Các ngân hàng tích cực triển khai Basel II
Ngày 17/3/2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản số 1601/NHNN-TTGSNH về việc lựa chọn 10 ngân hàng thử nghiệm tiến hành tuân thủ Hiệp ước vốn Basel II và đặt ra 2 mốc thời gian tuân thủ dự kiến là năm 2015 (với phương pháp tiêu chuẩn) và năm 2018 (với phương pháp nâng cao).
Trong các yêu cầu tuân thủ của Basel II, đầu tiên phải kể đến yêu cầu tính toán và tuân thủ các yêu cầu về vốn (CAR) trong trụ cột I cho ba rủi ro trọng yếu là rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và rủi ro tín dụng.
Để đáp ứng yêu cầu này, một số ngân hàng như VietinBank, VIB đã tiên phong triển khai công cụ tính toán tài sản có rủi ro theo quy định của Basel II (RWA). Các ngân hàng khác đã triển khai đánh giá ảnh hưởng (QIS) dự kiến lên tỷ lệ CAR khi áp dụng Basel II để có các điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Tuy nhiên, phần lớn ngân hàng khá dè dặt trong quyết định đầu tư hệ thống RWA do còn đợi văn bản chính thức của Ngân hàng Nhà nước.
Cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định chi tiết về yêu cầu tính toán vốn và đặt ra kỳ hạn tuân thủ vào năm 2020 cho tất cả các ngân hàng thương mại (bao gồm cả các nhà băng nằm ngoài nhóm 10 ngân hàng ban đầu lựa chọn triển khai thí điểm Basel II).
Bà Nguyễn Thùy Dương
Theo Thông tư 41, để đảm bảo tính tuân thủ, các ngân hàng thương mại không những cần đáp ứng các yêu cầu về phương pháp tính toán vốn mà còn cần đảm bảo có hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu hiệu quả và một số quy định định tính tối thiểu liên quan đến chính sách quản lý rủi ro và công bố thông tin ra bên ngoài. Đây là một động thái tích cực giúp tạo động lực đẩy nhanh tiến trình triển khai Basel II từ phía các ngân hàng thương mại trong thời gian tới.
Tính toán tỷ lệ an toàn vốn là phương tiện, không phải mục tiêu sau cùng
Khi đề cập đến các yêu cầu tuân thủ Basel II, phần lớn nội dung thảo luận đều tập trung vào hướng dẫn tính toán vốn trong trụ cột I. Tuy nhiên, tinh thần của Basel thực tế được phản ánh trong trụ cột II.
Mục tiêu của Basel II không chỉ đơn giản là xác định mức vốn phù hợp với hồ sơ rủi ro của ngân hàng mà còn hướng tới điều chỉnh hành vi của các ngân hàng thương mại trong công tác quản trị rủi ro, kiểm soát và ứng dụng quản trị rủi ro một cách chủ động trong hoạt động kinh doanh, cũng như cải thiện cơ chế giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các hoạt động này.
Để đáp ứng yêu cầu đó, các ngân hàng thương mại cần sự đầu tư đáng kể trong công tác xây dựng các mô hình rủi ro, đầu tư nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ.
Trước mắt, các ngân hàng thương mại đang có sự ưu tiên nguồn lực nhất định đối với các sáng kiến quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp tới công tác hỗ trợ kinh doanh như hoàn thiện mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ để hỗ trợ phê duyệt tín dụng, xây dựng khung quản trị tài sản nợ có (ALM) để tối ưu hóa cấu trúc bảng cân đối, hoàn thiện các công cụ quản lý rủi ro hoạt động để quản lý tổn thất (công cụ ILM) và đánh giá rủi ro (RCSA) để kiểm soát chất lượng quản lý rủi ro đối với các quy trình tác nghiệp.
Một số nội dung quan trọng cốt lõi khác như quy trình đánh giá an toàn vốn nội bộ (ICAAP) dù đã có một số công tác chuẩn bị và nghiên cứu nhưng chưa được đầu tư mạnh do còn đợi hướng dẫn chi tiết từ phía Ngân hàng Nhà nước.
" Ngân hàng Nhà nước đang có các bước đi đúng trong việc định hướng và tạo hành lang pháp lý phù hợp thúc đẩy tiến trình triển khai Basel II như kế hoạch ban đầu "
Về phía Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 3/2017, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 44/2011/TT-NHNN đã được công bố để lấy ý kiến. Bản dự thảo này cùng với Thông tư 41 được kỳ vọng sẽ cung cấp bức tranh đầy đủ về yêu cầu tuân thủ Basel II cả về khía cạnh định tính và định lượng.
