Bảo lãnh ngân hàng bước vào cuộc sàng lọc mới

Bảo lãnh ngân hàng bước vào cuộc sàng lọc mới

(ĐTCK) Trước hiện trạng xảy ra ngày càng nhiều các tranh chấp phát sinh trong nghiệp vụ bảo lãnh, ngày 3/10/2012, NHNN đã ban hành Thông tư 28/2012/TT-NHNN quy định về nghiệp vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Hàng loạt bê bối xuất phát từ hoạt động làm giả, ký khống, ký không đúng thẩm quyền… các hợp đồng bảo lãnh ngân hàng đã xảy ra trong quá khứ và mới đây nhất là vụ Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) từ chối nghĩa vụ bảo lãnh cho bên thụ hưởng là Vinaconex-Viettel với lý do hợp đồng ký sai thẩm quyền, không có trong hệ thống…, đã thổi bùng nỗi lo của nhiều DN, nhất là các DN đang thuộc đối tượng được nhận bảo lãnh.

Bảo lãnh ngân hàng bước vào cuộc sàng lọc mới ảnh 1

Việc Vinaconex-Viettel bị từ chối thanh toán khoản bảo lãnh trị giá 150 tỷ đồng mới đây đã thổi bùng nỗi lo của nhiều DN đang thuộc đối tượng được nhận bảo lãnh

 

Nếu đến ngày đáo hạn hợp đồng, DN đối tác không thực hiện đúng cam kết và ngân hàng bảo lãnh cũng viện dẫn nhiều lý do để từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì sao? Câu hỏi này đã thôi thúc nhiều DN làm công văn, gọi điện đến nhiều ngân hàng để tìm hiểu tính xác thực của hợp đồng bảo lãnh, tính chắc chắn trong các điều khoản cam kết, nhằm tìm kiếm sự yên tâm hơn trước những câu chuyện bất thường. Cùng với nhu cầu tự rà soát, giám sát và tìm hiểu về hợp đồng bảo lãnh từ chính các DN, từ ngày 2/12/2012, Thông tư 28/2012/TT-NHNN có hiệu lực thi hành, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều quy định ràng buộc nghĩa vụ của các bên liên quan đến hợp đồng bảo lãnh, đặt trọng tâm vào việc đảm bảo quyền lợi của bên nhận bảo lãnh. Theo các chuyên gia, sự khắt khe của khách hàng và nghĩa vụ tuân thủ những quy định chặt chẽ mà NHNN vừa ban hành, sẽ hướng nghiệp vụ bảo lãnh tại các ngân hàng vào một cuộc sàng lọc mới.

 

Bảo lãnh ngân hàng và rủi ro tiềm ẩn

Là người trong nghề, từng tiếp nhận, xử lý nhiều vụ việc phức tạp, chia sẻ với ĐTCK, Luật sư Trần Minh Hải, Chủ tịch CTCP Đào tạo nghiệp vụ ngân hàng kiêm Giám đốc Công ty Luật ngân hàng - chứng khoán - đầu tư cho rằng, có 3 loại rủi ro tiềm ẩn mà các DN thường mắc phải.

Thứ nhất là rủi ro đến từ điều kiện thanh toán của bảo lãnh không khả thi. Thông thường, rủi ro này phát sinh khi chứng thư bảo lãnh yêu cầu bên nhận bảo lãnh phải gửi hồ sơ chứng minh bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ. Điều này, trong nhiều trường hợp dễ dẫn tới bế tắc cho cả 3 bên: ngân hàng, khách hàng bên thụ hưởng bảo lãnh và khách hàng bên được bảo lãnh. Để khắc phục loại rủi ro này, các ngân hàng có kỹ năng nghiệp vụ tốt thường phát hành bảo lãnh vô điều kiện, tức là chỉ cần nhận được văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì ngân hàng lập tức thanh toán cho bên thụ hưởng. Sau đó, ngân hàng buộc khách hàng nhận nợ, nếu không trả được nợ thì xử lý tài sản. Nội dung này thường được ngân hàng đưa vào hợp đồng cấp bảo lãnh ký với khách hàng. Cách làm này vừa bảo đảm việc thông suốt trong quan hệ bảo lãnh, vừa tôn cao uy tín ngân hàng, vì việc thanh toán đúng hạn.

