Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax... Đồ họa: NgocTuanz

Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax... Đồ họa: NgocTuanz

Tranh chấp bảo hiểm tại Bảo Minh: Tranh cãi về hiệu lực hợp đồng

(ĐTCK) Liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng với Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Trường trung cấp nghề tỉnh Quảng Trị (bên mua bảo hiểm) cho rằng, hợp đồng chưa phát sinh hiệu lực vì chưa đóng phí, chưa xác nhận nợ.

Được biết, ngày 19/5/2012, Trường trung cấp nghề tỉnh Quảng Trị mua gói bảo hiểm rủi ro xây dựng công trình, trị giá 124 triệu đồng với Bảo Minh. Do khách hàng không đóng phí bảo hiểm, Bảo Minh nộp đơn khởi kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). 

Ngày 12/4/2016, VIAC ra phán quyết tuyên buộc Trường trung cấp nghề tỉnh Quảng Trị có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm cho Bảo Minh số tiền 124 triệu đồng. Không đồng tình, Trường đã kháng án lên Hội đồng xét đơn - Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, đề nghị hủy phán quyết trên. Bên mua bảo hiểm cho rằng, phán quyết trên vi phạm pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, viện dẫn Điều 15, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi năm 2010, Trường trung cấp nghề tỉnh Quảng Trị cho rằng, hợp đồng chỉ có giá trị khi đã đóng phí, trừ trường hợp thỏa thuận xác nhận nợ. Trường chưa nhận được văn bản xác nhận nợ nên hợp đồng chưa có hiệu lực. Do đó, bị đơn không thuộc các trường hợp luật đã quy định như trên nên không nợ phí bảo hiểm.

Bị đơn còn đưa ra 2 lý lẽ khác. Thứ nhất, văn bản thu phí của Bảo Minh có nội dung “hợp đồng không có hiệu lực khi không đóng đủ phí theo quy định”.

Thứ hai, trong hợp đồng có điều khoản thể hiện, phí bảo hiểm được thanh toán bằng tiền VND, đưa trực tiếp hoặc chuyển khoản cho Bảo Minh trong vòng 30 ngày kể từ ngày Trường được cấp phát vốn. Theo Trường trung cấp nghề tỉnh Quảng Trị, điều khoản này chỉ là phương thức thanh toán giữa các bên, không phải là xác nhận nợ.

Bảo Minh phản bác rằng, hai bên đã có thỏa thuận, hợp đồng có hiệu lực và phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Các bên cũng thống nhất giải quyết bằng phương thức trọng tài trong trường hợp xảy ra các tranh chấp. Chứng cứ các bên cung cấp không có dấu hiệu giả mạo. Do đó, phán quyết của VIAC là đúng pháp luật.

Sau khi xem xét, căn cứ vào Điều 68 và Điều 72, Luật Trọng tài thương mại, tòa án không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết. Lý lẽ mà Trường trung cấp nghề tỉnh Quảng Trị đưa ra là không có căn cứ nên Hội đồng xét đơn quyết định không hủy phán quyết của VIAC.

Vụ việc trên cho thấy, phía khách hàng có sự nhầm lẫn. Khách hàng cho rằng, hợp đồng có hiệu lực khi đóng đủ phí bảo hiểm. Nhưng theo quy định pháp luật, điều kiện này áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định.

Bên mua bảo hiểm phải có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp bên mua không đóng đủ phí hoặc không đóng phí theo thời hạn, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, bên mua vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng. Quy định này chỉ không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.               

Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả pháp lý

Ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, hợp đồng bảo hiểm còn chấm dứt trong các trường hợp sau:

1. Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Hậu quả pháp lý: doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.

2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Hậu quả pháp lý: bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm; quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.

3. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Hậu quả pháp lý: doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian gia hạn đóng phí; bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng phí bảo hiểm cho đến hết thời gian gia hạn theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.

(Theo Điều 23 và Điều 24, Luật Luật Kinh doanh bảo hiểm)

Tin bài liên quan