Nguồn cung xăng dầu trong nước đang dư thừa, tồn kho cao.

Nguồn cung xăng dầu trong nước đang dư thừa, tồn kho cao.

Bấp bênh cổ phiếu dầu khí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu được dự báo sẽ neo ở mức cao trong những tháng cuối năm và tiếp tục mang lại lợi nhuận khả quan cho một số doanh nghiệp dầu khí, song không ít doanh nghiệp khác đang đối mặt với khó khăn, thách thức.

Nhu cầu dầu trên thế giới gia tăng

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã và đang áp dụng thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu, nhưng dần nới lỏng mức cắt giảm từ 7,2 triệu thùng/ngày xuống 5,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2021.

Căng thẳng ngoại giao giữa Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út khiến thị trường dầu khí quan ngại, nhưng thỏa hiệp giữa hai bên đã được thực hiện và OPEC+ sẽ tăng sản lượng khai thác dầu lên 0,4 triệu thùng/ngày, chấm dứt việc cắt giảm vào tháng 9/2022. Nguồn cung dầu dự kiến sẽ tăng cùng với việc nới lỏng thỏa thuận cắt giảm, trong bối cảnh nhu cầu dần gia tăng.

Trước đó, từ cuối năm 2020 đến quý I/2021, nhu cầu dầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vượt trội so với các khu vực khác nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dịch bệnh tái bùng phát từ đầu quý II/2021 đã ảnh hưởng đến nhu cầu dầu khu vực này, trong khi các chiến dịch tiêm chủng đã giúp nhu cầu dầu ở châu Mỹ và châu Âu tăng trở lại.

Theo OPEC, nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ tăng 6 triệu thùng/ngày lên 96,6 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Trong khi đó, IEA dự đoán, tổng nhu cầu dầu đạt 96,46 triệu thùng/ngày.

Về nguồn cung, OPEC dự kiến, nguồn cung dầu thế giới đạt 94,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, còn IEA ước tính ở mức 95,3 triệu thùng/ngày.

Sang năm 2022, nhu cầu dầu thế giới được OPEC dự báo sẽ tăng 3,3 triệu thùng/ngày, lên 99,9 triệu thùng/ngày, nhờ các chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh sẽ giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng. Còn IEA cho rằng, nhu cầu dầu sẽ trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2022, đạt trên 100 triệu thùng/ngày.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) nhận định, giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 72 USD/thùng trong nửa cuối năm 2021 và trung bình 67 USD/thùng vào năm 2022.

Các nhà phân tích của Bank of America có kịch bản khả quan hơn, giá dầu Brent có thể đạt 100 USD/thùng vào mùa hè năm sau.

Nhu cầu trong nước giảm

Trái ngược với tình hình ổn định trên thị trường nhiên liệu thế giới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài, khiến nhu cầu xăng dầu giảm mạnh.

Các nhà máy lọc dầu như Dung Quất, Nghi Sơn đã chủ động điều tiết công suất cùng với việc thực hiện các giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng tồn kho, nhưng mức độ tồn kho tại các nhà máy vẫn ở mức cao, trên 85%.

Đại diện Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chia sẻ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất gần đây tồn kho khoảng 640.000 m3 xăng dầu các loại và dầu thô. Nhu cầu tiêu thụ của các đầu mối kinh doanh xăng dầu giảm mạnh, dẫn đến tồn kho tăng nhanh và Công ty hầu như không còn sức chứa.

Trước tình hình đó, doanh nghiệp đã chủ động hạ công suất sản xuất xuống khoảng 80%. Đây là điều chưa từng xảy ra ở nhà máy này trong suốt 12 năm vận hành, sản xuất - kinh doanh.

Tại Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (OIL), sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong tháng 8/2021 ước giảm khoảng 44% so với kế hoạch. Nhu cầu xăng dầu trong nước giảm nghiêm trọng trong bối cảnh giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố. Sản lượng bán lẻ tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam giảm 80%, tại Hà Nội giảm 60%..., tổng nhu cầu thị trường giảm khoảng 40%.

Trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu dư thừa, tồn kho cao, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa qua đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét về chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu, giảm thiểu nguồn nhập khẩu xăng dầu nhằm hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của các đơn vị trong nước.

Thị trường khí trong nước cũng đối diện với nhu cầu sụt giảm, đặc biệt lượng khí huy động cho phát điện. Huy động khí cho sản xuất điện 7 tháng đầu năm 2021 thấp hơn kế hoạch của Bộ Công thương (kế hoạch là khu vực Đông Nam Bộ đạt 94,2%, Tây Nam Bộ đạt 72,8%).