Rủi ro thứ hai là người ký phát không đúng thẩm quyền. Rủi ro này sẽ xảy ra khi người ký không phải là đại diện theo pháp luật, không được người đại diện ủy quyền, phân cấp hoặc giao dịch có giá trị quá lớn vượt thẩm quyền được ký. Do đó, bên phát hành bảo lãnh có quyền viện dẫn pháp luật để từ chối bảo lãnh. Việc ký kết không đúng thẩm quyền từng xảy ra tại các ngân hàng như Agribank, HDbank… và mới đây là Seabank, dẫn đến quá trình xử lý sau đó rất phức tạp.

Rủi ro thứ ba là bảo lãnh bị làm giả chữ ký, con dấu giả mạo người có thẩm quyền của bên phát hành bảo lãnh. Cơ quan công an điều tra Bộ Công an từng phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam 3 đối tượng làm giả chứng thư bảo lãnh Ngân hàng HSBC để trục lợi là một ví dụ cho loại rủi ro này.

 

Tìm người đồng hành tin cậy, ở đâu?

Nghiệp vụ bảo lãnh thường không được dư luận để ý do tính chất âm thầm là “người bảo vệ”, “người đứng sau” các hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, trong môi trường kinh doanh ngày một phức tạp, nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo lãnh của DN ngày một lớn, trong khi các vụ việc tranh chấp diễn ra ngày một nhiều, câu hỏi trực diện với nhiều DN là làm thế nào để tìm được địa chỉ ngân hàng tốt, gửi gắm niềm tin và đạt được sự an toàn trong nghiệp vụ bảo lãnh khi cần?

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, không ngân hàng nào có thể loại trừ hoàn toàn tất cả các rủi ro phát sinh liên quan đến hợp đồng giao dịch bảo lãnh, nhưng các rủi ro này sẽ được quản lý giảm thiểu tùy theo mức độ quan tâm đầu tư vào công tác quản trị rủi ro và chất lượng quy trình nghiệp vụ của từng ngân hàng. Tại MB, với định hướng phát triển nhanh - hiệu quả - an toàn, công tác quản trị doanh nghiệp, trong đó định rõ vai trò của quản trị rủi ro đã được Ban lãnh đạo Ngân hàng xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2008, cùng với sự phát triển của Ngân hàng, hệ thống quy trình quy chế của MB ngày càng được hoàn thiện, cùng với đó là hệ thống các cơ quan kiểm toán nội bộ, bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro được thiết lập do Ban Kiểm soát, Hội đồng Quản trị và Ban Tổng giám đốc phụ trách và chỉ đạo trực tiếp. Bên cạnh đó, với nỗ lực tăng trưởng liên tục, ổn định ở mức cao (20-25%/năm), hoạt động kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro được tổ chức tốt đã giúp MB luôn vững bước, tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp lý của Nhà nước, giữ được niềm tin và sự chuẩn mực trong mối quan hệ với khách hàng.

Trở lại với nghiệp vụ bảo lãnh, MB thực hiện xây dựng quy trình cấp bảo lãnh chặt chẽ, xem xét cấp bảo lãnh cho khách hàng tương tự như một khoản vay dựa trên phương án kinh doanh, khả năng quản lý kiểm soát phương án của ngân hàng và có sự phân cấp thẩm quyền phê duyệt (Chi nhánh/Hội sở/các Hội đồng tín dụng) các khoản bảo lãnh và tách bạch, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các đơn vị tham gia vào quy trình cấp bảo lãnh. Trong mỗi hoạt động của một quy trình, công việc đều đảm bảo nguyên tắc “4 mắt” - có ít nhất một người thực hiện và một người kiểm soát. Và sự phân quyền được thực hiện công khai, chặt chẽ, nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng. Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược hướng MB trở thành ngân hàng thuận tiện, nằm trong TOP 3 ngân hàng cổ phần lớn nhất vào năm 2015, khách hàng luôn được đặt vào vị trí trung tâm trong các hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng. Tại MB , sự thay đổi trong giai đoạn phát triển mới (2011 - 2015) đang diễn ra rất mạnh mẽ trên ba nền tảng: nâng cao năng lực quản trị; tối ưu hóa vận hành và văn hóa thực thi nhanh hướng tới khách hàng, đổi mới, sáng tạo.

