Muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, trước hết, cổ đông cần nắm rõ mình có những quyền gì được quy định trong Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và cụ thể hóa trong điều lệ công ty. Qua đó, các cổ đông vận dụng để lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình và hạn chế các vi phạm.
Tùy theo mức độ ảnh hưởng của từng vấn đề, cổ đông có thể theo quy trình sau đây để thực hiện quyền của cổ đông: yêu cầu cung cấp thông tin từ công ty và thu thập thông tin từ các nguồn khác; chất vấn với HĐQT, Ban lãnh đạo để làm rõ thông tin; yêu cầu Ban kiểm soát điều tra làm rõ vấn đề; yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông; liên kết với các cổ đông khác để cùng biểu quyết phản đối các vấn đề; khởi kiện yêu cầu tòa án hủy bỏ nghị quyết ĐHCĐ; khởi kiện nhân danh công ty đối với các cá nhân trong Ban lãnh đạo nếu có hành vi sai phạm và yêu cầu bồi thường; yêu cầu công ty mua lại cổ phần.
Ngoài các quyền thông thường như quyền được tiếp cận thông tin, quyền nhận cổ tức, tham dự ĐHCĐ, tự do chuyển nhượng cổ phần…, dưới đây là các quyền mà cổ đông có thể vận dụng để lên tiếng và bảo vệ quyền lợi của mình.
Quyền được xem xét tra cứu danh sách cổ đông
Điều 114.1.d, Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông có quyền “xem xét tra cứu, trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa chữa các thông tin không chính xác”.
Ngoài ra, Điều 137.3, Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục và sao danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHCĐ, yêu cầu sửa đổi những thông tin sai lệch hoặc bổ sung những thông tin không chính xác về mình trong danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHCĐ. Người quản lý công ty phải cung cấp kịp thời thông tin sổ đăng ký cổ đông, sửa đổi, bổ sung thông tin sai lệch theo yêu cầu của cổ đông, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời, không chính xác thông tin sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu.
Đây là một quyền rất quan trọng đối với cổ đông nhỏ lẻ, nhưng thường không được cổ đông áp dụng. Theo cuốn Cẩm nang quản trị công ty do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thực hiện, “quyền xem xét tra cứu danh sách cổ đông cho phép cổ đông có cơ hội liên hệ với các cổ đông khác và kết hợp quyền biểu quyết cho các vấn đề cần có hành động tập thể”. Như vậy, quyền này cho phép các cổ đông có được danh sách cổ đông của toàn công ty để từ đó các cổ đông nhỏ lẻ có thể tập hợp lại, trao đổi thông tin và gom cổ phiếu để cùng hành động.
Thông thường, Ban lãnh đạo công ty hay lấy cớ trì hoãn hoặc không cung cấp danh sách cổ đông này để hạn chế các cổ đông liên kết với nhau.
Trên TTCK Việt Nam đã có những trường hợp các nhà đầu tư liên kết với nhau để phản đối các quyết định do Ban lãnh đạo đưa ra tại ĐHCĐ mà họ cho rằng ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Chẳng hạn trường hợp Everpia năm 2014, nhờ nắm được danh sách cổ đông, mà cổ đông Red River Holding đã gửi thư cho tất cả cổ đông khác của Everpia để vận động bỏ phiếu phản đối tỷ lệ chia cổ tức thấp tại Công ty.
Một trường hợp khác, trước ĐHCĐ VNM năm 2015, có một cuộc vận động ngầm trong giới cổ đông của VNM để phản đối đề xuất của SCIC. Kết quả, 2 đề xuất của SCIC tại ĐHCĐ VNM năm đó đã không được thông qua. Trước đó, tại ĐHCĐ năm 2014, nhiều cổ đông nhỏ đã gom phiếu đủ tỷ lệ 10% theo điều lệ công ty để đề cử bà Lê Thị Băng Tâm là thành viên HĐQT độc lập của VNM, đối trọng với 2 thành viên HĐQT độc lập do SCIC đề cử. Ngoài việc gom phiếu để đề cử, các cổ đông này còn vận động nhiều cổ đông khác bỏ phiếu cho bà Lê Thị Băng Tâm.
