Singapore đang áp dụng phương pháp nội bộ cơ bản đối với rủi ro tín dụng, phương pháp tiêu chuẩn với rủi ro thị trường và phương pháp tiêu chuẩn với rủi ro hoạt động.

Trong trụ cột thứ hai, các ngân hàng cần phải có một quy trình đánh giá an toàn vốn nội bộ để đánh giá lại việc tính toán vốn theo trụ cột thứ nhất; cân nhắc các loại rủi ro chưa được đánh giá hoặc đánh giá chưa đầy đủ trong trụ cột thứ nhất; kiểm tra sức chịu đựng rủi ro và sử dụng Basel II vào trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Cũng trong khuôn khổ trụ cột thứ hai, NHNN sẽ thực hiện đánh giá lại toàn bộ các nội dung liên quan đến tỷ lệ an toàn vốn mà NHTM đã thực hiện tại trụ cột thứ nhất và trụ cột thứ hai.

Cuối cùng, các thông tin về mức độ an toàn vốn và hồ sơ rủi ro của ngân hàng phải được công bố cho thị trường theo yêu cầu của trụ cột thứ ba.

Tại Việt Nam, theo yêu cầu của NHNN, 10 NHTM được lựa chọn sẽ thực hiện theo lộ trình sau:

Đến cuối năm 2015

Theo phương pháp tiêu chuẩn, các NHTM cần phân loại các tài sản, trạng thái của mình thành các loại khác nhau, để từ đó áp dụng hệ số rủi ro theo quy định của NHNN, tính toán ra tài sản có rủi ro và mức vốn cần phải nắm giữ. Để làm được điều này, các NHTM cần chuẩn bị sẵn dữ liệu, chương trình tính toán tài sản có rủi ro (RWA engine); NHNN cần ban hành văn bản hướng dẫn quy tắc tính toán vốn.

Đến cuối năm 2018

Không giống như phương pháp tiêu chuẩn khi mà các ngân hàng đều được áp dụng một “chuẩn” chung, phương pháp tiếp cận nội bộ cho phép các NHTM được quyền tự quyết định mức vốn cần phải nắm giữ, tùy theo hồ sơ rủi ro của mình. Ngân hàng nào kinh doanh với nhiều rủi ro thì phải nắm giữ nhiều vốn, và ngược lại. Tất nhiên, để được quyền tự quyết định như vậy, các ngân hàng cần phải đáp ứng nhiều điều kiện phức tạp về dữ liệu, hệ thống quản lý rủi ro cũng như hạ tầng công nghệ thông tin.

Thứ nhất, dữ liệu yêu cầu cho việc tính toán vốn theo phương pháp nội bộ không chỉ bao gồm dữ liệu cho việc tính toán tài sản có rủi ro, mà còn cả các dữ liệu để phục vụ cho các mô hình đo lường rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng. Các dữ liệu này cần được lưu trữ ít nhất 5 năm và với chất lượng tốt để bảo đảm các mô hình đo lường rủi ro được NHNN phê duyệt. Đối với phần rủi ro hoạt động, việc khó nhất không phải là dữ liệu quản lý rủi ro, mà là phần dữ liệu về quản trị tài chính. Các NHTM phải có đủ khả năng phân tách doanh thu, chi phí hoạt động của mình thành 8 mảng hoạt động theo đúng yêu cầu của Basel II.

Thứ hai, Basel II và các văn bản bổ sung của Basel yêu cầu các NHTM phải có hệ thống quản lý rủi ro tiên tiến, trong đó bao gồm chính sách quản lý rủi ro, các phương pháp luận quản lý rủi ro. Các yêu cầu của Basel II về hệ thống quản lý rủi ro xoay quanh việc xây dựng, triển khai và ứng dụng các mô hình đo lường rủi ro. Theo yêu cầu của NHNN, đến thời điểm cuối năm 2018, các NHTM sẽ phải xây dựng các mô hình để đo lường Xác suất khách hàng không trả được nợ (PD - Probability of Default), Giá trị chịu rủi ro (VaR - Value at risk).  Các mô hình này cần phải được triển khai trong hoạt động quản lý rủi ro và phải được ứng dụng trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày (Use test) của ngân hàng. Ví dụ, PD phải được sử dụng trong cấp tín dụng, xác định chính sách khách hàng, xác định lãi suất cho vay, theo dõi khách hàng sau khi cho vay, đo lường hiệu quả hoạt động của các bộ phận, khối kinh doanh…

