Ông Nguyễn Ngọc Bảo

Ông Nguyễn Ngọc Bảo

“Vốn từ bảo hiểm vẫn chưa chảy đúng dòng”

(ĐTCK) Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một trong những hạn chế của thị trường bảo hiểm tại Hội nghị thị trường bảo hiểm năm 2015 là vốn từ bảo hiểm vẫn chưa chảy đúng dòng, cần hướng dòng vốn này đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế.

Trái phiếu, tiền gửi chiếm 70 - 90%

Tại hội nghị, ông Bảo cho biết, giai đoạn 2008 - 2014, đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm vào trái phiếu chính phủ, tiền gửi vào các tổ chức tín dụng lên tới 70 - 90%. Xét thông lệ quốc tế cũng như yêu cầu của nền kinh tế thì dòng tiền như thế chưa phải là phù hợp.

Chưa phù hợp, theo ông Bảo, là tất yếu khi kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, đầu tư vào các dự án còn phức tạp, chủ yếu vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi các dự án khác tập trung ở các tập đoàn, tổng công ty. Do đó, dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm chưa chảy đúng dòng của nó. Xét về tỷ suất lợi nhuận, nhu cầu của nền kinh tế cũng như chủ trương chính sách của Nhà nước, nên hướng dòng vốn này đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế.

Nên dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác

“Nếu tiếp tục đầu tư như hiện tại, nghĩa là chỉ tập trung chính vào 2 kênh ngân hàng và trái phiếu thì đó vẫn là các kênh đầu tư mang tính trung gian, sinh lời không cao, dù an toàn hơn”, ông Bảo nói và cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm cần có sự dịch chuyển từng bước để đầu tư trực tiếp vào các dự án của nền kinh tế, vì nhu cầu về vốn tại các dự án của các bộ, ngành còn rất lớn.

“Qua trao đổi với đồng chí Thứ trưởng Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông thì được biết, bộ này rất muốn chuyển hóa các kết quả nghiên cứu của mình thành những sản phẩm mang tính xã hội, nhưng đang gặp bế tắc về vốn nên có định hướng sử dụng các kênh đầu tư tài chính, trong đó có bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm nên tận dụng cơ hội này để tìm kiếm, nghiên cứu các kênh đầu tư phù hợp”, ông Bảo chia sẻ.

“Vốn từ bảo hiểm  vẫn chưa chảy đúng dòng” ảnh 2

Trao đổi với ĐTCK, phó tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm lớn cho hay, không phải đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm mới nghĩ đến hướng đầu tư trên, mà ngược lại, đã nghĩ đến từ nhiều năm trước khi xu hướng đầu tư tại thị trường bảo hiểm các nước có sự dịch chuyển ra bên ngoài đáng kể.

“Thế nhưng, cái khó nhất vẫn là làm sao để cân đối giữa mục tiêu sinh lời với đảm bảo an toàn trong đầu tư nói riêng, trong hoạt động nói chung khi bảo hiểm vốn là nghề bảo đảm rủi ro cho khách hàng và trong bối cảnh môi trường đầu tư chưa thực sự bền vững, trong khi cơ hội sinh lời cao thường đi liền với rủi ro lớn”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bảo cho biết, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cũng như coi trọng sự phát triển của các thị trường đầu vào, trong đó có thị trường tài chính - bảo hiểm, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế. Định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 là: “Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistic và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác”.

“Vốn từ bảo hiểm  vẫn chưa chảy đúng dòng” ảnh 3

Cần bước chân ra nước ngoài

Trong bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm có sự cạnh tranh khốc liệt, ông Bảo khuyến nghị, các doanh nghiệp cần mạnh dạn bước chân ra thị trường nước ngoài, đồng thời đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, cũng như tăng cường công tác quản trị, giám sát doanh nghiệp. Ngoài ra, thị trường bảo hiểm nông thôn còn rộng mở, các doanh nghiệp bảo hiểm, dù thuộc khối nhân thọ hay phi nhân thọ cũng nên nghiên cứu triển khai, chia sẻ một phần rủi ro đối với các sản phẩm mang tính chính trị, nhân văn vì sự bền vững của nền kinh tế.

“Những thị trường mới nổi đều là những địa chỉ chúng ta có thể thâm nhập. Với năng lực, trình độ hiện tại, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm Việt có vị thế ngang ngửa với doanh nghiệp các nước trong khu vực”, ông Bảo nói.

Thực tế, vươn ra thị trường khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar… đã và đang được một số doanh nghiệp bảo hiểm triển khai. Chẳng hạn, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã cấp đơn bảo hiểm cho khách hàng Singapore từ năm 2000 và đạt được những thành công nhất định. CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) hợp tác với Ngân hàng Phát triển Lào (LDB) thành lập Công ty Bảo hiểm Lane Xang, chỉ sau hơn 1 năm hoạt động tại thị trường Lào, công ty này đã mang lại doanh thu không nhỏ, trong khi một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mới thành lập thường phải chịu lỗ kỹ thuật khoảng 3 - 4 năm. Hay Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) thành lập liên doanh bảo hiểm tại Lào và Campuchia, hai liên doanh này có tốc độ tăng trưởng khá mạnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, bước ra thị trường nước ngoài là cần thiết, nhưng đang băn khoăn không biết vượt qua những trở ngại ban đầu như thế nào.

Về việc vươn ra thị trường khu vực và quốc tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nêu quan điểm, thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp cần tập trung làm tốt, vững chân ở thị trường trong nước, sau đó mới nên mở rộng hoạt động ra nước ngoài.

“Vốn từ bảo hiểm  vẫn chưa chảy đúng dòng” ảnh 4

… và đầu tư nhân lực, công nghệ thông tin

Nhiều ý kiến tại hội nghị nhìn nhận, đầu tư cho nhân sự và hệ thống công nghệ theo chuẩn mực quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển nhanh và bền vững. Theo ông Bảo, công tác giám sát và quản lý bảo hiểm cũng cần được “công nghệ hóa”.

Trong công tác quản trị kinh doanh, ông Bảo tán thành quan điểm quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế. Muốn vậy, cần có các bước tiếp cận nhanh hơn, đặc biệt đối với nhân lực và công nghệ thông tin, hiện vẫn được xem là điểm nghẽn, nếu sớm được tháo gỡ sẽ trở thành động lực để thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển.

Ngoài những hạn chế thì ông Bảo cũng chỉ ra nhiều điểm sáng của thị trường bảo hiểm trong những năm qua, trong đó liên quan đến đầu tư thì có điểm sáng trong công tác thoái vốn ngoài ngành tại các doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần giúp hoạt động kinh doanh minh bạch, hiệu quả hơn, mang lại một sân chơi bình đẳng.

Cụ thể, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Bảo Việt và Tổng công ty Hàng không đã lần lượt hoàn tất thoái vốn tại Bảo hiểm SHB - Vinacomin (nay là BSH), GIC, Bảo Long và VNI. Bên cạnh đó là điểm sáng trong đội ngũ nhân lực của ngành, kết quả phân loại doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, phần lớn thuộc nhóm 1, đầu tư an toàn…

“Đến năm 2018, những ưu đãi về vốn ODA sẽ rất ít nên sự phát triển của thị trường tài chính, trong đó có bảo hiểm là cấp thiết. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn coi trọng sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Thị trường cần có những bước tiến nhanh hơn để tiến xa hơn”, ông Bảo nói.

Tin bài liên quan