Trong khi Thông tư 41 tập trung vào yêu cầu định lượng liên quan đến tỷ lệ an toàn vốn thì dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 44 hướng tới giải quyết triệt để các yêu cầu mang tính định tính.
Theo đó, các ngân hàng thương mại được kỳ vọng phải có sự đổi mới toàn diện về công tác quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ theo định hướng rủi ro và có tính tích hợp hóa cao hơn. Nội dung quy định trong thông tư này không chỉ dừng ở góc độ nguyên tắc mà đi sâu vào chi tiết, cụ thể.
Có thể nói, Ngân hàng Nhà nước đang có các bước đi đúng hướng trong việc định hướng và tạo hành lang pháp lý phù hợp thúc đẩy tiến trình triển khai Basel II như kế hoạch ban đầu.
Quản trị và đảm bảo chất lượng dữ liệu đóng vai trò quan trọng
Một trong các khó khăn chung đầu tiên mà hầu hết các ngân hàng đều nhận thức rõ khi xây dựng lộ trình và triển khai Basel II là các vấn đề liên quan đến chất lượng dữ liệu.
Thực tế, các phương pháp luận và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ quản lý rủi ro đều khá phổ biến trên thị trường và được cung cấp bởi nhiều đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, cũng như các nhà cung cấp giải pháp có uy tín, nhưng các giải pháp này đều cần có chất lượng dữ liệu tốt của ngân hàng để có thể vận hành hiệu quả.
Cụ thể, trong các dự án triển khai phương pháp luận quản lý rủi ro hoặc hệ thống công nghệ thông tin liên quan, công tác làm sạch và làm giàu dữ liệu chiếm khoảng 50 - 80% tổng thời gian triển khai của dự án. Khác với xây dựng phương pháp luận và hệ thống công nghệ thông tin, các vấn đề về dữ liệu khó có thể giải quyết hiệu quả nhanh chóng trong ngắn hạn do các vấn đề chính sau.
Thứ nhất, dữ liệu không thể tự sinh ra mà cần thời gian và lịch sử tích lũy nhất định. Dữ liệu tích lũy cũng cần tuân thủ theo các quy chuẩn thống nhất để đảm bảo tính khả dụng trong tương lai. Theo quy định của Basel II, các mô hình quản lý rủi ro khi xây dựng chỉ được chấp nhận khi đáp ứng các yêu cầu tối thiểu đối với tính đầy đủ, chất lượng và lịch sử của dữ liệu. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết trong cả quá trình, thay vì trong một dự án ngắn hạn.
Thứ hai, việc quản trị dữ liệu là hoạt động liên tục, không phải mang tính thời điểm. Dữ liệu luôn được thu thập hàng ngày, hàng giờ trong hoạt động của ngân hàng, do vậy việc quản trị dữ liệu cần được cân nhắc một cách nghiêm túc như một nội dung quản trị cốt lõi của ngân hàng, không chỉ là một dự án nhất thời.
Thứ ba, hoạt động quản trị dữ liệu cần sự phối hợp hiệu quả của nhiều bộ phận cả từ phía các đơn vị nghiệp vụ cũng như công nghệ thông tin và các cấp lãnh đạo quản lý trong ngân hàng, trong một cơ chế vận hành liên tục.
Hiện tại, trong lộ trình triển khai Basel II, đa phần các ngân hàng đều có kế hoạch tiến hành dự án xây dựng khung quản trị dữ liệu và xây dựng kho dữ liệu quản lý rủi ro nhằm chuẩn bị nền tảng dữ liệu cho các dự án triển khai phương pháp luận quản lý rủi ro và các hệ thống công nghệ thông tin trong lộ trình.
Đặc biệt, một số ngân hàng đã có các bước đi tiên phong trong triển khai xây dựng khung quản trị dữ liệu như VietinBank (tự triển khai dự án quản trị dữ liệu và xây dựng công cụ giám sát chất lượng dữ liệu trong năm 2016), Vietcombank (thiết lập Ủy ban Quản trị dữ liệu vào tháng 1/2016).
Lời kết
Sau một thời gian triển khai Basel II, tuy có sự chậm trễ nhất định so với kế hoạch ban đầu, nhưng các kết quả trước mắt là tương đối khả quan, thể hiện ở sự tích cực trong động thái của cả Ngân hàng Nhà nước về khía cạnh ban hành các văn bản hướng dẫn tạo hành lang pháp lý rõ ràng và cả các ngân hàng thương mại trong công tác triển khai các hoạt động và dự án đáp ứng tuân thủ Basel.
Việc điều chỉnh thời hạn tuân thủ chung cho tất cả các ngân hàng thương mại tới năm 2020 thay vì giới hạn trong nhóm 10 ngân hàng sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định và bền vững của toàn hệ thống.