Thứ ba, hạ tầng công nghệ thông tin của các NHTM cũng cần phải được bổ sung để hỗ trợ hoạt động quản lý rủi ro tập trung. Các hệ thống công nghệ thông tin không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các giao dịch về kế toán (trạng thái tĩnh), mà còn phải ghi nhận các giao dịch về các dữ liệu rủi ro. Đồng thời, để phục vụ quản lý rủi ro, các hệ thống công nghệ thông tin hiện đại nhấn mạnh rất nhiều vào việc quản lý luồng công việc (trạng thái động). Đây là nội dung cơ bản của các hệ thống như Hệ thống khởi tạo khoản vay (LOS - Loan origination system), Thu hồi nợ (Debt collection), Quản lý tài sản bảo đảm (Collateral management)…

Bức tranh trong năm 2015  và 2018

Đến cuối năm 2015

Việc ban hành các quy tắc tính toán vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II không phức tạp. Cái khó là các hệ số rủi ro cần thiết áp dụng tại thị trường Việt Nam nói chung và cụ thể là áp dụng cho 10 NHTM được lựa chọn để triển khai Basel II. Ví dụ, theo Basel II, hệ số rủi ro áp dụng đối với trái phiếu chính phủ Việt Nam sẽ là 100% khi xếp hạng quốc gia là B+. Như vậy, việc đầu tư vào các khoản trái phiếu chính phủ Việt Nam sẽ bị tính hệ số rủi ro là 100% đối với các ngân hàng triển khai Basel II. Điều này là không hợp lý và cần được NHNN tùy chỉnh cho phù hợp với hiện trạng của Việt Nam.

Nhìn chung, các NHTM đều đã thực hiện phân tích hiện trạng và đưa ra lộ trình triển khai Basel II. Dữ liệu yêu cầu đối với phương pháp tiêu chuẩn không cần thời gian lịch sử. Việc xây dựng chương trình tính toán tài sản có rủi ro có thể tự xây dựng hoặc mua ngoài với mức chi phí không quá lớn.

Thách thức lớn nhất hiện nay là liệu NHNN có kịp ban hành các văn bản theo đúng thời hạn để các NHTM áp dụng hay không. Một số khó khăn mà NHNN có thể gặp phải trong việc ban hành các văn bản này bao gồm:

- Việc hiểu được các quy tắc để tính toán vốn của Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn tương đối phức tạp. NHNN cần có đội ngũ chuyên gia có hiểu biết về lĩnh vực này để có thể xây dựng, hướng dẫn và giải thích cho các NHTM.

- Các NHTM được lựa chọn để triển khai Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2015 phần lớn là các ngân hàng quy mô lớn, có trình độ quản lý rủi ro tiên tiến hơn so với mặt bằng chung. Nếu NHNN áp dụng một hệ số rủi ro theo đúng quy tắc của Basel II, rất có khả năng các NHTM này sẽ phải nắm giữ mức vốn cao hơn các ngân hàng không tuân thủ Basel II. Điều này, ở một chừng mực nào đó, sẽ làm giảm động lực của các ngân hàng khi muốn triển khai Basel II.

- Khi áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn sẽ thấp hơn hiện tại. Một số ngân hàng trong nhóm 10 NHTM nói trên sẽ phải nắm giữ thêm vốn, đặc biệt là các NHTM Nhà nước. Điều này sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường ngân hàng vốn đã khó khăn trong việc tăng vốn như hiện nay.

- Trong trường hợp NHNN nới lỏng các quy định của phương pháp tiêu chuẩn theo yêu cầu của Basel II, các NHTM ở Việt Nam có thể sẽ không được công nhận là tuân thủ Basel II khi đi ra thị trường quốc tế.

Đến cuối năm 2018

Trước các yêu cầu của Basel II, các NHTM đã có một số bước đi chuẩn bị cho việc tuân thủ Basel II. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế mà các ngân hàng cần phải hoàn thiện nếu muốn tuân thủ Basel II.