PVN dự báo, các tháng cuối năm 2021, sản lượng khí tiêu thụ sẽ còn thấp hơn khi các tỉnh, thành phía Nam vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, các nhà máy, hộ tiêu thụ sử dụng khí làm nguyên liệu, nhiên liệu dừng hoạt động, hoặc hoạt động ở mức cầm chừng.

Bấp bênh cơ hội đầu tư

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), giai đoạn giá dầu lao dốc năm 2015 - 2016, giá cổ phiếu dầu khí có chuyển biến tích cực khi giá dầu Brent phục hồi, vượt qua 55 USD/thùng - mức hòa vốn sản xuất của nhiều nhà máy ở khu vực Đông Nam Á. Mức độ tương quan giữa giá dầu và giá cổ phiếu rõ nét nhất trong thời gian giá dầu bắt đầu phục hồi từ đáy.

“Dựa vào dữ liệu quá khứ, giá cổ phiếu GAS cho thấy khả năng bám sát diễn biến giá dầu Brent, trong khi giá cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam và cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí xuất hiện nhiều độ nhiễu hơn”, ông Lê Anh Tùng, chuyên gia tại KBSV cho biết.

Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cũng chứng kiến giá dầu Brent sụt giảm, có thời điểm chỉ còn gần 23 USD/thùng, nhưng phục hồi mạnh sau đó. Giá cổ phiếu dầu khí bám sát nhịp phục hồi của giá dầu, đặc biệt khi vượt qua mốc 55 USD/thùng.

Đánh giá về cơ hội đầu tư vào nhóm cổ phiếu dầu khí trong những tháng cuối năm 2021, chuyên gia Trần Hà Xuân Vũ tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, những công ty thượng nguồn như PVS, PVD vẫn đang chờ các dự án dầu khí lớn, giá dầu cao chỉ là điều kiện cần để các dự án quan trọng được xem xét.

Diễn biến giá cổ phiếu dầu khí bám sát nhịp phục hồi của giá dầu. Nguồn: Bloomberg, KBSV.

Diễn biến giá cổ phiếu dầu khí bám sát nhịp phục hồi của giá dầu. Nguồn: Bloomberg, KBSV.

Kết quả kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2021 của các doanh nghiệp thượng nguồn dự kiến sẽ kém khả quan do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và không có nhiều dự án dầu khí mới ở trong nước.

Thậm chí, tính đến cuối năm 2021, PVD được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận âm do giá thuê giàn thấp và Công ty phải trích lập dự phòng lớn cho khoản phải thu của Kris Energy trong quý II/2021 vì đối tác này không có khả năng thanh toán (vì thế, 6 tháng đầu năm nay, PVD ghi nhận mức lỗ 95,4 tỷ đồng).

“Trong dài hạn, PVD có thể ký được các hợp đồng khoan lớn nhờ việc khởi công các dự án dầu khí trọng điểm trong nước. Tuy nhiên, trước khi điều này xảy ra, Công ty phải tìm kiếm cơ hội công việc khác trong khu vực Đông Nam Á ít nhất là đến năm 2022, nơi đang đối mặt với giá thuê giàn khoan thấp cũng như cạnh tranh gay gắt”, VDSC đánh giá.

Đối với PVS, trong năm 2021, Công ty tiếp tục triển khai các dự án dầu khí hiện tại mà không có bất kỳ đóng góp nào từ các hợp đồng EPC mới do tình trạng ảm đạm trong khâu thượng nguồn.

Gần đây, PVS nhận được hai hợp đồng EPC, nhưng doanh thu sẽ được ghi nhận cho giai đoạn 2022 - 2023. Được biết, nửa đầu năm 2021, PVS đạt 347 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế hoạch lợi nhuận năm 2021 của PVS là 560 tỷ đồng, giảm 21,12% so với năm 2020.

Ngược lại, các công ty trung nguồn như Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT), Tổng công ty Khí Việt Nam-CTCP (GAS) và công ty hạ nguồn như BSR, OIL ghi nhận lợi nhuận tích cực trong nửa đầu năm 2021 nhờ xu hướng tăng ổn định của giá dầu, dẫn đến giá bán cao hơn, cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp.

Mặc dù vậy, trong nửa cuối năm, lợi nhuận từ các doanh nghiệp dự kiến sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 kéo dài và xảy ra trên diện rộng.

Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng BSR thuộc nhóm hưởng lợi lớn nhờ giá dầu từ đầu năm 2021 đến nay thường xuyên cao hơn nhiều mức giả định 45 USD/thùng theo kế hoạch kinh doanh.

Tin bài liên quan