Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 đang tập trung chỉ đạo các địa phương khắc phục thiệt hại, theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ sau bão.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, lúc 17h chiều nay (28/10), sau khi đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt - Lào.
Hồi 14h chiều nay (28/10), trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi gió cấp 10, 11, giật cấp 13.
Đáng chú ý, toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Về 2 tàu của Bình Định đang bị chìm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Quốc phòng điều 2 tàu Hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ.
Ứng phó với bão số 9, các địa phương chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với ngành giao thông tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông.
Cập nhật đến 17h chiều 28/10 của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 cho biết, ảnh hưởng của bão đã làm 1 người chết ở Gia Lai, 2 người bị thương ở Bình Định, hiện tại có 360 xã bị mất điện; 34 nhà bị sập, hơn 56 ngàn ngôi nhà bị tốc mái. Mưa lớn khiến lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai đang lên nhưng ở mức trên báo động 1.
Theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, các công việc cần tiếp tục triển khai gồm: theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ sau bão; tổng hợp thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả, đặc biệt là Quảng Ngãi; triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuyền viên trên 2 tàu cá Bình Định; sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; vận hành hồ chứa phù hợp, giảm lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt trên sông Vu Gia – Thu Bồn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, các địa phương cần tăng cường lực lượng trực ban, chia sẻ thông tin kịp thời về công tác chỉ đạo điều hành ứng phó khắc phục hậu quả.
“Hiện nay, lũ của các sông đặc biệt là sông Vệ đã lên trên báo động số 3 những giờ tới tiếp tục lên cao. Thậm chí, dự báo trên báo động số 3 khoảng 1m. Công tác tập trung số 1 là ứng phó di chuyển di dời tiếp người dân ở hạ du của tất cả các lưu vực sông Nam Trung Bộ ở vùng trũng để đảm bảo an toàn, công điện này phải tiến hành khẩn trương nga y từ giờ phút này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Chiều nay (28/10), hoàn lưu bão số 9 đã quét qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gây mưa to, gió lớn. Đặc biệt, vào lúc 16h, hoàn lưu của bão số 9 làm nhiều nhà tại 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới bị tốc mái, cây cối gãy đổ la liệt.
Theo thống kê ban đầu, tại huyện A Lưới, hơn 40 nhà ở các xã A Ngo, Trung Sơn, Lâm Đớt, Hương Nguyên… bị tốc mái; tại huyện Nam Đông, hàng chục ngôi nhà ở các xã Thượng Long, Thượng Quảng bị tốc mái, hư hại.
Nhiều nhà dân ở Thừa Thiên Huế bị tốc mái. |
Hiện ở các huyện này, hệ thống điện bị tê liệt nên việc thống kê thiệt hại vẫn chưa đầy đủ. Do mưa lớn khu vực thượng nguồn, các thủy điện vận hành điều tiết nước cùng với triều cường cao nên một số vùng hạ du đang tiếp tục bị ngập, như tại các xã Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành, huyện Quảng Điền; xã Phong Bình, huyện Phong Điền; xã Hương Phong, huyện Hương Trà ngập đến 0,3 đến 0,5m.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết đối với những nhà bị tốc mái, tỉnh chỉ đạo lực lượng tại chỗ giúp dân khắc phục hậu quả.
“Hoàn lưu bão vẫn đang còn gây ra gió lớn ở trên địa bàn, đặc biệt là vùng cao Nam Đông, A Lưới thì cũng đã gây sập nhà, tốc mái, hiện nay, các lực lượng tại chỗ cũng đang hỗ trợ người dân. Những nhà tốc mái thì tiến hành di dân, che chắn, bảo vệ tài sản cho người dân. Trong tình cảnh gió vẫn khá lớn thì cái đầu tiên thì chúng tôi đang sử dụng lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân”.- Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.