Về dữ liệu đối với rủi ro tín dụng, 10 NHTM thuộc diện triển khai Basel II đều đã có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ triển khai từ trước năm 2013 cho danh mục khách hàng doanh nghiệp. Do vậy, yêu cầu 5 năm về dữ liệu đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp là có thể khả thi. Tuy nhiên, rất nhiều ngân hàng chưa triển khai hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ cho nhóm khách hàng cá nhân. Hơn nữa, trước đây, các ngân hàng xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ chủ yếu phục vụ mục tiêu tuân thủ quy định của NHNN nên chất lượng dữ liệu lưu trữ trong hệ thống thường không bảo đảm chất lượng cần thiết. Điều này dẫn tới việc có đủ 5 năm dữ liệu trước năm 2018 đối với một số danh mục đòi hỏi việc thu thập dữ liệu bằng thủ công đối với một số phân khúc khách hàng, tối thiểu là từ năm 2013 đến khi có hệ thống để lưu trữ các dữ liệu này một cách tập trung.

Về dữ liệu đối với rủi ro hoạt động, phần lớn 10 NHTM hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng phương pháp luận hệ thống xác định lãi suất điều chuyển vốn nội bộ theo phương pháp khớp kỳ hạn, xây dựng cơ chế và hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ phân bổ doanh thu, chi phí, phân tích lợi nhuận đa chiều. Đây là các bước đi phù hợp để bảo đảm có thể tính toán được vốn theo phương pháp tiêu chuẩn đối với rủi ro hoạt động tại thời điểm cuối năm 2018.

Mặc dù đã có các bước chuẩn bị về dữ liệu nói trên, các NHTM phần lớn đều chưa có cơ cấu tổ chức phù hợp để quản trị dữ liệu. Phần lớn các dữ liệu cho quản lý rủi ro hiện nay là “sản phẩm phụ” (by-product) của quá trình kinh doanh thay vì xuất phát từ nhu cầu quản lý rủi ro. Điều này dẫn đến việc các dữ liệu cần cho việc tuân thủ Basel II có thể thiếu đến 40% hoặc thậm chí hơn 60% ở một số mảng.

Một số NHTM đã xây dựng các mô hình đo lường rủi ro theo yêu cầu của Basel II, phần lớn các ngân hàng đang trong quá trình chuẩn bị. Thời gian xây dựng các công cụ này có thể mất từ 1 đến 2 năm. Với hiện trạng dữ liệu như hiện nay, để các mô hình trên đạt tiêu chuẩn của Basel và có thể sử dụng được trong việc ra các quyết định quản lý rủi ro sẽ mất thêm thời gian nữa. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất là tạo ra sự đồng thuận và văn hóa quản lý rủi ro trong ngân hàng. Theo đó, các NHTM sẽ sử dụng các công cụ đo lường rủi ro vào trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của mình. Mỗi quyết định kinh doanh phải được coi là một quyết định tạo thêm rủi ro cho ngân hàng. Tại nhiều nước, rất nhiều ngân hàng xây dựng được mô hình đo lường như trên, nhưng lại không vượt qua được bài kiểm tra Use test cuối cùng này để có thể được cơ quan giám sát phê duyệt là tuân thủ Basel II. Những ngân hàng thành công trong việc tuân thủ Basel II là những ngân hàng có quyết tâm, đồng thuận và cam kết trong dài hạn của hội đồng quản trị ngân hàng về việc triển khai Basel II và nâng cao năng lực quản lý rủi ro.

Thêm vào đó, trong bối cảnh hạ tầng công nghệ thông tin của các NHTM chưa phát triển, chủ yếu mới chỉ hỗ trợ các ghi nhận về giao dịch và kế toán, việc đầu tư các giải pháp công nghệ thông tin mới nhằm hỗ trợ luồng công việc và ghi nhận thêm các dữ liệu về rủi ro sẽ yêu cầu rất nhiều thời gian, nguồn lực và chi phí của các ngân hàng.

Để xóa bỏ các cách biệt về Basel II như trên, các NHTM sẽ phải đầu tư một ngân sách tương đối lớn. Ước tính, với các NHTM tại Việt Nam, tổng chi phí sẽ vào khoảng 5 - 15 triệu USD, tùy theo quy mô của các ngân hàng. Trong đó, các chi phí liên quan đến mua sắm các giải pháp công nghệ thông tin thường vào khoảng 70% - 80% tổng chi phí. Với mức đầu tư như vậy, các NHTM thuộc nhóm được lựa chọn hoàn toàn có khả năng đáp ứng. Điều cần có ở đây là cam kết đầu tư và thay đổi trong dài hạn của hội đồng quản trị mỗi ngân hàng. Ngoài ra, các NHTM cũng phải có một đội ngũ nhân sự am hiểu về Basel II để có thể xây dựng, vận hành hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn mới.

