Vượt khó để vươn lên

Vượt khó để vươn lên

(ĐTCK) Bị gắn mác “lừa đảo”, bị trục lợi bảo hiểm, bị kiện tụng dẫu phía bảo hiểm không sai, bị kinh doanh đa cấp lôi kéo lực lượng đại lý, câu kéo nhân viên quy mô lớn…, nhưng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn vươn lên để thành công.

Câu kéo nhân viên quy mô lớn

Với các công ty bảo hiểm thuộc Top đầu, nhân sự giỏi luôn bị các doanh nghiệp đối thủ cùng các doanh nghiệp tân binh nhòm ngó, lôi kéo. Prudential Việt Nam là một trong những công ty bị câu kéo nhân viên nhiều nhất. Tình trạng câu kéo ở quy mô lớn diễn ra năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới, khiến hoạt động kinh doanh của Công ty gặp không ít thách thức. Có doanh nghiệp bảo hiểm đang trong quá trình thành lập chủ động lôi kéo 40 - 50 nhân viên giỏi của Prudential Việt Nam, ảnh hưởng đến tâm lý của cả ngàn nhân viên công ty này.

Trước đó, năm 2006, nhân lực của Prudential Việt Nam cũng bị san sẻ cho ngành ngân hàng và chứng khoán, lực lượng kinh doanh của Công ty suy giảm nghiêm trọng trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động và các ngân hàng phát triển mạnh mạng lưới. Càng về cuối năm, càng có thêm nhân viên và đại lý chuyển sang tham gia các tổ chức kinh doanh chứng khoán và ngân hàng. So với đầu năm, lực lượng đại lý bảo hiểm của Prudential Việt Nam chỉ còn phân nửa. Kết quả, Công ty không đạt doanh số đề ra, nhưng với các giải pháp kịp thời của Ban lãnh đạo và nỗ lực của toàn thể nhân viên, lợi nhuận vẫn tăng; năm 2008, Công ty cũng giữ được nhịp tăng trưởng.

Trong suốt chiều dài hoạt động, cạnh tranh nhân sự luôn nóng không chỉ tại Prudential Việt Nam, mà còn tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài khác. Thậm chí, cho đến đầu năm 2013, mạng lưới tổng đại lý của một doanh nghiệp bảo hiểm bị tấn công quy mô lớn bởi một công ty bảo hiểm khác khi bỏ ra một khoản tiền rất lớn để câu kéo hàng chục tổng đại lý sang công ty của họ.

Tình trạng này diễn ra ở nhiều địa bàn trong cả nước, kéo dài từ miền Nam ra miền Bắc như An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, TP. HCM, Đắc Nông, Quảng Bình, Nghệ An, Hải Dương… Trong một cuộc họp của ngành bảo hiểm, lãnh đạo ngành nói, đó là một vết nhơ của lịch sử phát triển ngành bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam, gây ra hệ quả xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng. Sau đó, vị lãnh đạo này đã chỉ đạo nghiêm cấm các doanh nghiệp bảo hiểm bỏ tiền ra để làm những chuyện như vậy.

Hiện tượng câu kéo nhân sự cũng diễn ra với khối bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng ở mức độ thấp hơn.

Kinh doanh đa cấp lôi kéo lực lượng đại lý

Khoảng 10 năm trở lại đây, kinh doanh đa cấp xuất hiện và lôi kéo lực lượng đại lý của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tham gia vào mạng lưới của họ. Năm 2005 có thể xem là đỉnh điểm của loại hình kinh doanh này. Hầu hết hoạt động kinh doanh đa cấp khi đó đều mang yếu tố lừa đảo người tiêu dùng. Ban đầu, hoạt động kinh doanh đa cấp chủ yếu diễn ra tại TP. HCM và Hà Nội, sau đó lan ra các tỉnh, thành khác. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã phải rất vất vả đối phó với tình trạng này.

Vượt qua gian khó

Phó tổng giám đốc Prudential Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Thành Đạt chia sẻ, từ khi đi vào hoạt động đến nay, ngoại trừ năm 2009, chưa có năm nào Công ty được yên ổn để tập trung vào việc kinh doanh. Dẫu vậy, khó khăn càng làm Công ty mạnh hơn.

“Vượt qua khó khăn là cách để làm mình mạnh lên. Kết quả Prudential Việt Nam có được ngày hôm nay là sự đóng góp của bao thế hệ nhân viên và đại lý nối tiếp nhau vượt qua những sự cố phát sinh ở một thị trường bảo hiểm còn non trẻ”, vị lãnh đạo có 15 năm gắn bó với Công ty nói.

