Bão Kompasu làm gia tăng vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu

Bão Kompasu làm gia tăng vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bão số 8 Kompasu đi qua khu vực Bắc Biển Đông vào Vịnh Bắc Bộ cộng với những rắc rối trong chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid-19 đang gây ra tình trạng tồn đọng tàu container từ Thâm Quyến đến Singapore.

Dữ liệu vận chuyển do Bloomberg tổng hợp cho thấy, hiện có 67 tàu container đang neo đậu ngoài khơi Hồng Kông và Thâm Quyến, tắc nghẽn nhiều hơn khoảng 22% so với mức trung bình hàng ngày từ tháng 4 đến ngày 14/10. Bão Kompasu đã khiến các trường học ở Hồng Kông phải đóng cửa và thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng tạm ngưng giao dịch trong ngày 13/10.

Cơn bão đã gây ra hiệu ứng domino với 37 con tàu hiện đang chờ ngoài khơi ở Singapore, tắc nghẽn nhiều hơn 18% so với bình thường. Singapore được xem là một trong những cảng nhộn nhịp nhất trên thế giới và là trung tâm chính trung chuyển của hàng hải thế giới. Vì vậy, bất kỳ sự gián đoạn nào tại Singapore sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng tới chuỗi cung ứng.

Theo Cơ quan cảng Busan ở Hàn Quốc, các tàu phải đợi khoảng 3 ngày để cập bến và điều đó làm gia tăng tình trạng tắc nghẽn tại các cảng. Gần 40 tàu đang neo đậu ở ngoài khơi Los Angeles, tắc nghẽn nhiều hơn 4,5% so với bình thường, trong khi 11 tàu đang đậu ở ngoài khơi bờ biển Malaysia tại Tanjung Pelepas, tạo ra tỷ lệ tắc nghẽn cao hơn khoảng 25% so với mức trung bình.

Um Kyung-a, nhà phân tích tại Shinyoung Securities ở Seoul cho biết: “Các công ty vận tải biển và các bên liên quan đang cố gắng giải quyết công việc tồn đọng, vì lo ngại rằng nhiều hàng hóa trong dịp lễ cuối năm sẽ không bao giờ đến tay người tiêu dùng kịp thời. Tháng này sẽ là giai đoạn thử thách nhất, nhưng hy vọng mọi thứ sẽ bắt đầu dễ dàng hơn từ quý IV”.

Sự tắc nghẽn tại các cảng container trên khắp thế giới đang tạo thêm áp lực cho các chuỗi cung ứng vốn đang căng thẳng. Các trường hợp nhiễm Covid-19 tại các cảng cùng với tình trạng thiếu container vận chuyển và lao động đã làm trầm trọng thêm vấn đề này khi các nhà xuất khẩu cố gắng gửi hàng đến Mỹ và châu Âu trước cuối năm nay.

Dave Ng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Singapore cho biết, các tàu đang chờ từ 1 đến 3 ngày để cập cảng tại hầu hết các cảng lớn ở Đông Nam Á, bao gồm cả Singapore. Thời gian chờ đợi là hơn ba ngày tại các cảng lớn ở Đông Bắc Á và có thể kéo dài đến hơn một tuần ở các khu vực khác trên thế giới.

"Tình trạng tắc nghẽn cảng toàn cầu khiến việc lập kế hoạch và đặt chỗ các chuyến hàng đi biển ngày càng trở nên không chắc chắn. Chi phí vận tải đường biển đã tăng từ 5 đến 6 lần so với mức tiền Covid-19 và điều này dẫn đến chi phí hoạt động cao hơn cho các công ty hậu cần”, ông Dave Ng cho biết.

Ông cho biết, các công ty logistics đã và đang nỗ lực cải thiện năng suất kinh doanh bằng cách chia sẻ nguồn lực và tận dụng công nghệ, nhưng họ vẫn gặp khó khăn trong việc lấp đầy việc làm, đặc biệt là lái xe và kho bãi và điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động trong thời gian tới.

Tập đoàn A.P. Moeller-Maersk A/S cho biết, vào đầu tuần này rằng, họ đang chuyển hướng một số tàu khỏi cảng container lớn nhất của Anh vì tình trạng tắc nghẽn liên quan đến việc thiếu xe tải. Nhiều công ty hậu cần gặp khó khăn trong việc tìm tài xế nhận và giao container, gây ra tình trạng tồn đọng tại cảng Felixstowe.

Tình trạng tắc nghẽn cảng và thiếu container đã khiến giá vận chuyển lên mức kỷ lục trong năm nay. Theo chỉ số Drewry World Container Index, phí giao ngay để vận chuyển một container 40 feet từ Thượng Hải đến Los Angeles đã đạt đỉnh 12.424 USD vào tháng 9 trước khi giảm xuống 11.173 USD vào ngày 7/10. Phí vận chuyển container từ Thượng Hải đến Rotterdam đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 14.807 USD vào tuần trước.

Các nhà xuất khẩu và các công ty vận chuyển đã cố gắng tìm các tuyến đường thay thế để tránh tình trạng tồn đọng hàng hóa. Một số hàng hóa từ Trung Quốc hiện đang được chuyển đến Busan (Hàn Quốc) để chuyển tiếp tới bờ biển phía Đông của Nga trước khi được đưa lên các chuyến tàu và gửi qua châu Âu.

Hôm 13/10, chính phủ Mỹ đã thông báo rằng, Cảng Los Angeles sẽ bắt đầu hoạt động 24/7 như một phần của nỗ lực phá vỡ tình trạng tắc nghẽn tại các cảng.

Tin bài liên quan