Từ phía cơ quan quản lý, NHNN cũng sẽ phải ban hành rất nhiều văn bản về hệ thống quản lý rủi ro, cách thức tính toán vốn, tiêu chuẩn đối với các mô hình đo lường rủi ro, cách thức giám sát của NHNN đối với NHTM… Đây là khối lượng tài liệu hướng dẫn rất khổng lồ và có rất nhiều các tùy chỉnh quốc gia (national discretion) cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam mà NHNN phải cân nhắc. Cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore (MAS) mất 3 năm để ban hành các văn bản này. Cơ quan quản lý tiền tệ của Hồng Kông cũng mất gần 3 năm để ban hành toàn bộ các yêu cầu của Basel II.

Thực tiễn kinh nghiệm tại các nước đã từng triển khai Basel II trong khu vực cho thấy, các công việc mà các NHTM và NHNN đều có thể thực hiện được với sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn độc lập. Tuy nhiên, các đơn vị tư vấn chỉ có thể hỗ trợ đưa ra các thông lệ và khuyến nghị về cách thức triển khai. NHNN và NHTM phải đưa ra các quyết định về việc áp dụng Basel II tại Việt Nam như thế nào cho phù hợp và phải bố trí đội ngũ nhân sự phù hợp để triển khai và duy trì Basel II sau này.

Kết luận

Cuộc chơi đã khởi động. Những tò mò, băn khoăn cũng như lo ngại ban đầu khi triển khai đánh giá hiện trạng ngân hàng theo yêu cầu của Basel II dần qua đi. Nhìn về phía trước, bản thân NHTM cũng như NHNN sẽ còn rất nhiều việc cần phải thực hiện để có thể triển khai thành công Basel II tại Việt Nam.

Ban đầu Basel II không được soạn thảo với ý định là dành cho các nước đang phát triển. Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc các nước đang phát triển chỉ nên áp dụng Basel I. Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khác, không thể nghi ngờ gì vai trò của Basel II trong việc định hình cơ bản và quan trọng các bước đi tiếp theo của ngân hàng và cơ quan quản lý khi quản trị rủi ro. “Áp dụng Basel II như giương buồm ra khơi giữa một biển mênh mông các quy định ngặt nghèo” - nhưng sau những phân tích trên, điều đó là cần thiết, phải làm và nên làm. Và xét cho cùng, chúng ta có thể làm được, nếu có sự quyết tâm.

Basel II không quá xa tầm với ảnh 2
Bà Nguyễn Thùy Dương
có hơn 14 năm kinh nghiệm tại các Công ty kiểm toán lớn tại Việt Nam và Úc, giữ vai trò quản lý các dịch vụ kiểm toán và tư vấn cho các tổ chức tài chính Việt Nam, các ngân hàng quốc tế uy tín và các thể chế tài chính tại Úc. Hiện tại, bà Dương là Phó Tổng Giám đốc phụ trách hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn của EY Việt Nam - đơn vị tư vấn về Basel II, M&A, Quản trị rủi ro và quản trị tài chính cho các Ngân hàng Thương mại lớn như VCB, BIDV, Agribank, Vietinbank, Techcombank, Sacombank…
Basel II không quá xa tầm với ảnh 3
Ông Nguyễn Huy Cường
có hơn 11 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng và 8 năm chuyên sâu về Basel II, quản lý rủi ro tín dụng, xây dựng các mô hình đo lường rủi ro và đã quản lý rất nhiều dự án tư vấn quản lý rủi ro cho các ngân hàng lớn tại Việt Nam.

Basel II - Con thuyền tiêu chuẩn để ngân hàng Việt Nam ra khơi

Việc NHNN tiếp cận và đưa các NHTM vào một ‘sân chơi’ hấp dẫn, nhưng cũng đầy thách thức, được coi là hướng đi đúng đắn của NHNN trong việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro và chuẩn mực an toàn trong hoạt động ngân hàng theo thông lệ quốc tế. Với cơ chế phối hợp thanh tra, giám sát giữa các nước, việc tuân thủ Basel II tại Việt Nam phần lớn sẽ được công nhận tại các nước khác. Điều này cũng tạo ra nền tảng để giúp các ngân hàng Việt Nam có thể mở rộng hoạt động đến các thị trường phát triển, tiếp cận với các thị trường vốn quốc tế một cách dễ dàng, với chi phí thấp. Việc thực hiện Basel cũng sẽ giúp tăng mức độ tin cậy của các định chế tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế khác đối với Việt Nam, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh chóng của ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.

Tin bài liên quan