Mặc dù không có thống kê chính thức để có thể so sánh trực tiếp, nhưng trong nghiệp vụ bảo lãnh, MB là một trong số ít ngân hàng đạt được sự tín nhiệm rất cao, nhất là với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, công nghiệp, DN là khách hàng truyền thống của MB. Nghiệp vụ bảo lãnh là một phần của nghiệp vụ tín dụng và tại MB, định hướng xây dựng dịch vụ theo một chu trình hoàn chỉnh, phục vụ tối đa các nhu cầu của khách hàng đã được thiết lập không riêng với các nghiệp vụ tín dụng, mà với tất cả các hoạt động của ngân hàng, cùng các công ty thành viên. Theo lãnh đạo MB, đây là mô hình mà nhiều tập đoàn tài chính lớn trên thế giới như CitiGroup, HSBC, UBS hay JP Morgan Chase… đã áp dụng thành công và giúp đưa tên tuổi của họ phát triển mạnh mẽ.

 

“Phần thưởng” với người vững bước

Trước hiện trạng xảy ra ngày càng nhiều các tranh chấp phát sinh trong nghiệp vụ bảo lãnh, ngày 3/10/2012, NHNN đã ban hành Thông tư 28/2012/TT-NHNN quy định về nghiệp vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất tại văn bản này là quy định về thẩm quyền ký hợp đồng cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh. Theo đó, Thông tư 28 quy định, hợp đồng cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh của bên bảo lãnh phải được ký bởi 3 chủ thể: người đại diện theo pháp luật; người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh; người thẩm định khoản bảo lãnh.

Thông tư cũng yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định việc ủy quyền ký hợp đồng cấp bảo lãnh, các cam kết bảo lãnh đối với người đại diện theo pháp luật, người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh cho các chức danh trong hệ thống của mình. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản hoặc phải ban hành văn bản quy định thẩm quyền ký các văn bản bảo lãnh phù hợp với quy định tại Thông tư và quy định của pháp luật.

Theo nhiều ý kiến, quy định này là quá chặt chẽ nếu so với hiện trạng thực hiện hợp đồng bảo lãnh tại đại đa số ngân hàng từ trước đến nay. Thông thường, trong các hợp đồng bảo lãnh chỉ có 1 chữ ký của người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền tại ngân hàng. Nay, NHNN yêu cầu hợp đồng phải có đủ 3 chữ ký của 3 chủ thể, được coi là một đòi hỏi khắt khe với nhiều tổ chức tín dụng. Thực tế, không phải ngân hàng nào cũng xây dựng được một hệ thống nhân sự độc lập, đảm trách việc quản trị rủi ro riêng. Trong khi đó, do tính chất đặc thù của hoạt động quản trị rủi ro, nên muốn xây dựng một bộ phận đảm trách công tác này thực sự khách quan, hiệu quả, hoạt động có chiều sâu là việc không đơn giản, không thể làm trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, chính sự khắt khe của quy định pháp lý đang và sẽ tạo nên một sự sàng lọc bắt buộc và ở đó, “phần thưởng” sẽ đến với những ngân hàng luôn biết trân trọng uy tín, có tầm nhìn chiến lược trong xây dựng hệ thống để đạt cả 2 mục tiêu, phát triển nhanh và bền vững như MB.