Theo quy định tại Nghị định 73/2016/NÐ-CP về thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm muốn thành lập thì phải có chuyên gia tính toán dự phòng (hay chuyên gia định phí).
Cũng theo quy định của Bộ Tài chính, chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán phải là thành viên của Hội Các nhà tính toán bảo hiểm đang là thành viên chính thức của Hội Các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế, hoặc có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và có bằng chứng chứng minh đã thi đạt tối thiểu 2 môn thi của các hiệp hội uy tín, hoặc chứng minh được đã thi đạt các môn thi theo khóa học, chương trình đào tạo chuyên ngành tính toán được các hội trên công nhận tương đương với 2 môn thi của hội; không vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề tính toán bảo hiểm…
Khác với khối phi nhân thọ, ngay khi bước chân vào thị trường, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã tuyển dụng những chuyên gia định phí (actuary) có bằng cấp được các tổ chức định phí thế giới công nhận và tự đào tạo nguồn actuary người Việt, nên khi có những quy định mới về tiêu chuẩn hành nghề actuary, các công ty bảo hiểm nhân thọ không gặp khó khăn về tìm kiếm tuyển dụng nhân sự định phí như một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Thực tế, đối với khối nhân thọ, ngoài việc tự đào tạo các chuyên gia tính toán để bù đắp nguồn nhân lực cấp cao luôn thiếu hụt vì sự dịch chuyển liên tục trên cùng thị trường, các doanh nghiệp khối này cũng luôn tập trung và ưu tiên cho việc đào tạo, huấn luyện, tạo cho nhân viên nhiều cơ hội phát triển năng lực, chuyên môn để đảm nhiệm nhiều trọng trách hơn.
Việc đào tạo và phát triển nhân sự từ nội tại không chỉ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung kịp thời nhân sự khi thị trường có biến động nhân sự cấp cao, mà còn nhân thêm sự gắn bó với công ty.
Trong khi đó, khi quy định khắt khe về chuyên gia định phí được áp dụng đã khiến các doanh nghiệp phi nhân thọ gặp nhiều khó khăn trong đào tạo hoặc tuyển dụng cán bộ, nhân viên cho vị trí này.
Thị trường bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ thiếu chuyên gia định phí trầm trọng dẫn đến các doanh nghiệp buộc phải thuê chuyên gia định phí từ bên ngoài, thậm chí một chuyên gia định phí có thể làm việc cho nhiều doanh nghiệp cùng lúc.
Việc thuê chuyên gia định phí là việc bất đắc dĩ bởi chi phí thuê chuyên gia bên ngoài rất cao, đôi khi vượt quá khả năng tài chính của những doanh nghiệp nhỏ.
Mặt khác, hàng năm, các doanh nghiệp sẽ phải đàm phán lại hợp đồng, dẫn đến việc bị ép phí, thậm chí nếu thay đổi chuyên gia định phí thì thủ tục cũng không hề dễ dàng khi phải nộp hồ sơ về Bộ Tài chính chờ xét duyệt.
Bên cạnh đó, việc phụ thuộc quá nhiều vào chuyên gia bên ngoài, trong khi họ không hiểu rõ về doanh nghiệp cũng đem đến những trở ngại lớn.
Chính vì thế, theo các doanh nghiệp, tự đào tạo nhân sự định phí là giải pháp khả dĩ nhất để giải quyết bài toán chuyên gia định phí.
Dù gặp không ít khó khăn khi thực hiện quy định mới trong tuyển dụng chuyên gia tính toán dự phòng, nhưng theo các doanh nghiệp phi nhân thọ, việc quy định chặt chẽ đối với chuyên gia định phí là cần thiết bởi trong hoạt động bảo hiểm, những nghiệp vụ như tính toán dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng bồi thường cho các yêu cầu bồi thường chưa được giải quyết… là không khó, nhưng tính toán dự phòng bồi thường cho tổn thất đã phát sinh mà chưa có thông báo lại rất phức tạp, bởi người thực hiện phải đưa ra những con số cụ thể cho những vấn đề không rõ ràng và không chắc chắn xảy ra.
Thực tế, nhiều công ty đã trích lập dự phòng bồi thường thiếu chính xác, ảnh hưởng tới sự an toàn tài chính của doanh nghiệp. Ðể đáp ứng yêu cầu mới, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh đào tạo và cử cán bộ đi học, sau đó thi lấy các chứng chỉ.
Mặc dù tính khả thi còn hạn chế bởi kỳ thi dành cho chuyên gia định phí rất khó khăn, song thị trường cũng đã ghi nhận một số doanh nghiệp phi nhân thọ đào tạo thành công chuyên gia định phí.
Một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã chính thức có chuyên gia định phí do doanh nghiệp cử đi học và thi như PTI, BSH, PVI…
Cơ hội trở thành “ngôi sao sáng”
Chia sẻ tại Hội nghị Ðịnh phí Việt Nam 2019 vừa được tổ chức tại TP.HCM vừa được tổ chức mới đây, ông Chun Nam Ng, Giám đốc tài chính Manulife Việt Nam cho biết, để nuôi dưỡng những tài năng và hạn chế việc chảy máu chất xám ngoài ngành, chúng ta cần đầu tư hơn vào sự phát triển và hội nhập của ngành định phí, đặc biệt tăng cường vai trò quan trọng của họ trong việc dẫn dắt sự chuyển đổi.
Khi ngành định phí bảo hiểm ngày một phát triển, vai trò của định phí càng đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi trong ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng.
Hiện nay, kỹ năng chuyên môn ngành định phí đang có nhu cầu rất cao, đòi hỏi các công ty bảo hiểm luôn đặc biệt quan tâm.
“Chuyên viên định phí là công việc đã gắn bó rất lâu với ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế ngày nay cho thấy, nghề nghiệp này được săn đón bởi những cơ hội hấp dẫn tại các lĩnh vực khác vì ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn khai thác kỹ năng ‘định hướng dữ liệu’ độc đáo của họ”, ông Chun Nam Ng nói.
Thực tế, khi càng nhiều công ty đang dần tiếp tục định hướng và khai thác hệ thống lưu trữ dữ liệu, thì các chuyên viên định phí càng có thêm nhiều cơ hội rộng mở để trở thành “ngôi sao sáng” tại lĩnh vực này.
Sự kết hợp độc đáo giữa kỹ năng mang tính học thuật và nhận định chủ quan mang đến những giá trị mới cho nghề định phí.
Bằng cách củng cố và luôn chứng minh vai trò quan trọng của mình trong môi trường kinh doanh không ngừng biến đổi, các chuyên gia định phí đang giữ một vị trí đặc biệt, tạo nên sự chuyển đổi giữa nhu cầu hiện tại thành một quỹ đạo mới cho sự phát triển nghề nghiệp hoàn toàn mới.
Thay vì phân nhánh thành các lĩnh vực phi bảo hiểm, các công ty bảo hiểm có thể được phục vụ tốt hơn bằng cách phát huy nguồn lực từ chuyên gia định phí để khám phá và mở rộng vai trò của mình trong các lĩnh vực phi truyền thống của bảo hiểm như đầu tư, quản lý rủi ro, phân phối bán hàng và thậm chí cả dịch vụ khách hàng.