Có thể nói, trong trường hợp này, nếu các cổ đông hành động đơn lẻ thì sẽ khó có thể đạt được kết quả. Nắm được danh sách cổ đông của công ty cho phép các cổ đông liên kết lại để tạo ra sức mạnh tập thể.
Mỗi cổ phần của công ty cho phép người nắm giữu có 1 quyền biểu quyết
Quyền biểu quyết
Mỗi cổ phần của công ty cho phép người nắm giữu có 1 quyền biểu quyết. Thông qua quyền biểu quyết, cổ đông thể hiện ý kiến của mình đối với những quyết định tại ĐHCĐ. Cổ đông có thể quyết định thông qua hoặc phản đối với các tờ trình của HĐQT, Ban giám đốc. Lá phiếu của mỗi cổ đông tuy nhỏ, nhưng nếu tập hợp đủ lớn theo quy định của luật pháp sẽ có trọng lượng và tiếng nói hơn đối với Ban lãnh đạo công ty và có thể thay đổi được tình hình.
Quyền khởi kiện nhân danh công ty
Điều 161, Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc trong các trường hợp sau: vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty theo quy định tại Điều 160 của Luật này; không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của HĐQT; thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết của ĐHCĐ; sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; sử dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.
Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Khi phát hiện các sai phạm của Ban lãnh đạo công ty, cổ đông có thể nhân danh công ty khởi kiện đối với những cá nhân này ra tòa. Đáng chú ý, chi phí khởi kiện khi cổ đông nhân danh công ty khởi kiện sẽ được tính vào chi phí của công ty. Đây là một quy định mới được bổ sung trong Luật Doanh nghiệp năm 2015, tạo khung pháp lý cho phép cổ đông có thể khởi kiện đối với những người quản lý công ty.
Trên thực tế, đã có vài trường hợp như Red River Holding khởi kiện Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Everpia, hay Alphanam kiện Chủ tịch HĐQT Phú Thái. Việc đưa thêm quyền khởi kiện vào Luật cũng giúp cho cổ đông có thêm cơ chế giám sát Ban lãnh đạo công ty và gây sức ép để bảo vệ quyền lợi của mình.
Quyền yêu cầu hủy bỏ quyết định của ĐHCĐ
Điều 147, Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông liên tục trong thời gian 6 tháng có quyền, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được biên bản họp ĐHCĐ hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHCĐ có quyền yêu cầu tòa án hay trọng tài xem xét hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết ĐHCĐ trong các trường hợp sau: trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHCĐ không thực hiện đúng theo quy định của Luật này và điều lệ công ty, trừ trường hợp nghị quyết được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty.
Thực tế đã có những trường hợp Ban lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ không tuân theo đầy đủ các thủ tục của pháp luật quy định và tìm cách thông qua các nghị quyết đại hội theo hướng có lợi cho Ban lãnh đạo hoặc nhóm cổ đông mà Ban lãnh đạo ủng hộ. Ví dụ, hạn chế cổ đông đến dự họp bằng cách quy định số lượng cổ phần nắm giữ tối thiểu, gửi tài liệu ĐHCĐ không đúng thời hạn quy định theo luật và điều lệ công ty, không thông báo mời họp kịp thời, cuộc họp ĐHCĐ không đủ số cổ đông theo quy định tham dự, hoặc vấn đề được thông qua không đủ số tỷ lệ biểu quyết theo quy định tại điều lệ…
Do đó, các cổ đông cần kiểm tra kỹ thủ tục tổ chức ĐHCĐ có tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp và đều lệ công ty không? Cần xem xét kỹ Quy chế tổ chức ĐHCĐ để xem nếu có điều khoản gì không đúng luật và có lợi cho một nhóm lợi ích thì không thông qua và có ý kiến phản đối ngay. Trong trường hợp, Ban lãnh đạo vẫn cố tình tiến hành ĐHCĐ và thông qua các nghị quyết thì sau đại hội, cổ đông có thể khiếu kiện để hủy bỏ nội dung nghị quyết ĐHCĐ theo quy định nêu trên.