Với doanh nghiệp vượt khó để đạt doanh thu khai thác mới trong năm 2013 gần 1.568 tỷ đồng, tăng trưởng 20% là Bảo Việt Nhân thọ, ông Nguyễn Đức Tuấn, Tổng giám đốc Công ty bộc bạch, bối cảnh khó khăn của nền kinh tế là động lực để Bảo Việt Nhân thọ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng và phát triển các loại hình sản phẩm mới, với 3 sản phẩm ưu việt trong năm 2013.

Hay nói như Chủ tịch Vinare, ông Trịnh Quang Tuyến, dẫu khó khăn đến mấy, Vinare cũng sẵn sàng đón nhận và vượt qua thử thách trên con đường hiện thực chiến lược nâng tầm hoạt động, thậm chí, coi thách thức là động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Hệ thống tốt

“Là mô hình liên doanh kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, cung cấp dịch vụ chủ yếu cho các nhà đầu tư Hàn Quốc (trong đó dịch vụ của Tập đoàn Samsung chiếm hơn 75%), nên yêu cầu đặt ra là gọn nhẹ, hiệu quả, phát huy tối đa nguồn nhân lực và công nghệ thông tin, với sự trợ giúp của Samsung”, Tổng giám đốc SVI, ông Lee Seung Hyun nói.

Ông Nguyễn Thanh Tứ, Tổng giám đốc Vinare cho biết, Công ty chủ trương đặt hiệu quả lên hàng đầu, tăng cường kiểm soát chất lượng, kiểm soát rủi ro, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới các tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng phạm vi hoạt động trên thị trường khu vực và thế giới, tái cấu trúc bộ máy.

Vinare là doanh nghiệp tái bảo hiểm đầu tiên và lớn nhất thị trường hiện nay, có dư nợ tiền gửi ngân hàng rất lớn, tổng vốn huy động đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, cổ tức cao nhất trong khối bảo hiểm (20%). Công ty duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 10,5%/năm, đến năm 2013, lợi nhuận trước thuế tăng 20%, ước đạt 360 tỷ đồng. Hiện Công ty đang trong quá trình hoàn tất tái cấu trúc theo tư vấn của Swiss Re.

Chia sẻ bí quyết thành công của Bảo Việt Nhân thọ, ông Nguyễn Đức Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cho hay, đó là do sản phẩm ưu việt và dịch vụ tận tâm, sự nỗ lực không ngừng của cả một tập thể trong nhiều năm liền, chiến lược kinh doanh đúng đắn, mô hình tổ chức hoạt động hiệu quả, chuẩn hóa công tác nghiệp vụ, đào tạo bài bản đội ngũ cán bộ và tư vấn viên.

Sức mạnh nội ngành

PVI là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ điển hình có sức mạnh nội ngành. Với kinh nghiệm, uy tín và tầm nhìn của mình, cùng thế mạnh của cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, PVI có mặt tại hầu hết các dự án, công trình lớn và trở thành nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 tại Việt Nam. PVI có ưu thế nhất định trong cạnh tranh với các doanh nghiệp bảo hiểm khác để được tham gia bảo hiểm cho các dự án, công trình lớn ngoài ngành. Trong khi đó, với đặc thù nghiệp vụ bảo hiểm dầu khí, hàng không luôn có lãi đã góp phần giúp PVI có lãi nghiệp vụ kể từ khi thành lập đến nay. Sức mạnh nội ngành cũng hứa hẹn giúp PVI trong mảng bảo hiểm nhân thọ kể từ năm 2014, khi số lượng cán bộ - công nhân viên của ngành dầu khí là rất lớn.

Với Bảo Việt, thế mạnh của cổ đông nhà nước là Bộ Tài chính, sở hữu hơn 70% cổ phần, đã hỗ trợ đắc lực cho Công ty ở cả 2 mảng bảo hiểm là nhân thọ và phi nhân thọ, giúp Bảo Việt chiếm thế thượng phong trong khối bán lẻ cũng như dẫn đầu nhiều nghiệp vụ.

Tất nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tổng giám đốc PVI, ông Bùi Vạn Thuận cho biết, PVI không ngủ quên trên chiến thắng, PVI xác lập mục tiêu mới đầy khát vọng với 1 tỷ USD doanh thu trong giai đoạn 2018 - 2020 và quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng trong các năm sắp tới.

Tin bài liên quan