Tòa án nhân dân Đắk Lắk tạm hoãn xét xử phúc thẩm vụ nhân viên kiện Prudential Việt Nam

(ĐTCK) Chiều 21/10, tại toà án nhân dân tỉnh Đak Lak, phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án lao động về việc “Đơn phương chấm dứt hợp đồng và bồi thường thiệt hại” giữa nguyên đơn (chị Lưu Thị Kim Thanh) và bị đơn (Công ty BHNT Prudential Việt Nam) đã tạm hoãn.

Nguyên nhân là  do Prudential Việt Nam xin hoãn.

Tại phiên tòa này, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là ông Võ Trần Khương vắng mặt.

Tòa cũng quyết định sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án này vào sáng 15/11 tới.

Trước đó, theo lịch xét xử phúc thẩm, vụ án lao động này được xử vào ngày 18/10//2019 nhưng cũng bị hoãn do Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa đi công tác đột xuất, nên mới chuyển lịch xét xử sang 21/10/2019.

Trước nữa, phiên toà sơ thẩm tại TP. Buôn Ma Thuột hôm 19/6/2019 đã bác đơn khởi kiện của chị Lưu Thị Kim Thanh và sau đó chị Thanh đã kháng cáo toàn bộ bản án lên toà phúc thẩm.

Tòa án nhân dân Đắk Lắk tạm hoãn xét xử phúc thẩm vụ nhân viên kiện Prudential Việt Nam ảnh 1

Quyết định hoãn phiên tòa của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Bên lề phiên tòa, trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Thanh Tùng, nguyên trưởng đại diện của Prudential Việt Nam tại 4 tỉnh Tây Nguyên, đồng thời là nguyên đơn trong vụ kiện “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại” tương tự chị Thanh cũng cho biết, trường hợp chị Thanh cũng hoàn toàn giống trường hợp anh Nguyễn Trung Trí (Cà Mau). Anh Trí là nguyên Trưởng Trung tâm phục vụ phục khách hàng tại Cà Mau kiêm Trưởng đại diện của Prudential Việt Nam tại 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Nhưng, tại phiên toà sơ thẩm ngày 20/8 vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Cà Mau đã tuyên chấp nhận hoàn toàn đơn khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu phía Prudential phải chi trả cho anh Trí hơn 800 triệu đồng, đồng thời phải nhận anh Trí trở lại làm việc. Sau đó, phía Prudential đã kháng cáo lên Toà phúc thẩm và hiện nay, Viện Kiểm Sát nhân dân TP. Cà Mau cũng đã kháng nghị một phần bản án theo hướng yêu cầu toà án phúc thẩm tỉnh Cà Mau phải xử bổ sung theo Điều 42, Bộ Luật lao động 2012, đó là Prudential Việt Nam phải trả thêm cho anh Trí 2 tháng lương, đồng thời phải nhận anh Trí vào làm việc trở lại như ban đầu.

Ngoài ra, ông Tùng cho biết, vẫn còn 6 trường hợp tương tự người lao động tại các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hoà, Bình Định đang tiếp tục khởi kiện.

Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ cập nhật khi có diễn biến mới.

Tin bài liên quan