Yêu cầu Ban kiểm soát điều tra về hoạt động công ty
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 10% tổng số cổ phần đang lưu hành có quyền yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2015, Ban kiểm soát có rất nhiều quyền hạn trong việc giám sát HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.
Điều 168 quy định, kiểm soát viên có quyền tiếp cận các hồ sơ, tài liệu của công ty lưu giữ tại trụ sở chính, chi nhánh và địa điểm khác; có quyền đến các địa điểm làm việc của người quản lý và nhân viên của công ty trong giờ làm việc.
HĐQT, thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của thành viên Ban kiểm soát hoặc Ban kiểm soát.
Ở Việt Nam, vai trò của Ban kiểm soát còn khá mờ nhạt do thành viên Ban kiểm soát thường không thực sự độc lập, là người thân quen do HĐQT hoặc Ban giám đốc giới thiệu. Tuy nhiên, khi xảy ra các nghi vấn về các vấn đề sai pham, cổ đông cũng nên sử dụng quyền của mình để yêu cầu Ban kiểm soát điều tra và trả lời cho cổ đông do Ban kiểm soát có nhiều quyền tiếp cận thông tin, đồng thời yêu cầu thực hiện những nghĩa vụ được cổ đông tín nhiệm giao phó. Đây cũng là một cách gián tiếp để gây sức ép lên HĐQT hoặc đội ngũ quản lý để họ cẩn trọng hơn trong công tác điều hành.
Trường hợp Ban kiểm soát không thực hiện những yêu cầu của cổ đông nêu trên, dẫn đến gây thiệt hại, thì theo quy định của Luật, kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới bồi thường thiệt hại đó.
Quyền triệu tập họp ĐHCĐ
Khoản 3, Điều 114, Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 10% tổng số cổ phần đang lưu hành có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHCĐ trong các trường hợp sau: HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; nhiệm kỳ của HĐQT đã vượt quá 6 tháng mà HĐQT mới chưa được bầu thay thế.
Quyền này cho phép cổ đông triệu tập họp ĐHCĐ bất thường để ngăn chặn những sai phạm nghiêm trọng của HĐQT hoặc người quản lý công ty, tránh những tổn thất có thể xảy ra.
Quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần
“Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ĐHCĐ thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này” (Điều 129, Luật Doanh nghiệp).
Như vậy, Điều 129, Luật Doanh nghiệp cho phép cổ đông yêu cầu công ty mua lại trong trường hợp cổ đông không đồng ý các quyết định của công ty mà cổ đông cho rằng ảnh hưởng trọng yếu tới quyền lợi của cổ đông như tổ chức lại công ty, thay đổi điều lệ công liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cổ đông. Cổ đông nhỏ nên lưu ý vận dụng quy định này trong trường hợp công ty đã bị thâu tóm bởi một nhóm cổ đông lớn, với tỷ lệ chiếm đa số cho phép nhóm cổ đông này có thể đủ tỷ lệ phiếu thông qua việc thay đổi điều lệ công ty theo hướng có lợi cho họ, để thực hiện quyền kiểm soát tuyệt đối. Ví dụ, việc thay đổi tỷ lệ biểu quyết thông qua các nghị quyết tại ĐHCĐ từ 65% xuống còn 51%.
Cơ chế xác định giá mua được Luật quy định như sau: “Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 3 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng”.
Trong trường hợp công ty vẫn không thực hiện việc mua lại này, cổ đông có thể báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư và khởi kiện công ty ra tòa để yêu cầu thực hiện.