Robot hay RPA sẽ là những công cụ áp dụng nhiều vào hoạt động bảo hiểm

Robot hay RPA sẽ là những công cụ áp dụng nhiều vào hoạt động bảo hiểm

Ứng dụng Robotic trong ngành Bảo hiểm: Tại sao không?

(ĐTCK) Có một viễn cảnh được mô tả như thế này: Một phần mềm máy tính, được lập trình cho phép tương tác với các ứng dụng kinh doanh, sẽ bắt chước các hành động mang tính lặp lại để có thể tối đa hiệu suất lao động, tự động hóa Quy trình bằng Robot (Robotic Process Automation – hay RPA) giúp các công ty bảo hiểm kiểm soát quy trình từ phát hành hợp đồng đến chi trả bồi thường cùng nhiều tác vụ liên quan tới quy trình tài chính, kế toán...

Điều này, tất nhiên, chưa xảy ra tại thị trường Việt Nam, nhưng “tiếc rằng” đây không còn là viễn cảnh bởi robot trên đã được ứng dụng tại không ít thị trường phát triển. Câu hỏi hiện nay là, điều gì sẽ xảy đến với các công ty bảo hiểm tại Việt Nam khi robot xuất hiện?

Đầu tiên là nhân sự sẽ bị giảm. Với kinh nghiệm các nước đi trước, RPA có thể  lập kế hoạch và giám sát, trung tâm dữ liệu có thể chạy dữ liệu 24x7, với chức năng giám sát hoạt động và theo dõi cùng các tùy chọn linh hoạt về thời gian;  Bảo mật toàn diện bao gồm các hệ thống quản lý thông tin bảo mật; khả năng mở rộng toàn diện có thể hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng vật lý ảo và thực để chạy hàng ngàn tác vụ cùng lúc….

Kết quả là, chi phí cho các công ty bảo hiểm sẽ giảm ngay lập tức ở các bộ phận công việc có liên quan. Mức đo được ở bộ phận có công việc với tính chất lặp lại có thể giảm từ 50 - 70%. 

Theo ông Sumit Narayanan, Phó Tổng giám đốc phụ trách tư vấn chuyên ngành Bảo hiểm khu vực ASEAN, một trung tâm khiếu nại về y tế tại Singapore, sau khi ứng dụng robot vào quá trình đánh giá hồ sơ để đảm bảo có thể xử lý yêu cầu nhanh và hiệu quả hơn đã đạt được những thành công đáng kể như: Giảm thời gian xử lý các khiếu nại thí điểm từ 15 FTE (nhân sự toàn thời gian) xuống còn 10 FTE; nhân lực có thể tập trung vào những hoạt động mang lại giá trị cao hơn cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ hơn. 

Tương tự, một công ty bảo hiểm toàn cầu tại Thái Lan đã ứng dụng RPA vào dịch vụ trực tuyến, thu thập thông tin và đạt được hiệu suất tốt.

Theo ông Saman Bandara, Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo Bộ phận Dịch vụ Bảo hiểm EY Việt Nam, xu thế mới về tự động hóa không chỉ của bảo hiểm mà còn là của ngành ngân hàng tài chính nói chung và đã được khá nhiều doanh nghiệp tại các thị trường khác nhau ứng dụng. Tuy nhiên, khi  thảo luận với nhiều doanh nghiệp  bảo hiểm về đề tài này, có nhiều doanh nghiệp đã nói rằng công nghệ tự động hóa không liên quan nhiều đến ngành bảo hiểm Việt Nam.

“Tôi cho rằng quan niệm này cần phải thay đổi và hy vọng ngành bảo hiểm có thể áp dụng những công nghệ mới để cùng cạnh trạnh với ngành ngân hàng trong tương lai”, ông Saman nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Trường Khánh, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành bảo hiểm cho rằng, việc tự động hóa đối với những công việc mang tính lặp đi lặp lại thì nhiều công ty đã áp dụng quy trình tự động hóa để tiết kiệm thời gian và chi phí, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng có thể áp dụng được phần mềm này.

Về chi phí, hiện tại, đây không phải là vấn đề quá lớn bởi chi phí phát triển các phần mềm tự động hóa ngày càng rẻ. Đặc biệt là trong tình hình Việt Nam cũng có đội ngũ các kỹ sư công nghệ thông tin giỏi.

Theo ông Khánh, thách thức lớn nhất trong việc áp dụng quy trình này tại các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nằm ở hai yếu tố: con người và chi phí. Về con người, cần tầm nhìn và quyết tâm xuyên suốt của lãnh đạo, khả năng chuẩn hóa quy trình và viết yêu cầu kỹ thuật cho hệ thống công nghệ thông tin cùng với sự ủng hộ của đội ngũ nhân lực cấp trung và nhân viên thực hiện trong việc thay đổi.

“Trở ngại lớn nhất là không biết rõ mình muốn gì và sự chống đối sự thay đổi”, ông Khánh nhìn nhận.

Trong khi đó, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ nói rằng, quy trình tự động hóa bằng robot cũng có thể ứng dụng được ở nhiều quy trình tại các công ty bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, do chi phí vẫn quá cao so với phương pháp truyền thống nên các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa có chiến lược tiếp cận và phát triển hình thức này.

Vấn đề này, cũng theo ông ông Saman: “Để có thể áp dụng công nghệ này một cách thành công, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp cần tinh gọn và chuẩn hóa các quy trình hoạt động. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cần nhanh chóng tiến hành rà soát quy trình hoạt động, xây dựng cơ chế mạch lạc cho robots cùng đội ngũ vận hành.Ngoài ra, cũng nên có những hoạt động truyền thông hiệu quả về giá trị và tiềm năng của RPA cho mọi thành viên của doanh nghiệp”.

Tin bài liên quan